Việt Nam với những thành tựu không thể phủ nhận về quyền con người

Thành quả đạt được về mục tiêu phấn đấu về bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân của Việt Nam trong thời gian qua được cộng đồng quốc tế, đông đảo các tầng lớp nhân dân công nhận, ủng hộ là những giá trị, kết quả không thể phủ nhận.

Việt Nam nhất quán với quan điểm “không ai bị bỏ lại phía sau” trong vấn đề xóa đói giảm nghèo. Ảnh: Cẩm Linh

Những nỗ lực vì quyền con người

Kể từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc “Tuyên ngôn Độc lập” khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cho đến nay, có thể khẳng định rằng, nhân dân Việt Nam đã, đang và sẽ tiếp tục được hưởng thụ ngày càng đầy đủ quyền con người. Ngay trong Hiến pháp của nước ta, bắt đầu từ Hiến pháp 1946 và tiếp tục ngày càng được bổ sung, hoàn chỉnh, rõ ràng hơn, đầy đủ hơn tại các Hiến pháp 1959, 1980, 1992 và nhất là tại Hiến pháp 2013 thì nỗ lực xây dựng, triển khai các chính sách để bảo vệ, thúc đẩy quyền con người phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam và sự quyết tâm, thực thi đó đã đạt được các kết quả nổi bật, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.

Thực tế có thể chỉ ra hàng loạt những điều cốt lõi và cơ bản về quyền con người được Việt Nam thực thi một cách đầy đủ. Hằng năm, nhân dịp Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chủ tịch nước đều ký Quyết định đặc xá tha tù trước thời hạn cho những phạm nhân có quá trình cải tạo tốt. Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo được đảm bảo và được khẳng định tại các bản Hiến pháp.

Ở Việt Nam, quyền dân chủ, tự do ngôn luận, tự do báo chí và quyền tiếp cận thông tin của người dân ngày càng được bảo đảm tốt hơn. Internet và mạng xã hội ở Việt Nam đang đứng top đầu thế giới với 150 triệu kết nối mobile; khoảng 70 triệu người dùng internet; 58 triệu tài khoản sử dụng Facebook. Hạ tầng 3G/4G đã phủ sóng 99,8% dân cư và Internet cáp quang đã tới 98% số phường, xã biên giới, hải đảo.

Đặc biệt, hệ thống pháp luật về bảo đảm quyền con người cũng được điều chỉnh và bổ sung liên tục để hướng tới những điều tốt đẹp nhất. Đơn cử như Bộ luật Lao động; Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam; Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án; Luật Người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; Luật Cư trú; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính... liên quan đến quyền con người, quyền công dân, phù hợp với các công ước quốc tế, nhất là Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền năm 1948.

Trong sự phát triển về kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng, đối ngoại... của đất nước trên hành trình đổi mới và hội nhập quốc tế, hệ thống pháp luật về quyền con người ngày càng được bổ sung, hoàn thiện. Theo đó, quyền con người, quyền công dân được thực thi khi nhân dân thực hiện quyền lực Nhà nước bằng việc thực hiện các quyền tự do, dân chủ (quyền bầu cử, bãi nhiệm; quyền ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân; quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận và kiến nghị với cơ quan Nhà nước về các vấn đề của cơ sở, địa phương và cả nước của công dân; quyền biểu quyết khi Nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân; quyền tham gia xây dựng, thi hành và bảo vệ Hiến pháp; quyền khiếu nại, tố cáo; quyền giám sát đối với cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức; quyền làm việc trong các cơ quan nhà nước...) theo quy định của Hiến pháp và pháp luật.

Cùng với đó, việc thúc đẩy bình đẳng giới đã khiến quyền con người ở Việt Nam được thực hiện trọn vẹn hơn. Chính phủ Việt Nam đã rất nỗ lực trong việc thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ. Bên cạnh đó, những thành tựu của Việt Nam trong lĩnh vực đảm bảo các quyền trẻ em cũng được thực hiện một cách đầy đủ theo luật pháp Việt Nam và các công ước quốc tế, đảm bảo ngày càng tốt hơn các quyền con người, trong đó có quyền phụ nữ, trẻ em, đồng bào dân tộc thiểu số, đảm bảo an sinh xã hội như bảo hiểm y tế, bình đẳng xã hội, chính sách giáo dục, bảo đảm an ninh lương thực, an ninh năng lượng, an ninh môi trường, an ninh con người...

Sự khẳng định của cộng đồng quốc tế

Không chỉ ở trong nước, những thành tựu Việt Nam đạt được trong xây dựng hệ thống pháp luật, triển khai thực thi quyền con người; tham gia ký các công ước quốc tế, điều ước quốc tế về quyền con người và cam kết thực hiện, coi đó là trách nhiệm chính trị, pháp lý của Nhà nước. Việt Nam cũng luôn tham gia tích cực, chủ động và trách nhiệm tại các diễn đàn đa phương quốc tế về quyền con người.

Bác sĩ, Thiếu tá Lê Anh Đức, quân y Đồn Biên phòng Tri Lễ, BĐBP Nghệ An khám bệnh cho nhân dân biên giới. Ảnh: Viết Lam

Tình hình nhân quyền tại Việt Nam đang được thế giới nhìn nhận ngày một khách quan hơn, bất chấp nhiều luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, chống phá. Đánh giá mới nhất về Việt Nam của Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã nêu, “Việt Nam là một đối tác quan trọng của Liên hợp quốc, đã có nhiều đóng góp thực chất và hiệu quả vào các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.

Mối quan hệ tốt đẹp này cần được tăng cường hơn nữa trong thời gian tới để thúc đẩy hòa bình, sự phát triển bền vững và quyền con người trên thế giới”. Thế giới đã và đang có cái nhìn thân thiện hơn về Việt Nam trong vấn đề nhân quyền, đặc biệt trước sự nỗ lực về xóa đói giảm nghèo cho người dân. Tình trạng nghèo cùng cực tại Việt Nam đã giảm từ tỷ lệ cao nhất khoảng 40% ở những năm 1990 xuống dưới 5% vào năm 2020. Đó chính là nỗ lực tạo nên sự thay đổi phi thường.

Thực tế cho thấy rằng, ở bất cứ quốc gia nào, thể chế chính trị nào mà đời sống vật chất, tinh thần người dân ngày càng được nâng cao và quyền con người, quyền công dân ngày càng được bảo đảm, thì nơi đó là hạnh phúc. Rất nhiều năm, từ năm 2016 tới nay, nhiều tổ chức quốc tế luôn đánh giá, khẳng định rằng, Việt Nam là một trong số ít quốc gia hạnh phúc. Năm 2016, tổ chức chuyên nghiên cứu kinh tế, xã hội New Economics Foundation của Anh công bố 10 quốc gia đứng đầu danh sách Chỉ số hành tinh hạnh phúc (HPI), trong đó, Việt Nam đứng thứ 5 trên bảng xếp hạng.

Đến năm 2021, tổ chức này tiếp tục xếp Việt Nam đứng đầu châu Á và đứng thứ 5 thế giới trong bảng xếp hạng Chỉ số hành tinh hạnh phúc. Theo Liên hợp quốc, Chỉ số phát triển con người (HDI) ở Việt Nam liên tục tăng theo các năm và hiện lọt vào nhóm phát triển con người cao, xếp thứ 115/191 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Việt Nam xứng đáng khi đã trúng cử trở thành thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc lần thứ hai, nhiệm kỳ 2023-2025. Đây là sự thật đảm bảo nhân quyền ở Việt Nam vẫn luôn tồn tại và không thể phủ nhận. Việt Nam nhận thức sâu sắc quyền con người là giá trị chung của các quốc gia, dân tộc và giá trị đó được cộng đồng quốc tế ghi nhận và lá phiếu của mỗi quốc gia bầu chọn Việt Nam trúng cử thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc là một trong những minh chứng rõ ràng nhất.

Tiêu Dao

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/viet-nam-voi-nhung-thanh-tuu-khong-the-phu-nhan-ve-quyen-con-nguoi-post462099.html