Việt Nam quan tâm hỗ trợ học tập cho học sinh dân tộc thiểu số rất ít người

Ban hành và thực thi các chính sách hỗ trợ trẻ em, học sinh, sinh viên các dân tộc thiểu số rất ít người là một giải pháp của Việt Nam nhằm thực hiện quyền của người dân tộc thiểu số trong việc tiếp cận các cơ hội học tập, rút ngắn khoảng cách phát triển về giáo dục và đào tạo với các dân tộc thiểu số khác và với dân tộc đa số.

Học sinh dân tộc thiểu số rất ít người trong giờ học thể dục. (Nguồn: CPV)

Vào thời điểm tháng 5/2017, khi Chính phủ ban hành Nghị định số 57/NĐ-CP quy định chính sách ưu tiên tuyển sinh và hỗ trợ học tập đối với trẻ mẫu giáo, học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số rất ít người, ở Việt Nam xác định có 16 dân tộc được thụ hưởng, gồm: Cống, Mảng, Pu Péo, Si La, Cờ Lao, Bố Y, La Ha, Ngái, Chứt, Ơ Đu, Brâu, Rơ Măm, Lô Lô, Lự, Pà Thẻn và La Hủ.

Đây là các dân tộc thiểu số có số dân dưới 10.000 người, chiếm 0,08% dân số toàn quốc, chiếm 0,55% so với dân số dân tộc thiểu số, lại cư trú ở những địa bàn khó khăn, thuộc vùng “lõi nghèo” của cả nước nên luôn tụt hậu trong tiếp cận các nguồn lực, dịch vụ công và cơ hội phát triển so với các dân tộc thiểu số khác và so với dân tộc đa số.

Do điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, phải đi học xa nhà và ảnh hưởng một phần của nhận thức lạc hậu rằng cần nguồn nhân lực để lao động sản xuất đảm bảo cái ăn hằng ngày, hoặc thậm chí là “học cao cũng chẳng để làm gì” nên vẫn còn tình trạng một số ít dân tộc thiểu số có tỷ lệ đi học đúng độ tuổi cấp tiểu học chưa đạt mục tiêu, chẳng hạn như dân tộc Brâu.

Tỷ lệ trẻ em ngoài nhà trường của dân tộc Brâu cao nhất (35,4%); tỷ lệ trẻ em không đi học trung học cơ sở cao gấp 3 lần so với mức chung của 53 dân tộc thiểu số.

Trong các dân tộc thiểu số có số dân dưới 10.000 người, tỷ lệ lực lượng lao động qua đào tạo thấp nhất là dân tộc Brâu (2,2%) và cao nhất là dân tộc Pu Péo cũng chỉ đạt 29%. Có 9 dân tộc thiểu số rất ít người có tỷ lệ lực lượng lao động qua đào tạo thấp hơn mức chung của 53 dân tộc thiểu số, tức là thấp hơn 10,3%...

Một vài con số dẫn ra từ kết quả điều tra thu thập thông tin 53 dân tộc thiểu số lần thứ II năm 2019 để thấy rằng người dân tộc thiểu số rất ít người ở Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận giáo dục và từ đó gặp nhiều thiệt thòi trong tiếp cận cơ hội đào tạo chuyên môn kỹ thuật để tự tạo việc làm hoặc tìm việc làm có trả công cao hơn là làm nông nghiệp thuần túy tại quê hương, dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo trong các dân tộc thiểu số này còn cao.

Nghị định số 57/NĐ-CP được ban hành nhằm góp phần tạo điều kiện cho con em đồng bào dân tộc thiểu số rất ít người có cơ hội tiếp cận giáo dục, đảm bảo yêu cầu mở rộng cơ hội lựa chọn nghề nghiệp; bảo vệ và thúc đẩy nhóm yếu thế thực hiện quyền được giáo dục đào tạo, quyền phát triển đầy đủ, bình đẳng với các dân tộc khác, đáp ứng sự phát triển của con người và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Thực hiện Nghị định số 57/NĐ-CP, trong giai đoạn 2017-2022, 100% trẻ em mẫu giáo dân tộc thiểu số rất ít người có nguyện vọng được học tại các trường mầm non, trường, lớp mẫu giáo công lập; 100% học sinh dân tộc thiểu số rất ít người được theo học các cấp học phổ thông tại các trường phổ thông dân tộc bán trú và các trường phổ thông công lập.

Khi tốt nghiệp trung học cơ sở và trung học phổ thông, các em được sắp xếp theo học các bậc học cao hơn phù hợp với nguyện vọng cá nhân và trình độ học tập.

Bên cạnh đó, gần 710 tỷ đồng đã được chi để thực hiện chính sách hỗ trợ học tập đối với học sinh dân tộc thiểu số rất ít người.

Là người dân tộc Lự, đang theo học tại Trường Dự bị đại học dân tộc Trung ương và được hưởng mức hỗ trợ học tập theo quy định tại Nghị định số 57/NĐ-CP bằng 100% mức lương cơ sở/người/tháng và được chi trả trực tiếp hàng tháng, em Tào Thị Điếng chia sẻ, khoản hỗ trợ này đã giúp gia đình em bớt phần khó khăn trong việc lo tiền ăn học hàng tháng cho con, đồng thời tạo động lực giúp em quyết tâm ôn luyện để vào được ngưỡng cửa trường đại học mình hằng mơ ước.

Theo đánh giá của Vụ Giáo dục dân tộc (Bộ Giáo dục và Đào tạo), các chính sách quy định trong Nghị định 57/NĐ-CP không chỉ tạo thuận lợi trong công tác tuyển sinh mà nhờ được hỗ trợ bằng tiền, nên học sinh đã có thêm điều kiện học tập, từ đó duy trì tỷ lệ chuyên cần, giảm tỷ lệ bỏ học, góp phần quan trọng thực hiện, củng cố phổ cập giáo dục mầm non, giáo dục tiểu học và trung học cơ sở, chất lượng giáo dục từng bước được nâng lên.

Đơn cử tại huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng, việc thực hiện chính sách ưu tiên tuyển sinh đã giúp tỷ lệ học sinh người dân tộc Lô Lô hoàn thành chương trình tiểu học, vào học tại trường phổ thông dân tộc nội trú tăng dần. Năm học 2018-2019, tỷ lệ này là 17,24% nhưng đến năm học 2019-2020, đã tăng lên, đạt 53,13%.

Tuy nhiên, theo ông Lê Như Xuyên - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục dân tộc, Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện nay, việc thực hiện Nghị định 57/NĐ-CP đang vấp phải một số bất cập. Chẳng hạn như chính sách hỗ trợ học tập chỉ áp dụng với trẻ mẫu giáo từ 3 tuổi trở lên, trẻ nhà trẻ không có chế độ hỗ trợ, trong khi tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo của nhiều dân tộc thiểu số rất ít người rất cao, lên tới 80%, dẫn đến khó khăn trong công tác huy động trẻ nhà trẻ ra lớp.

Ngoài ra, số dân của các dân tộc thiểu số rất ít người cũng đã có sự thay đổi. 2 dân tộc La Hủ và La Ha đã có số dân trên 10.000 người, không thuộc diện thụ hưởng của Nghị định số 57/NĐ-CP nữa. Thực tế là theo Quyết định số 1227/QĐ-TTg ngày 14/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách các dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, có khó khăn đặc thù giai đoạn 2021-2025 cũng chỉ còn 14 dân tộc: Cống, Mảng, Pu Péo, Si La, Cờ Lao, Bố Y, Ngái, Chứt, Ơ Đu, Brâu, Rơ Măm, Lô Lô, Lự và Pà Thẻn.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Ngô Thị Minh cho rằng, việc thực hiện các chính sách hỗ trợ cho trẻ em, học sinh, sinh viên các dân tộc thiểu số rất ít người đã khẳng định tính nhân văn, ưu việt và sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với đồng bào dân tộc thiểu số rất ít người.

Đây cũng là một giải pháp của Việt Nam nhằm thực hiện quyền con người nói chung, quyền của người dân tộc thiểu số nói riêng trong việc tiếp cận các cơ hội học tập, nhằm rút ngắn khoảng cách phát triển về giáo dục và đào tạo với các dân tộc thiểu số khác và với dân tộc đa số.

Trong thời gian tới, cùng với việc ưu tiên bố trí nguồn lực để triển khai thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các chính sách ưu tiên tuyển sinh và hỗ trợ học tập đối với trẻ mẫu giáo, học sinh, sinh viên các dân tộc thiểu số rất ít người theo quy định tại Nghị định số 57NĐ-CP, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ phối hợp với các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo tiếp tục rà soát, hoàn thiện các cơ chế, chính sách phù hợp với thực tiễn nhằm tạo điều kiện tốt nhất để phát triển giáo dục và đào tạo đối với các dân tộc thiểu số rất ít người.

Rà soát, hoàn thiện cơ chế chính sách phù hợp với thực tiễn nhằm tạo điều kiện tốt nhất để phát triển giáo dục và đào tạo đối với các dân tộc thiểu số rất ít người.

Tăng cường kiểm tra, giám sát và phát huy vai trò của các tổ chức đoàn thể, già làng, trưởng bản, người có uy tín trong vùng dân tộc thiểu số tham gia tuyên truyền, vận động đẩy mạnh công tác truyền thông tình hình thực hiện Nghị định 57/2017/NĐ-CP và các chính sách thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố tăng cường kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện, ngăn ngừa và xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật về Nghị định 57/2017/NĐ-CP trong quá trình thực hiện.

Thái Hòa

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/viet-nam-quan-tam-ho-tro-hoc-tap-cho-hoc-sinh-dan-toc-thieu-so-rat-it-nguoi-248334.html