Việt Nam - Ethiopia chia sẻ kinh nghiệm lập pháp trong lĩnh vực lao động

Chiều 21.11, tại Trụ sở Văn phòng Quốc hội – 22 Hùng Vương, Hà Nội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Đặng Thuần Phong đã có cuộc làm việc với Đoàn công tác của Ethiopia do Tiến sĩ Negeri Lencho Bultum, Chủ tịch Ủy ban Thường trực về Nguồn nhân lực, Lao động và Công nghệ của Quốc hội Ethiopia dẫn đầu đang có chuyến thăm, làm việc tại nước ta.

Cùng dự có: Giám đốc Văn phòng Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Việt Nam Ingrid Christensen; các thành viên Ủy ban Xã hội và Ủy ban Đối ngoại.

Tại cuộc làm việc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Đặng Thuần Phong đã giới thiệu một số lĩnh vực mà Đoàn quan tâm. Trong đó, về tiền lương tối thiểu, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội cho biết, khái niệm này xuất hiện ở Việt Nam rất sớm, từ Sắc lệnh số 29-SL ngày 12.3.1947. Gần đây nhất, tại khoản 1 Điều 91 Bộ luật Lao động năm 2019 đã quy định “Mức lương tối thiểu là mức lương thấp nhất được trả cho người lao động làm công việc đơn giản nhất trong điều kiện lao động bình thường bảo đảm mức sống tối thiểu cho người lao động và gia đình họ, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội”. Bộ luật Lao động cũng giao cho Chính phủ quyết định và công bố mức lương tối thiểu trên cơ sở khuyến nghị của Hội đồng tiền lương quốc gia. Bên cạnh đó, hằng năm, tùy theo điều kiện ngân sách nhà nước và bối cảnh chung, Chính phủ cũng điều chỉnh mức lương áp dụng đối với khối cán bộ, công chức nhà nước.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Đặng Thuần Phong phát biểu

Để hài hòa quyền lợi giữa các bên và theo khu vực, Bộ luật Lao động năm 2019 đã quy định cơ bản về Mức lương tối thiểu được xác lập theo vùng, ấn định theo tháng, giờ và được điều chỉnh dựa trên mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ, tương quan giữa mức lương tối thiểu và mức lương trên thị trường; chỉ số giá tiêu dùng, tốc độ tăng trưởng kinh tế; quan hệ cung, cầu lao động; việc làm và thất nghiệp; năng suất lao động; khả năng chi trả của doanh nghiệp.

Các đại biểu dự cuộc làm việc

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội nhấn mạnh, Bộ luật Lao động cũng quy định rõ thành viên của Hội đồng tiền lương quốc gia theo cơ chế 3 bên, bao gồm đại diện Nhà nước là Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; đại diện người lao động là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; đại diện chủ sử dụng lao động là Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Liên minh Hợp tác xã Việt Nam. Ngoài ra còn có đại diện một số hiệp hội và một số chuyên gia độc lập không làm việc cho các tổ chức trên. Theo quy định hiện nay, hằng năm Hội đồng tiền lương quốc gia đều họp, thương lượng để khuyến nghị với Chính phủ phương án điều chỉnh mức lương tối thiểu.

Tiến sĩ Negeri Lencho Bultum, Chủ tịch Ủy ban Thường trực về Nguồn nhân lực, Lao động và Công nghệ của Quốc hội Ethiopia phát biểu

Tại cuộc làm việc, hai bên cũng đã trao đổi về thực tiễn triển khai các chính sách về người lao động, việc làm và tiền lương, đặc biệt là tiền lương tối thiểu vùng; kinh nghiệm hài hòa giữa quy định về tiền lương tối thiểu và bảo đảm tính cạnh tranh về kinh tế; định hướng chính sách phát triển nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu thị trường lao động và hội nhập quốc tế.

Tin và ảnh: Hồ Long

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/thoi-su-quoc-hoi/viet-nam-ethiopia-chia-se-kinh-nghiem-lap-phap-trong-linh-vuc-lao-dong-i350939/