Việt Nam vẫn đang trong thời kỳ 'cơ cấu dân số vàng'

60 năm qua, những thành tựu của công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) đã góp phần to lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; cải thiện đời sống nhân dân, giảm tình trạng đói nghèo, tăng cường bình đẳng giới, đóng góp cho sự phát triển bền vững của đất nước. Trong diễn văn khai mạc Hội nghị Trung ương 6, khi đề cập vấn đề dân số, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: 'Đây là vấn đề rất lớn và khó, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, liên quan đến việc bảo vệ, phát triển giống nòi, quốc gia, dân tộc'.

Cách đây 60 năm, ngày 26-12-1961, Thủ tướng Phạm Văn Đồng ký ban hành Quyết định 216 về hướng dẫn sinh đẻ có kế hoạch và chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em (gọi tắt là Quyết định 216). Từ năm 1997, ngày 26-12 hằng năm được chọn là Ngày Dân số Việt Nam, nhằm điều chỉnh sự phát triển dân số cho phù hợp với phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, trước mắt và lâu dài.

QUYẾT ĐỊNH 216 MANG TÍNH NHÂN VĂN SÂU SẮC

Vào những thập kỷ 50, 60 của thế kỷ XX, với sự quyết tâm và nỗ lực của cả dân tộc, chúng ta đã dành được những thành tựu lớn trong phát triển nông nghiệp, công nghiệp, văn hóa, xã hội vào những năm 1955 - 1957. Tuy nhiên, từ năm 1958 trở đi, thu nhập quốc dân giảm, trong khi sản lượng lương thực giảm thì tốc độ tăng dân số lại tăng vọt từ 1% (năm 1954) lên gần 4% (năm 1960). Lúc này, chính sách sinh đẻ có kế hoạch chưa được áp dụng ở nước ta.

Phấn đấu quy mô dân số của tỉnh ở mức 1.817.777 người vào năm 2025 (ảnh chụp khi chưa bùng phát dịch Covid-19).

Phấn đấu quy mô dân số của tỉnh ở mức 1.817.777 người vào năm 2025 (ảnh chụp khi chưa bùng phát dịch Covid-19).

Trong bối cảnh nói trên, ngày 26-12-1961, Hội đồng Chính phủ (nay là Chính phủ) đã ra Quyết định 216 xuất phát từ thực tế về sự gia tăng dân số quá nhanh, gây cản trở đối với sự phát triển kinh tế - xã hội. Đây là một quyết định mang tính nhân văn hết sức sâu sắc, đánh dấu sự ra đời của công tác DS-KHHGĐ được triển khai thực hiện ở nước ta.

Quyết định nêu rõ mục tiêu của việc hướng dẫn sinh đẻ là vì sức khỏe của người mẹ, vì hạnh phúc và hòa thuận gia đình, để cho việc nuôi dạy con cái được chu đáo; việc sinh đẻ của nhân dân cần được hướng dẫn một cách thích hợp.

Năm 2017, tại Hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành Trung ương khóa XII đã ban hành Nghị quyết 21 về công tác dân số trong tình hình mới. Nghị quyết nêu 5 quan điểm làm nền tảng cho công tác dân số hiện nay, đặc biệt là chỉ rõ phương hướng: “Tiếp tục chuyển trọng tâm chính sách dân số từ KHHGĐ sang dân số và phát triển. Công tác dân số phải chú trọng toàn diện các mặt quy mô, cơ cấu, phân bố, đặc biệt là chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ hữu cơ với các yếu tố kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh và bảo đảm phát triển nhanh, bền vững”. Theo đó, Chính phủ đã có Nghị quyết 137 về ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 21 về công tác dân số trong tình hình mới.

Trong 3 năm qua, để cụ thể hóa mục tiêu, ngành Dân số đã triển khai đồng bộ các hoạt động trên các lĩnh vực quy mô, cơ cấu và nâng cao chất lượng dân số, phù hợp yêu cầu chuyển hướng công tác dân số trong tình hình mới. Nhằm từng bước đưa Nghị quyết 21 vào cuộc sống, ngành Dân số đã tìm các giải pháp nâng cao chất lượng dân số có hiệu quả nhất, phù hợp từng đối tượng cụ thể, ưu tiên vùng sâu, vùng xa, vùng có mức sinh cao, tập trung cho nhóm đối tượng là các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, vị thành niên và thanh niên. Nhờ đó, hiệu quả và chất lượng chăm sóc sức khỏe cho người dân nói chung và chăm sóc sức khỏe, KHHGĐ ở các địa phương đã có những bước chuyển biến đáng kể.

Năm 2019, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành Quyết định 1679 phê duyệt Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030 với 8 mục tiêu chính trên tinh thần quán triệt sâu sắc và triển khai đầy đủ Nghị quyết 21 về công tác dân số trong tình hình mới. Công tác dân số tiếp tục được xem là một trong những nội dung quan trọng của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, góp phần nâng chất lượng nguồn nhân lực, cuộc sống của người dân, gia đình và toàn xã hội.

TIỀN GIANG PHẤN ĐẤU QUY MÔ DÂN SỐ 1.817.777 NGƯỜI VÀO NĂM 2025

Trong những năm qua, Tiền Giang đã đạt được những kết quả nổi bật trong công tác DS-KHHGĐ được Trung ương đánh giá cao; đồng thời, góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng dân số tỉnh nhà, cải thiện tình trạng sức khỏe sinh sản, duy trì mức sinh thấp hợp lý. Bên cạnh đó, công tác DS-KHHGĐ cũng đã góp phần giải quyết tốt những vấn đề về cơ cấu dân số, nâng chất nguồn nhân lực, đẩy nhanh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và cải thiện chất lượng cuộc sống của nhân dân.

Về mục tiêu của công tác DS-KHHGĐ giai đoạn 2021 - 2030 là duy trì mức sinh hợp lý, phấn đấu nâng dần mức sinh để đạt mức sinh thay thế (bình quân mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có 2,1 con); đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên; thích ứng với già hóa dân số; phân bố dân số hợp lý và nâng cao chất lượng dân số, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Phấn đấu quy mô dân số của tỉnh ở mức 1.817.777 người vào năm 2025 và mức 1.863.678 người vào năm 2030.

Hướng tới tất cả phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có nhu cầu đều được tiếp cận thuận tiện với các biện pháp tránh thai hiện đại, phòng tránh vô sinh và hỗ trợ sinh sản. Tỷ lệ nam, nữ thanh niên được tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn đạt 90%; giảm 50% số cặp tảo hôn so với năm 2019. 100% dân số được đăng ký, quản lý trong hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thống nhất, dùng chung trên quy mô toàn quốc. 100% người cao tuổi có thẻ bảo hiểm y tế, được quản lý sức khỏe, khám, chữa bệnh, chăm sóc tại gia đình, cộng đồng, cơ sở chăm sóc tập trung; xây dựng môi trường xã hội thân thiện với người cao tuổi, có 50% số xã, phường đạt tiêu chí thân thiện với người cao tuổi…

Nhiệm vụ sắp tới, công tác DS-KHHGĐ của tỉnh tập trung thực hiện các chương trình, đề án của Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030, gồm: Chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi giai đoạn 2021 - 2030 và các đề án: Truyền thông dân số đến năm 2030; Điều chỉnh mức sinh giữa các vùng, đối tượng đến năm 2030; Nâng cao chất lượng dịch vụ KHHGĐ đến năm 2030; Phòng, chống vô sinh, hỗ trợ sức khỏe sinh sản; Chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên; Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh; Tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh, tật trước sinh, sơ sinh; Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi…

LINH CHI (tổng hợp)

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/xa-hoi/202112/viet-nam-van-dang-trong-thoi-ky-co-cau-dan-so-vang-941134/