Việt Nam là điểm đến của các 'ông lớn' công nghệ thế giới

Chuyến thăm bất ngờ tới Việt Nam của CEO Apple Tim Cook cho thấy, một quốc gia sở hữu đông đảo đội ngũ kỹ sư, nhân viên công nghệ trình độ cao trong khi nền kinh tế số đang phát triển mạnh như chúng ta đang là điểm đến hấp dẫn với tập đoàn giá trị vốn hóa tới 2.700 tỷ USD này cũng như các 'ông lớn' công nghệ hàng đầu thế giới.

Nóng lòng muốn đến Việt Nam

Ngay sau khi tới Thủ đô Hà Nội vào sáng 15-4 bằng máy bay riêng, CEO Tập đoàn Apple Tim Cook đã chia sẻ trên trang cá nhân rằng: “Việt Nam một đất nước sôi động và xinh đẹp. Tôi vô cùng hào hứng khi được tới đây kết nối với sinh viên, nhà sáng tạo và khách hàng, hiểu hơn về sự đa dạng trong cách họ sử dụng sản phẩm của chúng tôi để làm nên những điều phi thường”. Vị lãnh đạo cao nhất của tập đoàn công nghệ có vốn hóa lớn thứ 2 thế giới hiện nay với khoảng 2.700 tỷ USD cho biết thêm, Apple luôn nỗ lực để xây dựng những mối liên kết sâu sắc và mang đến nhiều lợi ích hơn cho người dân ở nơi tập đoàn hoạt động, từ việc hợp tác với các nhà cung cấp địa phương, đến hỗ trợ các dự án cung cấp nước sạch và các cơ hội giáo dục. “Chúng tôi cam kết sẽ tiếp tục tăng cường các kết nối tại Việt Nam” - tỷ phú Tim Cook nhấn mạnh.

CEO Apple Tim Cook đi dạo bên hồ Hoàn Kiếm sáng 15-4

Trong lịch trình hoạt động dày đặc 2 ngày ở thăm Việt Nam 15 và 16-4, CEO Apple Tim Cook dự kiến gặp gỡ một số nghệ sĩ, nhà sáng tạo nội dung và lập trình viên Việt Nam. CEO Tim Cook cũng có các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc nhằm trao đổi, thông báo tăng cường cam kết của Apple với Việt Nam.

Chuyến thăm của CEO Apple Tim Cook diễn ra khi kinh doanh của tập đoàn công nghệ này tại Việt Nam đang tăng trưởng nhanh và bản thân vị CEO nổi tiếng thế giới này cũng từng bày tỏ “rất nóng lòng thăm Việt Nam” trong khuôn khổ buổi giới thiệu loạt sản phẩm mới quan trọng nhất trong năm hồi tháng 9-2022.

Apple bắt đầu hoạt động tại Việt Nam từ hơn một thập kỷ trước và hiện đang hỗ trợ hơn 200.000 việc làm trên cả nước thông qua hình thức việc làm trực tiếp, chuỗi cung ứng và nền kinh tế ứng dụng iOS sôi động. Nền kinh tế ứng dụng của Việt Nam đang là động lực tăng trưởng với số lượng việc làm tăng gần gấp ba lần kể từ năm 2017. Việt Nam hiện nằm trong số 5 quốc gia hàng đầu thế giới về lĩnh vực sản xuất trò chơi dành cho điện thoại.

Thị trường điện thoại di động Việt Nam đã trở thành một điểm sáng với sự phát triển nhanh chóng và tiềm năng khổng lồ, trong đó Apple ghi nhận thành công vượt bậc, mà theo sự chia sẻ từ chính CEO Apple Tim Cook, là doanh thu quý IV của Tập đoàn tại Việt Nam đạt mức kỷ lục. Theo đó, Apple vào cuối năm 2023 cho biết, doanh thu của họ quý IV-2023 (tính từ tháng 7 đến hết tháng 9 cùng năm) đạt con số 89,5 tỷ USD, trong đó Việt Nam trở thành một trong những thị trường có doanh thu đạt mức kỷ lục của quý cùng các thị trường khác như: Ấn Độ, Brazil, Canada, Pháp, Indonesia, Mexico, Philippines, Arab Saudi, Thổ Nhĩ Kỳ và UAE.

CEO Tim Cook khi đó đã nhấn mạnh về vai trò quan trọng của Việt Nam trong việc mở rộng thị trường của Apple. Thông tin từ các hệ thống bán lẻ trong nước cho thấy, người Việt chi hơn nghìn tỷ đồng để mua iPhone 15, tính riêng trong ngày mở bán ngày 29-9-2023. Số lượng iPhone 15 được bán ra là ấn tượng, với hơn 35.000 chiếc được giao tới tay khách hàng trong ngày đầu tiên.

Cùng với kết quả kinh doanh sáng sủa, Apple cũng đồng thời liên tục gia tăng cam kết tại Việt Nam. Từ năm 2019 tới nay, Apple đã chi gần 400 nghìn tỷ đồng thông qua chuỗi cung ứng địa phương và đã tăng hơn gấp đôi mức chi hàng năm cho Việt Nam trong cùng kỳ. Apple tỏ ra ưu ái thị trường Việt Nam khi liên tục giới thiệu các dịch vụ mới. Công ty mở Apple Store Online vào tháng 5-2023, triển khai dịch vụ thanh toán Apple Pay tháng 8-2023 và gần đây đưa vào hệ thống xe chụp ảnh bản đồ chi tiết từ tháng 2 để hỗ trợ những tính năng cao cấp của Apple Maps. Apple cũng mở rộng tìm kiếm nhân sự khi đăng tin tuyển dụng kỹ sư ngôn ngữ Siri trong lĩnh vực học máy và AI để hỗ trợ thị trường Việt Nam.

Đón “đại bàng” công nghệ

Trong buổi gặp Chủ tịch nước ta nhân dịp tham dự Tuần lễ Cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) 2023 diễn ra tháng 11-2023 tại thành phố San Francisco của Mỹ, CEO Tim Cook khẳng định, Việt Nam là quốc gia nằm trong chiến lược kinh doanh đặc biệt của Apple. Hiện nay, một số sản phẩm của hãng đang sản xuất ở Việt Nam như MacBook, iPad và Apple Watch.

CEO Tim Cook đánh giá, nền kinh tế số của Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ. Nhiều hãng điện tử, công nghệ hàng đầu thế giới và Mỹ đã triển khai các hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam với số lượng ngày càng lớn. Việt Nam sở hữu đội ngũ kỹ sư, nhân viên công nghệ trình độ cao.

Khuyến nghị một số vấn đề trong phát triển công nghệ cao ở Việt Nam, CEO Tim Cook cho rằng, Việt Nam cần tiếp tục cải thiện hệ thống các tiêu chuẩn ứng dụng công nghệ 5G. Cùng với đó, tích cực hoàn thiện khung pháp lý phục vụ phát triển kinh tế số, nhất là yếu tố đảm bảo an ninh, an toàn và tính riêng tư của người dùng. Ngoài ra, cũng như nhiều quốc gia khác, Việt Nam cần cân nhắc kỹ các yếu tố trong ứng dụng, phát triển trí tuệ nhân tạo…

Những phát biểu của người đứng đầu Apple có thể thấy rõ ngay trên thực tế khi tập đoàn công nghệ này cùng nhiều “ông lớn” công nghệ khác của thế giới đã liên tục tới Việt Nam thời gian qua. Hồi tháng 9-2023, Bộ Công Thương cho biết, Apple đã hoàn tất việc chuyển 11 nhà máy sản xuất các thiết bị nghe nhìn vào Việt Nam. Trong khi đó, Tập đoàn Intel mở rộng giai đoạn 2 nhà máy kiểm định chíp tại thành phố Hồ Chí Minh với tổng vốn đầu tư 4 tỷ USD.

Hàng loạt tên tuổi lớn như Boeing, Google cũng đã thông báo tìm kiếm các nhà cung ứng và phát triển cơ sở sản xuất tại Việt Nam, sau một thời gian dài nghiên cứu môi trường đầu tư kinh doanh. Sự gia tăng hiện diện của các tập đoàn hàng đầu này cho thấy, Việt Nam đang trở thành điểm đến hấp dẫn của các tập đoàn toàn cầu trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo.

Trong buổi tiếp kiến Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại chuyến thăm Việt Nam vào tháng 12-2023, ông Jensen Huang, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc NVIDIA (Mỹ, tập đoàn sản xuất chíp đắt giá nhất thế giới với giá trị thị trường gần 1.200 tỷ USD), sau khi cho biết đã đầu tư khoảng 250 triệu USD vào Việt Nam đã nêu rõ, Tập đoàn xác định Việt Nam là thị trường quan trọng. Với quan điểm coi Việt Nam là ngôi nhà của mình, Chủ tịch NVIDIA khẳng định, mong muốn thiết lập một trung tâm, cứ điểm tại Việt Nam để thu hút nhân tài trên khắp thế giới, qua đó góp phần phát triển hệ sinh thái bán dẫn và trí tuệ nhân tạo, thúc đẩy các công ty khởi nghiệp, thiết kế, phát triển các siêu máy tính, sản xuất các phần mềm của tương lai… góp phần vào tương lai số hóa của Việt Nam.

Nhằm thu hút, tạo điều kiện ngày càng thuận lợi hơn cho các tập đoàn công nghệ thế giới, Việt Nam đã và đang nỗ lực tối đa để đổi mới và hoàn thiện thể chế nhằm tạo ra môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi nhất cho các “đại bàng” công nghệ toàn cầu yên tâm kinh doanh, mở rộng sản xuất, đầu tư phát triển. Trong đó, ưu tiên thu hút các dự án đầu tư thuộc các ngành, lĩnh vực như: Khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo; Kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức; Linh kiện điện tử, ô tô điện...; Sản xuất chất bán dẫn, năng lượng mới (như hydrogen), năng lượng tái tạo...

CEO Apple đến Việt Nam gặp gỡ sinh viên và các nhà sáng tạo

CEO Apple Tim Cook thưởng thức món cà phê trứng cùng mẹ con ca sĩ Mỹ Linh tại một quán cà phê ở phố Hàng Bè

Ngày 15-4, CEO Apple Tim Cook đã đăng ảnh đầu tiên kể từ khi đặt chân đến Việt Nam.

Bức ảnh đầu tiên khi CEO Apple tới Việt Nam đăng tải là ảnh ông gặp gỡ mẹ con ca sỹ Mỹ Linh - Mỹ Anh và thưởng thức món cà phê trứng. “Xin chào Việt Nam! Cảm ơn các nghệ sỹ tài năng Mỹ Linh và Mỹ Anh đã tiếp đón nồng hậu. Và tôi cũng rất yêu thích cà phê trứng” - CEO Apple viết trên X ngày 15-4.

Sau đó, ông dẫn đầu nhóm khoảng 7 người, bắt đầu đi dạo từ Bưu điện Hà Nội trên đường Đinh Tiên Hoàng. Ông mặc áo phông khá giản dị, vui vẻ chào mọi người trên đường đi. Tim Cook chụp hình lưu niệm trước Tháp Rùa. “Hồ Hoàn Kiếm đẹp và là biểu tượng của Hà Nội”, ông chia sẻ trên X.

Ông trò chuyện với KOL công nghệ Ngô Đức Duy. “Thật tuyệt vời khi dành thời gian cùng Duy và xem quá trình sáng tạo của cậu ấy khi sử dụng chế độ Cinematic trên iPhone 15 Pro”, ông nói. Tim Cook cho biết mục đích trong chuyến đi đầu tiên tới Việt Nam là gặp gỡ lập trình viên, nhà sáng tạo nội dung và tham quan trường học. “Tôi rất bất ngờ vì người trẻ Việt tràn đầy năng lượng”, CEO Apple chia sẻ với báo chí.

Chiều 15-4, CEO Apple gặp gỡ đạo diễn Phương Vũ và studio Antiantiart, một số lập trình viên và nghệ sĩ Suboi. Chuyến thăm Việt Nam bất ngờ của Tim Cook - CEO hãng công nghệ giá trị nhất thế giới - thu hút sự chú ý từ cộng đồng công nghệ nói riêng và kinh doanh nói chung.

Nhiều nguồn tin cho biết, tham gia cùng đoàn của Tim Cook đến Việt Nam lần này còn có 3 Phó Chủ tịch của Apple là các ông, bà: Lisa Jackson, Iris Cui và Nick Amman cùng một số thành viên khác. Tim Cook sinh năm 1960, gia nhập Apple tháng 3-1998 với tư cách là Phó Chủ tịch cấp cao phụ trách hoạt động toàn cầu và sau đó là Phó Chủ tịch điều hành. Ông được bổ nhiệm làm Giám đốc điều hành Apple tháng 8-2011.

H.L (Tổng hợp)

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/viet-nam-la-diem-den-cua-cac-ong-lon-cong-nghe-the-gioi-post573476.antd