Việt Nam tăng 8 bậc về Chỉ số phát triển con người | Hà Nội tin mỗi chiều

Việt Nam nâng hạng vượt bậc trong Chỉ số phát triển con người; Lựa chọn sách giáo khoa cần công khai, khách quan… là những nội dung chính trong chương trình hôm nay.

Việt Nam nâng hạng vượt bậc trong Chỉ số phát triển con người

Việt Nam đã tăng 8 bậc từ vị trí 115 lên vị trí 107 trong bảng xếp hạng mới nhất về chỉ số phát triển con người (gọi tắt là chỉ số HDI). Với chỉ số phát triển con người là 0,726 nước ta tiếp tục nằm trong số các quốc gia đang phát triển có chỉ số HDI cao. Từ vị trí tương đối thấp trong bảng xếp hạng, nay Việt Nam đang ở giữa bảng xếp hạng và liên tục tiến bộ trong 30 năm qua. HDI được đánh giá qua ba tiêu chí: sức khỏe (đo bằng tuổi thọ trung bình), tri thức (đo bằng tỉ lệ số người lớn biết chữ và tỉ lệ nhập học các cấp giáo dục) và thu nhập (mức sống đo bằng GDP bình quân đầu người).

Chương trình phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) nhận định Việt Nam đang tiếp tục đạt được nhiều thành tựu quan trọng về phát triển con người, đóng góp tích cực vào nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế trong tiến trình giải quyết các thách thức toàn cầu, thực hiện Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững.

Việt Nam tiếp tục nằm trong số các quốc gia đang phát triển có chỉ số HDI cao.

Từng là quốc gia bị chiến tranh tàn phá, Việt Nam nay đã thành công trong việc đưa người dân thoát khỏi cảnh đói nghèo và đạt mức tăng trưởng kinh tế - xã hội khá cao. Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong cải thiện cuộc sống người dân và nâng cao chất lượng y tế trong những thập kỷ gần đây được quốc tế ghi nhận. Tổ chức Y tế thế giới đánh giá tuổi thọ trung bình của người Việt Nam đã tăng 15 năm, giảm đáng kể các bệnh có thể phòng ngừa được bằng vắc-xin. Việt Nam đã mở rộng phạm vi bảo hiểm y tế, tiến xa hơn trên lộ trình chăm sóc sức khỏe toàn dân.

Việc Việt Nam thăng hạng vượt bậc về chỉ số phát triển con người sẽ tạo độ tin cậy với các nhà đầu tư nước ngoài, thu hút khách du lịch quốc tế. Từ đó sẽ tạo ra nhiều cơ hội cho người dân và doanh nghiệp. Phát triển con người chính là sự phát triển mang tính nhân văn, giúp người dân được sống lâu và khỏe mạnh, được học hành và có một cuộc sống ấm no. Với vị trí, tầm vóc của một thủ đô, Hà Nội luôn được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm chỉ đạo toàn diện trên các lĩnh vực. Hà Nội luôn nằm trong nhóm các tỉnh, thành phố có chỉ số phát triển con người cao nhất nước ở cả ba tiêu chí sức khỏe, tri thức và thu nhập. Năm 2024, Hà Nội đặt ra 24 chỉ tiêu kinh tế - xã hội, trong đó có tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn khoảng 7%, thu nhập bình quân đầu người 162 triệu đồng. Trong chiến lược phát triển Thủ đô “văn hiến – văn minh – hiện đại” từ nay đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045, Hà Nội xác định đặt con người vào trung tâm của chiến lược.

Lựa chọn sách giáo khoa cần công khai, khách quan

Năm học 2024 - 2025 là năm học đầu tiên học sinh khối lớp 5, 9 và 12 học sách giáo khoa mới biên soạn theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Từ năm nay, quyền lựa chọn sách giáo khoa sẽ thuộc về các trường học thay vì UBND tỉnh/thành phố như trước đây.

Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã hoàn thành việc giới thiệu sách giáo khoa mới lớp 5, lớp 9 và lớp 12 tới cán bộ, giáo viên các trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông và trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên của thành phố. Những cuốn sách giáo khoa mới đã chính thức được giới thiệu tại Hà Nội với ba bộ khác nhau là Kết nối tri thức với cuộc sống, Chân trời sáng tạo và Cánh diều. Các nhà xuất bản đã mang tới nhiều lựa chọn. Có bộ sách giáo khoa lên tới 46 cuốn bao gồm cả chuyên đề học tập. Năm nay, các giáo viên, tổ chuyên môn sẽ trực tiếp chọn sách giáo khoa. Theo quy định, mỗi trường sẽ có một hội đồng lựa chọn sách giáo khoa, trong đó có hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, đại diện cha mẹ học sinh. Hội đồng chỉ có nhiệm vụ thẩm định quy trình lựa chọn sách giáo khoa đúng hay chưa, không được can thiệp hay tác động vào việc lựa chọn sách giáo khoa.

Nhấn mạnh vai trò của nhà trường trong việc lựa chọn sách giáo khoa, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Phạm Quốc Toản yêu cầu các đơn vị cần nghiên cứu kỹ Thông tư số 27, nhất là những điểm mới về trách nhiệm và quy trình lựa chọn sách giáo khoa, để triển khai nghiêm túc, minh bạch, công bằng và bảo đảm tiến độ công bố danh mục sách giáo khoa được phê duyệt trước ngày 30/4/2024.

Ảnh minh họa: Laodongthudo

Theo ông Nguyễn Xuân Thành - Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ Giáo dục và Đào tạo), đơn vị xây dựng dự thảo thông tư 27 việc trao quyền lựa chọn sách giáo khoa cho cán bộ quản lý cấp trường, giáo viên, phụ huynh đảm bảo nguyên tắc dân chủ. Vai trò của đại diện cha mẹ học sinh là chứng kiến, góp ý, đảm bảo quy trình lựa chọn sách giáo khoa khách quan. Thông tư 27 vẫn phải tuân thủ Luật Giáo dục nên căn cứ vào kết quả lựa chọn sách giáo khoa của các cơ sở giáo dục, UBND cấp tỉnh vẫn phê duyệt danh mục lựa chọn sách giáo khoa tại địa phương.

Quan điểm của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 là định hướng phát triển năng lực phẩm chất được cụ thể hóa bằng những yêu cầu cần đạt ở từng môn học và cấp học. Mục tiêu là giúp học sinh làm chủ kiến thức phổ thông, biết vận dụng hiệu quả kiến thức, kỹ năng đã học vào đời sống và tự học suốt đời, có định hướng lựa chọn nghề nghiệp phù hợp. Do vậy, dù chọn sách giáo khoa nào thì học sinh cũng được thực hành, được trao đổi, được thảo luận để phát triển những kỹ năng và năng lực. Học sinh không phải ngồi nghe thầy cô giảng, thay vào đó, được thầy cô giao cho nghiên cứu, đọc sách, làm thí nghiệm, làm việc nhóm. Từ đó, các em tự rút ra bài học để có thể trình bày được với thầy cô, bạn bè. Đó chính là cách thức học để chiếm lĩnh kiến thức.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết sẽ tổ chức các đoàn kiểm tra, thanh tra việc chọn sách giáo khoa tại các địa phương. Hiện tại, giáo viên đang dựa trên các tiêu chí như nội dung, phương pháp, sự phù hợp với điều kiện của nhà trường để chọn sách giáo khoa. Giá sách giáo khoa chưa được công bố, nhưng đây cũng là một trong những tiêu chí quan trọng để các nhà trường lựa chọn sách giáo khoa cho năm học mới.

Được trao quyền lựa chọn sách khoa, các trường, các giáo viên sẽ chịu trách nhiệm thực hiện nghiêm túc, minh bạch, công bằng và đúng tiến độ. Chọn sách giáo khoa nào đòi hỏi phải xuất phát từ thực tiễn và hiệu quả dạy học, đồng thời phù hợp với đặc điểm kinh tế xã hội của địa phương và điều kiện tổ chức dạy học tại các nhà trường. Làm được như vậy, việc lựa chọn sách giáo khoa mới thực sự là vì quyền lợi của học sinh, vì sự phát triển của nền giáo dục./.

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/viet-nam-tang-8-bac-ve-chi-so-phat-trien-con-nguoi-ha-noi-tin-moi-chieu-225962.htm