Việt Nam vẫn thiếu nơi đào tạo phi công

Đó là một trong những vấn đề được đưa ra tại hội thảo về đào tạo ngành hàng không lần thứ nhất diễn ra tại TPHCM vào ngày 11.9.

Hiện nay, nguồn nhân lực trong ngành hàng không chủ yếu được đào tạo tại nước ngoài (ảnh mh)

Nhiều đại biểu đến từ các hãng hàng không cho rằng, công tác đào tạo và huấn luyện nhân lực hàng không tại Việt Nam hiện nay còn bộc lộ nhiều hạn chế. Các cơ sở đào tạo còn thiếu trang thiết bị để huấn luyện thực hành cho các lao động đặc thù chuyên ngành hàng không. Đặc biệt là đào tạo phi công, nhân viên không lưu, và nhân viên bảo dưỡng, sửa chữa tàu bay; thiếu sự gắn kết giữa cơ sở đào tạo với các doanh nghiệp trong ngành trong việc đào tạo và sử dụng lao động cũng như giữa đào tạo kiến thức chung với huấn luyện thực tế tại các doanh nghiệp trong ngành; kinh nghiệm thực tế và cập nhật công nghệ mới của đội ngũ giáo viên nghề còn ít.

Hiện nay, nhân sự trong lĩnh vực hàng không chủ yếu là người của nước ngoài, nhân lực trong nước rất hạn chế, có hãng hàng không có đến 90% phi công phải thuê người nước ngoài.

Bên cạnh đó, nhiều đại diện các doanh nghiệp trong lĩnh vực hàng không thì cho rằng không chỉ thiếu về trình độ, kỹ thuật, sinh viên ngành hàng không còn rất yếu về tiếng Anh. Đây là một hạn chế rất lớn khiến cho các doanh nghiệp không mặn mà với nguồn lao động trong nước. Do đó, nhiều doanh nghiệp tuyển sinh viên vào phải bỏ tiền ra đào tạo lại, tốn kém hơn cả đào tạo một người mới.

Hiện nước ta có hơn 19.000 nhân viên hàng không và nhiều chuyên gia trong ngành cho rằng ngành hàng không cần những lao động có tay nghề vững vàng chứ không đòi hỏi phải có nhiều kỹ sư, tiến sĩ.

Bà Lương Thị Xuân, Giám đốc Châu Á Thái Bình Dương, Tổng giám đốc – chủ tịch Khương Gia Group cho rằng, đất nước đang trên đà phát triển và đang mở cửa, hơn nữa Cảng hàng không quốc tế sân bay Long Thành chuẩn bị thi công và sẽ mở rộng rất lớn, máy bay của các hãng hàng không nhập về hàng trăm chiếc, các hãng hàng không khác sẽ ra đời. Việc ách tắc hàng không ngày càng nhiều….Như vậy, việc cần nguồn nhân lực cho ngành hàng không là rất lớn.

“Nhìn lại toàn bộ nhân sự của Việt Nam, 100 triệu dân thì có 30 triệu là thành phần trẻ. Trong đó, 20 triệu lứa tuổi đang đi học từ 15-30 tuổi, trong 20 triệu này ít nhất 10% có đủ năng lực đóng tiền học phí đào tạo nhân lực ngành hàng không tại một số nước trên thế giới. Trong 2-4 năm sẽ có bằng và có thể đi làm tại Việt Nam. Đây là nguồn nhân lực đầu tư cho Việt Nam trong tương lai. Sau khi sân bay Quốc tế Long Thành hoàn thành thì một lực lượng kỹ thuật đã có sẵn, nên phải đầu tư ngay từ bây giờ ” – bà Lương Thị Xuân nói thêm.

Theo báo cáo của Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế IATA, Việt Nam là một thị trường hàng không năng động và phát triển nhanh chóng. Việt Nam có số lượng tăng trưởng hành khách hàng không quốc tế đứng thứ 3 trên Thế giới. Dự kiến sẽ chạm mốc 63 triệu hành khách vào năm 2020. Ngành hàng không đóng góp 6 tỉ USD mỗi năm vào GDP (3%) của Việt Nam và hỗ trợ hơn 230.000 việc làm.

* clip: Cận cảnh giai đoạn huấn luyện bay của phi công

Hiện nay, nguồn nhân lực trong ngành hàng không chủ yếu được đào tạo tại nước ngoài (ảnh mh)

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/thoi-su-xa-hoi/viet-nam-van-thieu-noi-dao-tao-phi-cong-591434.bld