Việt Nam - Italia: Tăng cường hợp tác về phòng, chống tham nhũng

Ngày 27/10, Phó Tổng Thanh tra Nguyễn Đức Hạnh đã có buổi tiếp xã giao với Đoàn Cán bộ cấp cao Bộ Tư pháp Cộng hòa I-ta-li-a do Bộ trưởng Andrea Orlando làm Trưởng đoàn.

Tổng Thanh tra cho biết, Việt Nam và I-ta-li-a chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao từ tháng 7/1973. Đầu những năm 90 của thế kỷ XX, quan hệ 2 nước phát triển và củng cố. Tháng 7/2007, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã sang thăm và làm việc với I-ta-li-a tạo một bước đột phá trong quan hệ song phương giữa 2 nước.

Đối với Thanh tra Chính phủ (TTCP), năm 2015, Tổng Thanh tra Huỳnh Phong Tranh cùng Đoàn Công tác đã sang thăm và làm việc với Cục Công chính, Tổng Vụ Thanh tra thuộc Văn phòng Thủ tướng I-ta-li-a; Cơ quan Chống tham nhũng (CTN) I-ta-li-a; Hội đồng Nhà nước quản lý khiếu nại hành chính I-ta-li-a.

Phó Tổng Thanh tra Nguyễn Đức Hạnh nhấn mạnh: “Thông qua chuyến thăm và làm việc với các cơ quan hữu quan I-ta-li-a, Thanh tra Chính phủ (TTCP) đã học tập và tham khảo một số kinh nghiệm bổ ích của I-ta-li-a về thanh tra, giải quyết khiếu nại hành chính và phòng, CTN” (PCTN).

Phó Tổng Thanh tra hi vọng, chuyến thăm lần này của Bộ trưởng Tư pháp I-ta-li-a sẽ là cầu nối hữu hiệu nhất để tiến tới các cơ quan hữu quan của I-ta-li-a và TTCP Việt Nam sớm có thỏa thuận hợp tác song phương về công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và PCTN.

Tại buổi tiếp, Bộ trưởng Tư pháp I-ta-li-a Andrea Orlando cảm ơn sự đón tiếp nồng nhiệt của TTCP Việt Nam, đồng thời nhấn mạnh: Một trong những nhiệm vụ trọng tâm hiện nay của Cộng hòa I-ta-lia là CTN. Giờ đây CTN không phải là của một quốc gia riêng lẻ mà đã vượt qua biên giới các quốc gia, vì vậy Chính phủ I-ta-li-a luôn nêu cao sự hợp tác với các nước trên thế giới để tạo ra hệ thống CTN mang tính chất quốc tế, tìm ra biện pháp để CTN có hiệu quả trên toàn cầu.

Bộ trưởng Andrea Orlando cho biết, Bộ Tư pháp I-ta-li-a có nhiệm vụ xây dựng chính sách tư pháp của Chính phủ, tổ chức cán bộ, công tác tư pháp và thực hiện chức năng hành chính tư pháp trong lĩnh vực dân sự, hình sự; quản lý hồ sơ công chức, giám sát các cơ quan, tổ chức nghề luật, quản lý biên bản tòa án, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực dân dự và xem xét đơn miễn trừ hình phạt hoặc trách nhiệm để trình lên Tổng thống; thực hiện các quyết định va chính sách an ninh đối với các trại giam, các công việc liên quan đến trại giam và việc đối xử với tù nhân…

Về Hội đồng CTN tại I-ta-li-a, theo Bộ trưởng, Cơ quan CTN quốc gia đứng đầu là một thẩm phán để kiểm tra hoạt động của các cơ quan, công chức Nhà nước. Cơ quan này hoạt động hiệu quả, hàng năm có trách nhiệm báo cáo kết quả PCTN trước Hạ viện và Thượng viện. Công tác PCTN cũng được cả hệ thống chính trị quan tâm và các biện pháp xử lý tham nhũng ngày càng được tăng cường; chú trọng tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật PCTN cho thế hệ trẻ, giáo dục đạo đức công dân, quy tắc ứng xử của các quan nghiệp…

Thay mặt Chủ tịch Hội đồng CTN I-ta-li-a, Bộ trưởng Andrea Orlando mong muốn cuộc tham Việt Nam nói chung và TTCP nói riêng lần này sẽ tạo được sự hợp tác giữa 2 Chính phủ trong cuốc chiến CTN hiện nay.

Thái Hải

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/thanh-tra/hoat-dong-nganh/viet-nam-italia-tang-cuong-hop-tac-ve-phong-chong-tham-nhung_t114c1059n111238