Việt Nam điều hành tài khóa linh hoạt, kịp thời hỗ trợ người dân, doanh nghiệp

Năm 2023, Bộ Tài chính đã tham mưu, đề xuất trình Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất với quy mô dự kiến khoảng 200 nghìn tỷ đồng.

Thời gian qua, Chính phủ rất nỗ lực trong việc hỗ trợ nền kinh tế thông qua việc thực hiện một loạt các chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ một cách hợp lý, hiệu quả.

Chính sách tài khóa giúp phục hồi và phát triển kinh tế vì lợi ích quốc gia, doanh nghiệp và người dân - Ảnh: Mof.gov.vn

Tại Hội nghị Tổng kết công tác điều hành thực hiện nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2023, triển khai nhiệm vụ tài chính - NSNN năm 2024, vừa diễn ra ngày 27/12, lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết, tính đến ngày 25/12, thu NSNN đạt 1.693,5 nghìn tỷ đồng, tăng 4,5% so dự toán; trong đó ngân sách trung ương tăng 4,6%; ngân sách địa phương tăng 4,4%.

Về chi ngân sách nhà nước, ước đến ngày 31/12, chi ngân sách đạt khoảng 1,73 triệu tỷ đồng, bằng 83,4% dự toán; trong đó, chi đầu tư phát triển ước đạt 79,8% dự toán Quốc hội quyết định, bằng 81,9% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao tăng 144 nghìn tỷ đồng (33%) so cùng kỳ năm 2022, chi thường xuyên ước đạt 90,3% dự toán, đảm bảo chi trả kịp thời, đầy đủ các khoản nợ đến hạn.

Ngay từ đầu năm, Bộ Tài chính đã tích cực rà soát các nguồn thu, tăng cường quản lý thu các lĩnh vực, ngành hàng, địa bàn trọng điểm, hoạt động thương mại điện tử, giao dịch xuyên biên giới, chuyển nhượng bất động sản, rà soát giá tính thuế bất động sản để sát giá thị trường, phấn đấu tăng thu ở các lĩnh vực, địa bàn có điều kiện để bù đắp số giảm thu do thực hiện các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất...

Từ tháng 7/2023, đã chính thức vận hành hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, góp phần tạo thuận lợi cho nhà đầu tư, tăng cường công khai, minh bạch, cảnh báo rủi ro trên thị trường. Đến ngày 25/12/2023 đã có 78 doanh nghiệp đã phát hành trái phiếu với khối lượng 245,9 nghìn tỷ đồng (giảm 27% so với cùng kỳ năm 2022); khối lượng mua lại trước hạn là 230,2 nghìn tỷ đồng, tăng 5,8% so với cả năm 2022.

Việc kiểm soát chặt chẽ nợ công cũng được Bộ Tài chính coi là điểm nhấn tích cực trong năm 2023. Dự kiến đến cuối năm 2023, dư nợ công khoảng 37% GDP, dư nợ Chính phủ khoảng 34% GDP, thấp hơn mức trần và ngưỡng cảnh báo được Quốc hội cho phép tại Nghị quyết số 23/2021/QH15 của Quốc hội.

Đặc biệt, tín nhiệm quốc gia của Việt Nam trong thời gian qua được nhiều Tổ chức Xếp hạng tín nhiệm uy tín trên thế giới đánh giá rất cao: S&P Global Ratings (“S&P”) đã nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam lên mức BB+ triển vọng Ổn định; Moody’s đã công bố Báo cáo phân tích hệ số tín nhiệm quốc gia của Việt Năm ở mức Ba2, triển vọng "Ổn định", trong 2 năm qua; Gần đây nhất (8/12/2023), Tổ chức Xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam lên mức BB+, triển vọng Ổn định.

Trong năm 2023, Bộ Tài chính đã trình Quốc hội ban hành Luật Giá (thay thế Luật Giá năm 2012). Công tác quản lý, điều hành giá năm 2023 đã bám sát theo đúng kịch bản điều hành, giá cả thị trường trong nước cơ bản ổn định, kiểm soát trong phạm vi cho phép, CPI 11 tháng tăng 3,2%, lạm phát cơ bản tăng 4,38%. Ước tính cả năm CPI tăng khoảng 3,5% (mục tiêu khoảng 4,5%).

Trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp: Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định 08/2023/NĐ-CP, tạo cơ sở pháp lý tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong việc phát hành và thanh toán trái phiếu đến hạn, khôi phục niềm tin của thị trường, đồng thời đảm bảo quyền lợi của chủ sở hữu trái phiếu.

Riêng thị trường bảo hiểm năm 2023 tăng trưởng khả quan, với tổng tài sản tăng 11,1%, đầu tư trở lại nền kinh tế tăng 12,8%, chi trả quyền lợi bảo hiểm tăng 31,3%. Doanh thu phí bảo hiểm giảm 8% so với năm 2022, chủ yếu do kinh tế khó khăn và những bất cập trong tư vấn bán hàng, đặc biệt là kênh bán bảo hiểm qua ngân hàng làm phát sinh tranh chấp trong thời gian gần đây đã làm suy giảm niềm tin và ảnh hưởng đến quyết định mua bảo hiểm của người dân.

Đáng chú ý, Bộ Tài chính đã tham mưu, đề xuất trình Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất trong năm 2023 với quy mô dự kiến khoảng 200 nghìn tỷ đồng. Đến nay, tổng số đã miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất cho doanh nghiệp và người dân khoảng 193,4 nghìn tỷ đồng.

Bên cạnh đó, ngành tài chính bảo đảm nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng, an sinh xã hội, chính sách cải cách tiền lương, bảo hiểm xã hội gắn với đẩy mạnh sắp xếp tổ chức bộ máy, thực hiện cơ chế tự chủ và lộ trình tinh giản biên chế theo các Nghị quyết của Trung ương.

Về nhiệm vụ tài chính - NSNN năm 2024, Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định 2715/QĐ-BTC về việc công bố công khai dự toán NSNN 2024, thu là 1.700.988 tỷ đồng. Dự toán chi NSNN là 2.119.428 tỷ đồng. Mức bội chi NSNN là 399.400 tỷ đồng, tương đương 3,6% tổng sản phẩm trong nước (GDP), gồm: Bội chi ngân sách trung ương là 372.900 tỷ đồng, tương đương 3,4%GDP; Bội chi ngân sách địa phương là 26.500 tỷ đồng, tương đương 0,2%GDP. Tổng mức vay của ngân sách nhà nước là 690.553 tỷ đồng.

Phạm Giang

Nguồn Vietnamdaily: http://vietnamdaily.trithuccuocsong.vn/tin-247/viet-nam-dieu-hanh-tai-khoa-linh-hoat-kip-thoi-ho-tro-nguoi-dan-doanh-nghiep-197428.html