Việt Nam là 'ngôi sao đang lên của năm' về chỉ số xếp hạng tự do kinh tế

Trong khi tình trạng tự do kinh tế trên thế giới đang giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2001, thì Việt Nam đã đi ngược lại xu hướng toàn cầu và cải thiện đáng kể. Việt Nam là 'ngôi sao đang lên của năm' về chỉ số xếp hạng tự do kinh tế.

Đây là nhận định về xếp hạng về Chỉ số tự do kinh tế năm 2023 của Việt Nam của TS. Rainer Zitelmann – tác giả người Đức của cuốn sách bán chạy trên thế giới "Quái Kiệt Làm Điều Khác Biệt" (Dare To Be Different And Grow Rich).

Việt Nam tăng tới 13 bậc trong bảng xếp hạng Chỉ số tự do kinh tế năm 2023. Ảnh minh họa

Bảng xếp hạng về Chỉ số tự do kinh tế do Heritage Foundation - Quỹ Di sản nổi tiếng của Mỹ phân tích thường niên sự phát triển của tự do kinh tế trên thế giới, được thực hiện kể từ năm 1995. Bảng xếp hạng hiện tại bao gồm 176 quốc gia và vùng lãnh thổ và đo lường dựa trên 12 tiêu chí cụ thể.

Báo cáo của Heritage Foundation cũng chỉ ra rằng, còn có mối liên hệ rõ ràng giữa tự do kinh tế và các tiêu chuẩn môi trường. Kết quả so sánh Chỉ số tự do kinh tế với Chỉ số hiệu suất môi trường cho thấy: một quốc gia càng tự do về kinh tế thì các tiêu chuẩn môi trường càng cao.

Báo cáo của Heritage Foundation chỉ ra rằng, trong khi tình trạng tự do kinh tế trên thế giới đang giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2001, ngay cả xếp hạng của Mỹ cũng tệ nhất kể từ khi chỉ số này được tổng hợp lần đầu tiên vào năm 1995 (Mỹ lọt vào nhóm "gần như tự do" với số điểm 70,1/100, mất thêm 0,2 điểm nữa Mỹ sẽ mất đi vị thế "gần như tự do"), thì Việt Nam đã đi ngược lại xu hướng toàn cầu và cải thiện đáng kể.

Bảng xếp hạng về Chỉ số tự do kinh tế năm 2023 cho thấy, Việt Nam xếp thứ 59/176 quốc gia, tăng 13 bậc so với xếp hạng thứ 72 vào năm trước. Với kết quả này, TS.Rainer Zitelmann gọi Việt Nam là “ngôi sao đang lên của năm” khi tăng tới 13 bậc trong bảng xếp hạng Chỉ số tự do kinh tế năm 2023.

“Mặc dù chỉ xếp thứ 59 trên 176 quốc gia, tuy nhiên Việt Nam đang có những bước phát triển nhảy vọt: Việt Nam đã tăng 13 bậc (!) so với năm trước, ở vị trí thứ 72. Trong một so sánh dài hạn kể từ năm 1995, Việt Nam đã đạt được 21 điểm, nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào có quy mô tương đương. Việt Nam xếp hạng 11 trong số 40 quốc gia trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương được đánh giá về chỉ số này” - TS. Rainer Zitelmann khẳng định.

Lý giải cho nhận định trên của mình, TS. Rainer Zitelmann cho biết: “Tôi đã tìm ra những lý do dẫn đến thành công của Việt Nam trong cuốn sách vừa mới được xuất bản “How Nations Escape Poverty” (tạm dịch: các quốc gia thoát nghèo như thế nào), https://nations-escape-poverty.com/”.

Theo ông, những cải cách kinh tế thị trường Đổi Mới mà Việt Nam khởi động vào cuối những năm 1980 đã thành công công cuộc xóa đói giảm nghèo, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ gần 80% xuống chỉ còn 5%. Việt Nam được nhận điểm rất cao, đặc biệt ở các hạng mục “tình hình tài chính”, “chi tiêu công”, “gánh nặng thuế” và “tự do thương mại”, trong khi vẫn còn nhiều công việc phải làm để bổ sung sung các tiêu chí “Chính phủ liêm chính” và “hiệu quả tư pháp.”

"Sự tiến bộ trong các bảng xếp hạng là động lực để Việt Nam tiếp tục vươn lên" - TS. Rainer Zitelmann nhận định.

Thảo Miên

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/viet-nam-la-ngoi-sao-dang-len-cua-nam-ve-chi-so-xep-hang-tu-do-kinh-te-145788.html