Việt Nam tham gia cuộc họp định kỳ lần thứ ba năm 2023 Hội đồng thống đốc IAEA

Đại sứ Nguyễn Trung Kiên khẳng định chủ trương nhất quán của Việt Nam về ủng hộ chống phổ biến, tiến tới giải trừ hoàn toàn và triệt để vũ khí hạt nhân.

Từ ngày 11-15/9, đã diễn ra cuộc họp định kỳ của Hội đồng thống đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) với sự tham dự của đại diện 35 quốc gia thành viên Hội đồng, cùng với một số nước thành viên IAEA và tổ chức quốc tế với tư cách quan sát viên.

Đoàn Việt Nam do Đại sứ Nguyễn Trung Kiên, Thống đốc - Đại diện thường trực Việt Nam tại IAEA dẫn đầu, cùng sự tham dự của đại diện các đơn vị chuyên môn của Bộ Quốc phòng và Bộ Công an.

Toàn cảnh cuộc họp. (Nguồn: IRNA)

Tổng giám đốc IAEA Rafael Mariano Grossi bắt đầu bài phát biểu khai mạc trước Hội đồng thống đốc IAEA bằng cam kết hỗ trợ các nạn nhân của trận động đất kinh hoàng hôm thứ Sáu ở Morocco. Ông hứa IAEA sẽ có phản ứng nhanh chóng và kịp thời để cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cho đất nước này.

Tiếp đó, ông Grossi đã cập nhật với Hội đồng quản trị về việc xả nước đã qua xử lý ALPS ra biển có kiểm soát từ Nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi mà Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO), đơn vị vận hành Nhà máy, đã bắt đầu vào ngày 24 tháng trước.

Ông Grossi khẳng định các chuyên gia của IAEA đã hỗ trợ đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn quốc tế liên quan tiếp tục được áp dụng bằng cách lấy mẫu nước đã xử lý trước khi xả ra ngoài, đồng thời cho biết ông rất vui khi lưu ý rằng việc lấy mẫu và giám sát độc lập của Cơ quan đã xác nhận rằng mức triti trong nước thải thấp hơn giới hạn hoạt động của Nhật Bản và cho biết IAEA sẽ tiếp tục giám sát nước biển.

Trong bài phát biểu của mình, Tổng giám đốc IAEA Rafael Mariano Grossi nhấn mạnh IAEA luôn nỗ lực và kịp thời hỗ trợ các quốc gia thành viên trong phạm vi thẩm quyền của cơ quan này, nổi bật là việc Hội đồng Bảo an ủng hộ 5 nguyên tắc do IAEA đề xuất nhằm bảo đảm an ninh an toàn nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhya tại Ucraina hồi tháng 5 vừa qua, đồng thời kêu gọi các bên liên quan tiếp tục tuân thủ.

Ông Grossi cũng nhấn mạnh 53 nhiệm vụ mà IAEA đã thực hiện kể từ ngày 31/8/2022, bao gồm các nhiệm vụ ở cả 5 địa điểm hạt nhân ở Ukraine. Nhân dịp này, Tổng giám đốc cũng khẳng định IAEA sẽ tiếp tục hỗ trợ các nước giải quyết một số thách thức phát triển cấp bách nhất thông qua việc sử dụng khoa học và công nghệ hạt nhân vì mục đích hòa bình.

Ông Grossi thông báo IAEA đang triển khai sáng kiến mới, Atoms4Food, nhằm hỗ trợ các quốc gia thành viên tăng cường sản xuất lương thực, an toàn thực phẩm, quy hoạch nông nghiệp và lập trình dinh dưỡng, sử dụng kỹ thuật hạt nhân và đồng vị. Điều này sẽ đòi hỏi hợp tác chặt chẽ với Tổ chức lương thực và nông nghiệp của Liên hợp quốc.

Các sáng kiến như Rays of Hope (Tia Hy vọng), ZODIAC (Hành động tích hợp chống dịch bệnh lây truyền từ động vật), hay NUTEC Plastics (Công nghệ hạt nhân kiểm soát ô nhiễm nhựa) đều có những bước triển khai đáng ghi nhận.

Tổng giám đốc IAEA Rafael Mariano Grossi phát biểu khai mạc. (Nguồn: IAEA)

Cuộc họp Hội đồng thống đốc tháng 9/2023 diễn ra trong một tuần và tập trung rà soát, thảo luận các Báo cáo năm của IAEA gồm Báo cáo thường niên, Báo cáo về hợp tác kỹ thuật, Báo cáo về thanh sát hạt nhân… để thống nhất thông qua và đệ trình lên Khóa họp lần thứ 67 Đại hội đồng IAEA vào tháng 9/2023.

Bên cạnh đó, một số nội dung khác cũng được các nước thành viên Hội đồng quan tâm thảo luận như tình hình thực thi các Hiệp định thanh sát giữa IAEA với Iran, CHDCND Triều Tiên, Syria, một số vấn đề đang nổi lên như tình hình an ninh, an toàn của nhà máy điện hạt nhân tại Ukraine, hay Hiệp ước về hợp tác ba bên giữa Mỹ, Anh và Úc về việc chuyển giao tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân (AUKUS)…

Đại sứ Nguyễn Trung Kiên phát biểu. (Nguồn: ĐSQ Việt Nam tại Áo)

Tham dự cuộc họp lần này, Đại sứ Nguyễn Trung Kiên khẳng định chủ trương nhất quán của Việt Nam về ủng hộ chống phổ biến, tiến tới giải trừ hoàn toàn và triệt để vũ khí hạt nhân, nhấn mạnh yêu cầu cân bằng giữa ba trụ cột của Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT), qua đó đề cao quyền của các nước sử dụng năng lượng và ứng dụng công nghệ hạt nhân vì mục đích hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế và nghĩa vụ đối với NPT; đề cao nỗ lực và thành tựu của Việt Nam trong lĩnh vực thanh sát hạt nhân, đồng thời khẳng định Việt Nam luôn ủng hộ vai trò của IAEA.

Đại sứ Nguyễn Trung Kiên đánh giá cao các chương trình hợp tác kỹ thuật, nhất là các chương trình đang triển khai giữa Việt Nam và IAEA như chương trình ZODIAC, hoan nghênh sáng kiến Atoms4food của Tổng giám đốc Grossi, đồng thời đề nghị IAEA tiếp tục tăng cường hỗ trợ, hợp tác kỹ thuật với Việt Nam trong các lĩnh vực hai bên cùng quan tâm.

Bà Najat Mokhtar, Phó Tổng Giám đốc IAEA phát biểu dẫn đề tại sự kiện chiêu đãi. (Nguồn: ĐSQ Việt Nam tại Áo)

Bên lề cuộc họp, Việt Nam đã tổ chức chiêu đãi nhằm tri ân sự hỗ trợ, hợp tác thuận lợi của bạn bè quốc tế trong thời gian ta đảm nhiệm vai trò thành viên Hội đồng thống đốc IAEA.

Tham dự buổi chiêu đãi có bà Najat Mokhtar, Phó Tổng giám đốc IAEA, Trưởng ban Khoa học và ứng dụng hạt nhân với tư cách khách mời danh dự.

Ngoài ra, tham dự sự kiện còn có ông Hua Liu, Phó Tổng giám đốc IAEA, Trưởng ban Hợp tác kỹ thuật hạt nhân, Đại sứ và Trưởng Phái đoàn các nước thành viên Hội đồng thống đốc nhiệm kỳ 2022-2023, thành viên Ban Thư ký IAEA cùng đại diện của các cán bộ Cục An toàn bức xạ hạt nhân sang họp nhân dịp này.

Dự kiến, Việt Nam sẽ kết thúc đảm nhiệm vai trò thành viên Hội đồng thống đốc IAEA 2021-2023 sau phiên họp Hội đồng thống đốc vào tháng 10/2023.

Trong thời gian đảm nhiệm vai trò trên, Việt Nam đã tích cực tham gia thảo luận, phối hợp lập trường với các nước thành viên Hội đồng thống đốc IAEA, qua đó hỗ trợ đắc lực cho công tác nắm bắt, theo dõi quan điểm các nước và tham mưu, xây dựng lập trường, quan điểm của ta trong các vấn đề nóng được thảo luận tại các cuộc họp.

Bên cạnh đó, trong vai trò thành viên, ta cũng đã góp tiếng nói cùng các nước đang phát triển, G77 thúc đẩy phát triển và ứng dụng công nghệ hạt nhân vì mục đích hòa bình, phục vụ phát triển bền vững, đặc biệt là thúc đẩy tăng cường hỗ trợ kỹ thuật của IAEA cho nhóm nước này.

Việt Nam được bầu làm thành viên Hội đồng thống đốc IAEA từ tháng 9/2021 trong nhiệm kỳ 2 năm (2021-2023).

Hội đồng Thống đốc IAEA nhiệm kỳ 2022-2023 gồm 35 thành viên: Anh, Argentina, Ấn Độ, Brazil, Bulgaria, Burundi, Canada, Colombia, Costa Rica, Cộng hòa Czech, Đan Mạch, Đức, Guatemala, Hàn Quốc, Ireland, Kenya, Libya, Mỹ, Namibia, Nam Phi, Nhật Bản, Nga, Pakistan, Phần Lan, Pháp, Qatar, Saudi Arabia, Singapore, Slovenia, Thụy Sỹ, Thổ Nhỹ Kỳ, Trung Quốc, Australia, Uruguay và Việt Nam.

Mỗi năm Hội đồng thống đốc IAEA có bốn kỳ họp vào các tháng 3, 6, 9 và tháng 11. Dự kiến, Việt Nam sẽ kết thúc đảm nhiệm vai trò thành viên Hội đồng thống đốc IAEA đến hết phiên họp lần thứ 67 Đại hội đồng IAEA (từ 25-29/9).

(theo ĐSQ Việt Nam tại Áo)

Chu An

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/viet-nam-tham-gia-cuoc-hop-dinh-ky-lan-thu-ba-nam-2023-hoi-dong-thong-doc-iaea-243273.html