Việt Nam sắp 'tốt nghiệp' ODA: Khó đảo nợ giống Mỹ

“Thu không đủ chi sẽ tạo ra sự mất cân đối trong nền kinh tế cũng như các ngành nghề sản xuất. Về lâu dài thì người dân sẽ gánh hết”.

Việt Nam khó đảo nợ

Tiếp tục câu chuyện Việt Nam sẽ phải tăng gấp đôi tốc độ trả nợ gốc khi không còn nằm trong nhóm những nước nhận được các khoản vay ưu đãi từ Hiệp hội Phát triển Quốc tế (IDA) thuộc Ngân hàng Thế giới (WB) được đưa ra tại buổi họp báo chuyên đề mới đây của Bộ Tài chính, Đất Việt nhận thêm được ý kiến chia sẻ của PGS.TS Phạm Quang –Viện trưởng Viện Kế toán - Kiểm toán, Trường Đại học Kinh tế quốc dân.

PGS.TS Phạm Quang cho biết, bản thân ông không hề bất ngờ trước thông tin trên. Theo thông lệ quốc tế, nhiều nước vẫn thực hiện vay mới trả nợ cũ đặc biệt là các nước có thị trường vốn phát triển như Mỹ, Nhật Bản. Tuy nhiên với Việt Nam, vị chuyên gia cho rằng kiểu vay nhằm đảo nợ như các nước đã làm rất khó thực hiện được đứng trên quan điểm tiết kiệm chi phí vay vốn.

Theo PGS.TS Phạm Quang Việt Nam sẽ khó đảo nợ nếu phải tiến hành trả nợ nhanh trong thời gian tới

Theo PGS.TS Quang, vay ODA là vay ưu đãi nên không ai chấp nhận cho chúng ta vay mới ODA để trả nợ cũ ODA. Còn nếu vay thương mại các tổ chức quốc tế để trả nợ ODA thì càng nguy hiểm hơn vì trách nhiệm trả lãi và vốn càng nặng nề hơn.

“Một trong những nguyên tắc của nhà cung cấp tín dụng, vay để đảo nợ mà không chính đáng thì họ sẽ không cho vay bởi vì khả năng rủi ro rất lớn. Tôi lấy trường hợp của Mỹ làm ví dụ. Ngân hàng họ nhìn vào 1% tăng trưởng hàng năm của Mỹ. Với một đất nước có nền kinh tế phát triển như vậy, chỉ cần 1% cũng tạo ra rất nhiều giá trị trong nền kinh tế.

Trong khi đó, ở Việt Nam, tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm. Hiện nay thâm hụt NSNN thường xuyên ở mức độ trên 5% GDP thì quả là vấn đề không đơn giản.

Vì vậy không hề dễ dàng để chúng ta được vay vốn với lãi suất ưu đãi như trước đây. Mà nếu có thì số tiền cũng rất nhỏ”, PGS.TS Quang phân tích.

Đánh giá toàn diện nền kinh tế, vị chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần nhìn nhận lại các mục tiêu đã đề ra và có kế hoạch điều chỉnh cho phù hợp thay vì cắt giảm chi thường xuyên tại 1 số tỉnh, thành có đóng góp lớn trong GDP của cả nước.

“Việc cắt giảm như vậy, tôi cho rằng không phải là giải pháp bền vững. Đơn cử, TP.HCM, họ là một thành phố năng động, phát triển mạnh mẽ. Khoản thu ngân sách trên địa bàn TP.HCM nếu để lại cho họ càng nhiều thì nguồn thu ngân sách trong tương lai sẽ tăng nhanh hơn so với việc huy động số đó vào ngân sách tập trung của nhà nước.

Tuy nhiên, trong giai đoạn trước mắt, nguồn thu ngân sách tính trên bình diện quốc gia gặp nhiều khó khăn thì việc cắt giảm phần ngân sách để lại cho TP.HCM là hợp lý. Song trong dài hạn cần tăng tỷ lệ này để khuyết khích đầu tàu kinh tế của cả nước có động lực phát triển mạnh mẽ hơn.

Vì vậy tôi cho rằng chúng ta cần phải thay đổi thể chế kinh tế, tạo ra nền kinh tế thị trường đúng nghĩa, sản xuất, kinh doanh hàng hóa do thị trường điều tiết, hạn chế sự can thiệp của nhà nước với các thành phần kinh tế”, ông Quang nói.

Việt Nam sắp 'tốt nghiệp' ODA: Phải trả nợ nhanh gấp đôi

Bên cạnh đó, Viện trưởng Viện Kế toán – Kiểm toán – Trường đại học Kinh tế quốc dân cũng đồng tình với quan điểm cắt giảm những dự án ngàn tỷ lãng phí hoặc chưa cần thiết để lấy tiền phát triển những mục tiêu trước mắt bền vững.

“Chúng ta phải có kế hoạch cụ thể. Thời gian qua nhiều dự án sử dụng vốn nhà nước nhưng hoạt động không hiệu quả như: gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2, đạm Ninh Bình hay nhà máy xơ sợi Đình Vũ (Hải Phòng).

Thay vì tiếp tục lãng phí hàng nghìn tỷ vào những ngành nghề không mang lại nhiều hiệu quả kinh tế thì chúng ta phải có giải pháp để thu hồi vốn đầu tư của nhà nước, phần vốn không thu hồi được là sai lầm của quá khứ cần phải được khép lại. Nếu cứ giữ kiểu đầu tư như hiện nay (lãng phí, kém hiệu quả) thì tôi e rằng Việt Nam khó tăng được nguồn thu bền vững đáp ứng nhu cầu chi tiêu trong tương lai và hơn nữa sẽ còn phải đối mặt với nạn ô nhiễm môi trường, công nghệ lạc hậu”, ông Quang khẳng định.

Mất sức cạnh tranh

PGS.TS Phạm Quang nhận định, cũng giống như nhiều quốc gia khác trên thế giới, Việt Nam vay nợ thì phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ trả nợ khi đến thời hạn.

Tuy nhiên, trong bối cảnh hiệu quả sử dụng vốn mà nhà nước vay thấp do thất thoát, tham nhũng, phân bổ chưa hợp lý… tốc độ tăng thu nhập quốc dân thấp hơn tốc độ tăng nợ nước ngoài phải trả thì việc trả nợ như cam kết là một bài toán khó đối với Việt Nam.

“Tôi thấy tình hình càng ngày càng khó khăn hơn về việc bảo đảm nguồn lực để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế. Phần vốn đã vay thì quản lý chưa tốt, chưa hiệu quả nay muốn vay thêm thì lãi vay tăng lên do không còn được hưởng ưu đãi. Bên cạnh đó gánh nặng chi tiêu thường xuyên của ngân sách nhà nước do duy trì bộ máy quản lý hành chính nhà nước cồng kềnh, chi tiêu cho quốc phòng, an ninh tăng nhanh thì việc thu xếp nguồn vốn để trả nợ nước ngoài là vấn đề nan giải.

Về ngắn hạn, tôi nghĩ việc tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước để đáp ứng nhu cầu chi tiêu và trả nợ cần phải có chính sách mềm dẻo, linh hoạt nếu không sẽ vướng vào vòng luẩn quẩn không có lối thoát. Chẳng hạn, nếu nhà nước sử dụng nguồn thoái vốn từ các doanh nghiệp nhà nước để đáp ứng nhu cầu chi tiêu thường xuyên và dùng để trả nợ thì nó chỉ trong một thời gian ngắn nguồn vốn này sẽ hết và không còn khả năng để tái tạo được.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/tai-chinh/viet-nam-sap-tot-nghiep-oda-kho-dao-no-giong-my-3322056/