Việt Nam sẽ phát triển tập trung vào chiều sâu

Ngày 3-11, Hội nghị Kinh tế đối ngoại Việt Nam 2016 (Vietnam Summit 2016) do Bộ Ngoại giao Việt Nam và Tạp chí The Economist của Vương quốc Anh phối hợp tổ chức đã được diễn ra tại TP Hồ Chí Minh.

Tại hội nghị, các đại biểu đã cùng thảo luận các cơ hôi và thách thức cho kinh tế Việt Nam trong thời gian tới. Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết, quá trình đổi mới và hội nhập đã giúp nền kinh tế Việt Nam phát triển. Thành tựu kinh tế 30 năm đổi mới đạt được là nhờ những nguyên nhân: chuyển đổi từ kinh tế bao cấp sang kinh tế thị trường và gỡ bỏ những rào cản để phát triển kinh tế; tận dụng và phát huy lợi thế nguồn nhân lực, nhân công và thế mạnh nông nghiệp; sớm quyết tâm hội nhập và lấy hội nhập kinh tế làm trọng tâm đã thúc đẩy thương mại và cải thiện thể chế trong nước.

Trả lời câu hỏi của đại biểu rằng liệu các địa phương cùng tập trung thu hút đầu tư nước ngoài (ĐTNN) có dẫn đến tình trạng cạnh tranh thiếu hiệu quả, Phó Thủ tướng khẳng định, Việt Nam chủ trương tạo môi trường thuận lợi, sân chơi bình đẳng cho các nhà đầu tư tai Việt Nam. Việt Nam không nhận đầu tư bằng mọi giá mà ưu tiên các lĩnh vực công nghệ cao, đảm bảo môi trường đồng thời sử dụng hiệu quả các nguồn lực… Việt Nam sẽ tăng cường liên kết các vùng để tránh tình trạng đầu tư bằng mọi giá dẫn đến không hiệu quả.

Về những chính sách sắp tới của Việt Nam, Phó Thủ tướng cho biết trước đây kinh tế Việt Nam dựa vào nguồn nhân công rẻ, hiện nay nhân tố này không còn là lợi thế và Việt Nam đang thay đổi mô hình phát triển theo hướng tăng năng suất lao động, sử dụng tri thức, tập trung vào chiều sâu.

Chẳng hạn không phát triển nông nghiệp theo chiều rộng mà là nông nghiệp kỹ thuật cao.

Hiện ngành nông nghiệp đang chiếm khoảng 70% lực lượng lao động của Việt Nam, nếu năng cao năng suất lao động, sử dụng máy móc công nghệ thì sẽ dẫn đến mâu thuẫn là xảy ra tình trạng thất nghiệp. Theo Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, để phát triển kinh tế bắt buộc phải sử dụng công nghệ và phải đối phó với thực tế giải quyết công ăn việc làm. Giải pháp của Việt Nam sẽ là chuyển lao động sang ngành nghề công nghiệp và dịch vụ. Điều này đòi hỏi việc tăng cường đầu tư vào con người thông qua giáo dục, dạy nghề nâng từ lao động giản đơn lên lao động tay nghề cao, nâng cao trình độ, dạy nghề cho người lao động.
Dự kiến 5 năm tới mức tăng trưởng kinh tế Việt Nam là 6,5% - 6,7%/năm.

Tại hội nghị, nhiều câu hỏi cũng tập trung vào vấn đề nếu Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) không được thông qua thì Việt Nam sẽ ứng phó thế nào, Phó thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết Việt Nam tham gia vào đàm phán cũng như ký kết TPP với mong muốn thúc đẩy tự do thương mại giữa các nước trong khu vực Thái Bình Dương. TPP mở ra cơ hội cho kinh tế Việt Nam cũng như các nước cùng tham gia đàm phán TPP.

Phó thủ tướng cho biết Việt Nam cũng đang trong quá trình xem xét để phê chuẩn hiệp định TPP và chia sẻ mong đợi Hoa Kỳ sẽ phê chuẩn hiệp định quan trọng này bởi TPP được thông qua là lợi ích chung của tất cả các nước thành viên. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng cho biết, nếu vì lý do nào đó mà TPP không được thông qua thì Việt Nam còn có các hiệp định thương mại tự do (FTA) khác. Được biết, hiện Việt Nam đang có 10 FTA có hiệu lực, 1 FTA đã ký nhưng chưa có hiệu lực và đang tiếp tục đàm phán 4 FTA khác.

Đặng Loan

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Kinh-te/853933/viet-nam-se-phat-trien-tap-trung-vao-chieu-sau