Việt Nam được lợi gì khi tham gia sâu vào thị trường các bon?

BizLIVE - Hiện nay, trên thế giới đã có 16 quốc gia tham gia thị trường các bon và Việt Nam hiện đang được xem xét để trở thành thành viên thứ 17.

Việt Nam vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc giảm phát thải. (Ảnh minh họa).

Sáng 17/1, Bộ Kế hoạch đầu tư và Bộ Tài nguyên môi trường phối hợp cùng Ngân hàng thế giới và Ngân hàng phát triển châu Á ADB tổ chức Hội thảo tham vấn tăng cường năng lực tham gia thị trường các bon cho Việt Nam.

Việt Nam được lợi gì?

Trong bối cảnh các cơ chế về biến đổi khí hậu trên thế giới vẫn đang được thảo luận và có thể đến năm 2015 mới có kết quả.

Trong khi đó, thực tế đang đòi hỏi cần có những cơ chế mới để kế thừa và thay thế cho Cơ chế phát triển sạch (CDM -Clean Development Mechanism) nhằm kiềm chế và kiểm soát xu hướng gia tăng phát thải khí nhà kính đối với các nước phát triển và các nước đang phát triển.

Việt Nam hiện là nước phát thải trung bình trong nhóm nước mới nổi và lượng phát thải chủ yếu trong hai lĩnh vực năng lượng và nông nghiệp. Chiến lược Tăng trưởng xanh của Chính phủ đặt ra mục tiêu đến năm 2020 Việt Nam sẽ giảm cường độ phát thải khí nhà kính 8-10% so với năm 2010.

Lượng phát thải ở Việt Nam dự báo sẽ tăng lên trong thời gian tới, nhưng vẫn còn tiềm năng giảm nhẹ nếu có những cơ chế kịp thời và được sự hỗ trợ tích cực của các tổ chức quốc tế.

Theo các chuyên gia khi tham gia sâu hơn vào thị trường phát thải các bon, Việt Nam sẽ có cơ hội nắm bắt được những công nghệ mới trong giảm thiểu phát thải, đạt được nhiều thỏa thuận song phương với các quốc gia khác trong mua bán phát thải nhà kính (ví dụ: Nhật Bản) đồng thời, nâng cao nhận thức và thông tin về công cụ thị trường cho một thị trường cắt giảm và thương mại trong nước trong tương lai.

Để tiến tới giảm phát thải ở tất cả các lĩnh vực, trước mắt Việt Nam cần lựa chọn một số lĩnh vực có nhiều khả năng tham gia thị trường phát thải dựa trên các tiêu chí chính bao gồm: Mức độ sẵn sàng tham gia thị trường phát thải của ngành đó, các sáng kiến hiện tại trong lĩnh vực giảm phát thải, mối quan tâm của các bên liên quan, gắn kết với ưu tiên phát triển bền vững của Việt Nam.

Với những tiêu chí trên các bên tham gia hội thảo đã đề xuất lựa chọn chất thải rắn, thép và sử dụng năng lượng hiệu quả trong các tòa nhà là các lĩnh vực đầu tiên tham gia thị trường phát thải (MRP).

Ông Pedro M. Barata, chuyên gia về công cụ thị trường và hệ thống Quan trắc - Báo cáo -Thẩm tra cho biết: Các ngành được lựa chọn này không hẳn là các ngành phát thải nhiều nhất nhưng hiện chúng là các ngành có tốc độ tăng trưởng tương đối nhanh và có nhiều điều kiện thuận lợi để giảm lượng phát thải trước khi quá muộn.

Thuận lợi và khó khăn của các ngành được chọn

Trong lĩnh vực chất thải rắn mục tiêu của Chính phủ đặt ra là đến năm 2015 thu gom và xử lý 85% chất thải rắn đô thị (tái chế 60%) và 50% chất thải xây dựng (tái chế 30%), tiến tới năm 2015 sẽ thu gom và xử lý 100% chất thải rắn đô thị (tái chế 90%), 90% chất thải rắn xây dựng (tái chế 60%).

Như vậy, mục tiêu của chính sách giảm phát thải ở Việt Nam đã rất rõ ràng cộng thêm với kinh nghiệm từ nhiều nước trên thế giới mục tiêu giảm phát thải trong lĩnh vực chất thải rắn hứa hẹn sẽ đem lại nhiều kết quả khả thi.

Tuy nhiên, các dữ liệu thống kê về tỷ lệ rác thải phát sinh ở Việt Nam còn chưa đồng nhất dẫn đến việc tính toán và dự báo về lượng rác thải đô thị cũng như đưa ra các cách xử lý và mua bán phát thải còn gặp nhiều khó khăn.

Thêm vào đó, nguồn tài chính đầu tư cho thu gom và xử lý rác thải ở Việt Nam còn nhiều hạn chế trong khi chi phí đầu tư cho cơ sở hạ tầng, công nghệ và vận hành lại cần chi phí cao.

Đối với ngành thép hiện nay, do trang thiết bị công nghệ của Việt Nam còn thua kém nhiều nước phát triển trên thế giới nên lượng phát thải còn nhiều, tiêu tốn nhiều năng lượng nhất là năng lượng điện.

Để có thể giảm phát thải trong ngành này đòi hỏi các doanh nghiệp phải đầu tư đổi mới trang thiết bị hiện đại nhưng lượng chi phí đầu tư đang là thách thức lớn.

Mặc dù Chính phủ đã cam kết hỗ trợ tài chính và cung cấp các ưu đãi cần thiết thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả nhưng thực sự nguồn vốn hỗ trợ cho các doanh nghiệp thép vẫn chưa nhiều. Thêm vào đó, việc khơi dậy ý thức tự đổi mới của các doanh nghiệp này cũng không phải là việc dễ.

Hiện nay, việc sử dụng năng lượng trong các tòa nhà ở Việt Nam đã tăng lên nhanh chóng. Báo cáo của Ngân hàng Thế giới đầu năm 2012 cho thấy chỉ trong 10 năm từ 1998-2008 nhu cầu sử dụng điện ở Việt Nam đã tăng lên 400%.

Chính phủ hiện đang thực hiện nhiều kế hoạch, chương trình về tiết kiệm năng lượng, trong đó dặc biệt chú trọng đến tiết kiệm điện.

Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia Chính phủ Việt Nam hiện nay vẫn còn trợ giá nhiều mặt hàng, nhất là giá điện. Nếu thu thuế phát thải thì Chính phủ sẽ phải cắt giảm trợ giá dẫn đến giá cả các sản phẩm sẽ tăng lên. Điều này chắc chắn sẽ vấp phải sự phản đối của nhiều người dân bởi họ chưa nhận thức được đầy đủ về lợi ích từ xây dựng xanh.

Hơn thế nữa, để có thể sử dụng hiệu quả năng lượng đòi hỏi các chủ sở hữu tòa nhà phải chịu chi phí đầu tư bổ sung trong khi người thuê nhà lại nhận được lợi ích từ các chi phí tiết kiệm được nên các ông chủ này sẽ khó mà đồng ý.

Từ những thuận lợi và khó khăn trong việc giảm phát thải của các ngành được lựa chọn cho thấy để có thể tham gia sâu hơn vào thị trường phát thải các bon, Việt Nam cần nhiều nỗ lực hơn trong việc cải cách các chính sách hỗ trợ cũng như tăng cường công tác tuyên truyền để các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hiểu hơn về giảm phát thải cũng như các chương trình phát triển bền vững.

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/kinh-te-dau-tu/viet-nam-duoc-loi-gi-khi-tham-gia-sau-vao-thi-truong-cac-bon-75405.html