Việt Nam sẽ đối mặt với nước biển dâng từ 50-60cm

Chiều 29/8, trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN (bộ KH&CN) tổ chức buổi tọa đàm với tác giả được xét tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học công nghệ đợt 5.

Trước đó, phiên họp ngày 6-7/8, Hội đồng cấp Nhà nước xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về KH&CN đợt 5 do Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh làm Chủ tịch đã quyết định đề nghị xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh cho 9 công trình/cụm công trình và xét tặng Giải thưởng Nhà nước 7 công trình/cụm công trình.

Phiên hộp Hội đồng Nhà nước xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về KH&CN đợt 5.

Đáng chú ý trong 9 công trình được xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt này là công trình “Xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị, nông thôn, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu” do Tiến sĩ Hoàng Đức Thảo, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Thoát nước và Phát triển đô thị tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (Busadco) thực hiện.

Chia sẻ với PV báo điện tử Người Đưa Tin, TS. Hoàng Đức Thảo cho biết: “Ứng phó với biến đổi khí hậu là việc làm cần thiết và vô cùng quan trọng trong những năm tới khi Việt Nam là một trong những nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi nước biển dâng.

Trong khi đó, Việt Nam có đường bờ biển dài trên 3.200km và theo tính toán, đến năm 2050, nước biển sẽ dâng từ 50-60cm. Hậu quả nhiều vùng ở nước ta sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Bởi vậy, việc nghiên cứu và đưa ra giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu cần thiết hơn bao giờ hết.

Hiện các công trình thủy lợi kè giữ mái dốc để bảo vệ bờ và đê biển chủ yếu sử dụng loại chân kè được thi công tại chỗ theo các phương pháp truyền thống, với nhiều loại kết cấu như chân kè bằng tường chắn bê tông hoặc đá hộc, cọc cừ, ống buy...

Với kết cấu truyền thống đó dễ xảy ra rủi ro phá vỡ kết cấu do sạt lở, xói mòn, lún sụt cục bộ, khó kiểm soát chất lượng, tiến độ. Đặc biệt, trong môi trường xâm thực vùng biển, hiện tượng ăn mòn cốt thép và bê tông dẫn đến hiện tượng nứt vỡ và phá hủy kết cấu, gây hư hỏng, không đảm bảo tuổi thọ công trình.

Do đó, tôi đã nghiên cứu và đưa sản phẩm “chân kè lắp ghép bảo vệ bờ biển và đê biển” mà không dùng cốt thép, nhưng lại có tuổi thọ đến vài trăm năm. Và khắc phục được tất cả các nhược điểm trên. Hơn nữa, sản phẩm lại mỏng và nhẹ hơn, có khả năng đúc sẵn, lắp ghép thuận tiện và đơn giản, chi phí thấp”.

Công trình của TS. Hoàng Đức Thảo được chọn trong 105 công trình/cụm công trình được hội đồng đề nghị xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về KH&CN đợt 5.

Tác giả Hoàng Đức Thảo cũng chỉ ra: “Qua cơn bão số 3 vừa rồi có thể minh chứng sản phẩm của chúng tôi vẫn được giữ vững tại bờ biển Thái Bình. Trong khi đó, một số công trình bằng bê tông cốt thép khác bị sạt lở.

Được biết, quá trình xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về KH&CN đợt 5 được tiến hành độc lập theo ba cấp: Cấp cơ sở; Cấp Bộ, ngành, địa phương; Cấp Nhà nước. Trong đó, Cấp Nhà nước được tiến hành theo hai bước tại các Hội đồng xét tặng Giải thưởng chuyên ngành và tại Hội đồng xét tặng Giải thưởng cấp Nhà nước.

Đánh giá của Hội đồng cấp Nhà nước đã khẳng định công trình của TS. Hoàng Đức Thảo thể hiện tính mới, sáng tạo khoa học, công nghệ, mang lại hiệu quả kinh tế-xã hội nổi trội; là bước đột phá trong mô hình nghiên cứu theo quy trình khép kín: sáng chế, chế tạo, ứng dụng.

Các kết quả nghiên cứu của cụm công trình đã và đang ứng dụng tại 42/63 tỉnh, thành trên cả nước, trong đó 14 tỉnh, thành phố đã ban hành chủ trương cho áp dụng rộng rãi. Ngoài ra, các sản phẩm cũng đã xuất khẩu sang thị trường Lào và Malaysia.

Dự kiến lễ trao giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đợt 5 sẽ được tổ chức vào ngày 17/9 tới.

Vũ Phương

Nguồn Người Đưa Tin: http://www.nguoiduatin.vn/viet-nam-se-doi-mat-voi-nuoc-bien-dang-tu-50-60cm-a256215.html