Việt Nam tham dự Hội nghị chính quyền địa phương và khu vực Đông Á

Đây là diễn đàn quan trọng để đại diện chính quyền các địa phương trong khu vực Đông Á trao đổi kinh nghiệm, mô hình quản trị, phát triển kinh tế-xã hội; tìm kiếm cơ hội giao lưu, hợp tác trong nhiều lĩnh vực, góp phần thúc đẩy hòa bình và thịnh vượng chung ở khu vực.

Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế phát biểu tại lễ khai mạc.

Ngày 26/10 tại thành phố Lâm Nghi, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc, đã diễn ra Hội nghị chính quyền địa phương và khu vực Đông Á lần thứ 12, xoay quanh chủ đề "Đông Á chung tay hợp tác, cùng thắng", với sự tham dự của khoảng 300 đại biểu đến từ 5 nước: Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Indonesia.

Các tỉnh Phú Thọ và Thừa Thiên-Huế, các thành phố Việt Trì và Huế đã cử đoàn đại biểu tham dự và phát biểu tham luận tại các hoạt động trong khuôn khổ Hội nghị lần này.

Phát biểu ý kiến tại lễ khai mạc, bà Vương Quế Anh, Phó Tỉnh trưởng Sơn Đông, Trung Quốc, nhấn mạnh, kể từ khi thành lập năm 2009 đến nay, cơ chế hội nghị chính quyền địa phương và khu vực Đông Á không ngừng mở rộng thành viên tham dự với phạm vi rộng hơn, sức ảnh hưởng quốc tế ngày càng lớn, trở thành diễn đàn quan trọng cho giao lưu, hợp tác giữa chính quyền các địa phương trong khu vực, đóng vai trò tích cực trong tăng cường liên kết, đi sâu trao đổi, hợp tác thiết thực.

Kể từ khi gia nhập, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc đã tăng cường giao lưu với các địa phương của Việt Nam, Nhật Bản, Hàn Quốc và Indonesia, đưa kim ngạch thương mại song phương tăng trưởng nhanh chóng, đạt 636,4 tỷ nhân dân tệ năm 2022, chiếm tỷ trọng 1/5 trong tổng kim ngạch ngoại thương của địa phương này.

Lãnh đạo tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc đề nghị các địa phương trong cơ chế hợp tác kiên trì nguyên tắc cùng có lợi, chia sẻ thành quả phát triển; thúc đẩy kết nối, tăng cường đồng thuận; hỗ trợ lẫn nhau, làm sâu sắc thêm tình hữu nghị; góp phần đưa cơ chế hợp tác giữa các địa phương trong khu vực Đông Á ngày càng đi vào chiều sâu, hiệu quả, thiết thực.

Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế phát biểu tại lễ khai mạc.

Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế, nhấn mạnh vai trò của cơ chế hợp tác địa phương trong khu vực Đông Á, khi thu hút sự tham gia và hưởng ứng tích cực của nhiều chính quyền và giới doanh nghiệp các địa phương thành viên, cho thấy các giá trị phổ quát và đóng góp nổi bật đối với sự hợp tác, phát triển ở khu vực.

Giới thiệu về tiềm năng, lợi thế của Thừa Thiên-Huế, cố đô của Việt Nam với truyền thống lịch sử-văn hóa hơn 700 năm và vị trí chiến lược quan trọng ở miền trung, cũng như định hướng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025, ông Nguyễn Thanh Bình nhấn mạnh, các nội dung thảo luận của Hội nghị năm nay. Cụ thể như: tăng cường giao lưu, hợp tác địa phương trong khuôn khổ Hiệp định RCEP, xây dựng hệ thống thương mại và logistics hiện đại nhằm thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển với chất lượng cao, đặc biệt là chuyển đổi và phát triển xanh, có ý nghĩa quan trọng, được Thừa Thiên-Huế quan tâm và thúc đẩy, nhằm ứng dụng mô hình kinh tế xanh thay thế mô hình truyền thống, nâng cao năng lực cạnh tranh, bảo đảm kinh tế phát triển nhanh, hiệu quả, bền vững, nâng cao đời sống người dân, tăng khả năng chống chịu trước biến đổi khí hậu…

Tại lễ khai mạc, ban tổ chức đã công bố "Sáng kiến Lâm Nghi của Hội nghị chính quyền địa phương và khu vực Đông Á lần thứ 12", gồm 8 lĩnh vực như chia sẻ nguồn lực, phát triển xanh và carbon thấp, đổi mới sáng tạo..., nhằm tăng cường đối thoại, giao lưu, hợp tác thực chất giữa các chính quyền địa phương thành viên, cùng tìm ra con đường mới, giải pháp mới thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội khu vực Đông Á.

Ngoài lễ khai mạc, sự kiện năm nay còn bao gồm hội nghị bàn tròn lãnh đạo các địa phương, 2 diễn đàn chính; hội nghị xúc tiến đầu tư, thương mại và văn hóa, du lịch; các cuộc hội đàm song phương giữa các địa phương, triển lãm văn hóa và sản phẩm đặc sắc địa phương...

Ông Bùi Văn Quang, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ phát biểu tại hội nghị bàn tròn.

Chia sẻ tại hội nghị bàn tròn lãnh đạo các địa phương với chủ đề “chuyển đổi xanh và phát triển carbon thấp”, ông Bùi Văn Quang, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ đánh giá, trong bối cảnh biến đổi khí hậu đã thực sự trở thành thách thức lớn đối với sự phát triển bền vững, việc chuyển hướng sang phát triển kinh tế xanh, carbon thấp là xu thế tất yếu…Việt Nam sớm tiếp cận với mô hình tăng trưởng xanh; xác định phát triển xanh, chuyển đổi năng lượng, giảm phát thải là động lực tăng trưởng quan trọng trong dài hạn để đạt được sự thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng xã hội.

Tỉnh Phú Thọ đã và đang nỗ lực triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm thực hiện các nhiệm vụ chiến lược: Giảm cường độ phát thải nhà kính và thúc đẩy sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo trong sản xuất; chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng xanh hóa các ngành kinh tế, khuyến khích phát triển công nghiệp xanh, nông nghiệp xanh và phát triển lâm nghiệp bền vững với cơ cấu ngành nghề, công nghệ, thiết bị bảo đảm thân thiện với môi trường, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên, năng lượng; thực hiện đô thị hóa xanh, bền vững, văn minh, hiện đại; xây dựng nông thôn mới hài hòa với thiên nhiên và môi trường; thúc đẩy tiêu dùng và mua sắm xanh, từng bước tạo lập môi trường và hình thành văn hóa, lối sống xanh trong cộng đồng.

Ông Bùi Văn Quang bày tỏ mong muốn được hợp tác, liên kết với các địa phương thành viên cơ chế hợp tác trong phát triển nông nghiệp, công nghiệp theo mô hình kinh tế tuần hoàn dựa trên nền tảng ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số; trao đổi về các chính sách cũng như cách xử lý các tác động xã hội của quá trình chuyển đổi.

Khu vực trưng bày của tỉnh Phú Thọ bên lề Hội nghị.

Trong khuôn khổ Hội nghị, đã có 32 dự án hợp tác được ký kết giữa các địa phương trên nhiều lĩnh vực như văn hóa-du lịch, kinh tế-thương mại và kết nghĩa giữa các thành phố...

Hội nghị chính quyền địa phương và khu vực Đông Á là cơ chế hợp tác do tỉnh Nara (Nhật Bản) khởi xướng từ 2009, với mục đích tạo diễn đàn để đại diện chính quyền địa phương thành viên chia sẻ các kinh nghiệm phát triển, tăng cường giao lưu, kết nối hữu nghị, đóng góp vào hòa bình và phát triển của khu vực Đông Á.
Trải qua 11 lần tổ chức, đã có 75 địa phương thuộc 7 quốc gia tham gia cơ chế. Hội nghị năm nay đã kết nạp tỉnh Shiga (Nhật Bản) và thành phố Du Lâm (tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc) làm thành viên mới.
Dự kiến, Hội nghị chính quyền địa phương và khu vực Đông Á lần thứ 13 sẽ do thành phố Tây An, Trung Quốc đăng cai tổ chức vào tháng 5/2024.

Theo nhandan.vn

Nguồn Đắk Nông: https://baodaknong.vn/viet-nam-tham-du-hoi-nghi-chinh-quyen-dia-phuong-va-khu-vuc-dong-a-184216.html