Việt Nam là thị trường cung cấp cao su lớn thứ 2 cho Trung Quốc

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu cao su đạt khoảng 779 nghìn tấn, trị giá 1,35 tỷ USD, tăng 9,2% về lượng và tăng 12,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Việt Nam là thị trường cung cấp cao su lớn thứ 2 cho Trung Quốc với 797,13 triệu USD, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm 2021.

Theo ước tính từ Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), xuất khẩu cao su của Việt Nam trong tháng 6/2022 đạt khoảng 180 nghìn tấn, trị giá 297 triệu USD, tăng 57,7% về lượng và tăng 52,6% về trị giá so với tháng 5/2022; so với tháng 6/2021 tăng 10,4% về lượng và tăng 8,1% về trị giá; giá xuất khẩu bình quân đạt 1.651 USD/tấn, giảm 3,2% so với tháng 5/2022 và giảm 2,1% so với tháng 6/2021.

Xuất khẩu cao su của Việt Nam đạt được kết quả khả quan trong 6 tháng đầu năm nay.

Xuất khẩu cao su của Việt Nam đạt được kết quả khả quan trong 6 tháng đầu năm nay.

Trong 5 tháng đầu năm 2022, các chủng loại cao su xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu vẫn là hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp (HS 400280), Latex, SVR3L, SVR10, SVRCV60, RSS3... Trong đó, hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp (HS 400280) là mặt hàng được xuất khẩu nhiều nhất, chiếm 58,71% tổng lượng cao su xuất khẩu của cả nước, với 351,82 nghìn tấn, trị giá 609,19 triệu USD, tăng 5,9% về lượng và tăng 13,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.

Trong đó, xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm tới 99,7% tổng lượng hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp xuất khẩu của cả nước, với 350,75 nghìn tấn, trị giá 606,66 triệu USD, tăng 6,2% về lượng và tăng 13,8% về trị giá.

Ngoài ra, trong 5 tháng đầu năm 2022, nhiều chủng loại cao su xuất khẩu cũng đều tăng mạnh cả về lượng và trị giá so với cùng kỳ năm 2021, trong đó đáng chú ý như: Cao su tổng hợp, cao su hỗn hợp (HS 4005), SVR 20, Latex, SVR 10, RSS3, SVR 3L...

Trong 5 tháng đầu năm 2022, giá xuất khẩu bình quân một số chủng loại cao su có xu hướng tăng so với cùng kỳ năm 2021, trong đó đáng chú ý như: Hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp (HS: 400280), SVR10, cao su tổng hợp, SVR20, SVR5...

Đáng chú ý, Việt Nam là thị trường cung cấp cao su lớn thứ 2 cho Trung Quốc với 797,13 triệu USD, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm 2021. Thị phần cao su Việt Nam trong tổng kim ngạch nhập khẩu của Trung Quốc trong 5 tháng đầu năm 2022 chiếm 14,3%, thấp hơn so với mức 15% của 5 tháng đầu năm 2021.

Tuy đạt được kết quả khả quan, ngành cao su cần giải quyết những nút thắt trong phát triển. Ông Tô Xuân Phúc, Chuyên gia của Forest Trends, cho hay hiện nay cao su đại điền (các công ty cao su nhà nước) đạt 455.000 ha, tương đương gần 48% tổng diện tích cao su của cả nước. Phần còn lại 477.000 ha, tương đương 52% là cao su của các hộ dân, hay còn gọi là cao su tiểu điền.

Trong một thập kỷ qua, diện tích cao su đại điền liên tục giảm, bình quân mỗi năm giảm 10.000 – 20.000 ha, do các công ty chuyển đổi cây cao su sang trồng cây khác, hoặc phát triển công nghiệp. Điều này dẫn đến sản lượng không đáp ứng đủ nhu cầu, nên trong những năm gần đây, Việt Nam nhập khẩu cao su thiên nhiên từ Lào và Campuchia để phục vụ chế biến các sản phẩm cao su.

Thy Lê

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//thi-truong/viet-nam-la-thi-truong-cung-cap-cao-su-lon-thu-2-cho-trung-quoc-1086578.html