Việt Nam diễn nghĩa - Tập 4B: Bí sử Nhà Lê Sơ (1428-1527) - Kỳ 50

Trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc tiểu thuyết lịch sử 'Việt Nam diễn nghĩa - Tập IV B: Bí sử Nhà Lê Sơ (1428-1527) của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Hồng Đức ấn hành năm 2023.

Kỳ 50

CHƯƠNG V

TRIỀU LÊ THÁNH TÔNG (1460-1497)

I.

Trong buổi thiết lần 2 ngày 20 tháng 6 năm 1460, sau khi Lê Thánh Tông ngồi xuống ngai vàng, bá quan quỳ hành lễ:

-Hoàng thượng vạn vạn tuế.

-Miễn lễ, các ái khanh bình thân.

-Tạ Hoàng thượng.

Lê Thánh Tông nói:

-Nay xử tử quan cấm binh Lê Đắc Ninh vì tiếp tay cho Lê Nghi Dân làm phản, truy phong quan Đào Biểu đã tử tiết cùng Lê Nhân Tông trong đêm chính biến tước 1 phần tư và ban 5 mẫu ruộng công để cúng tế. Nay triều đình tổ chức Quốc tang cho Lê Nhân Tông, rước bài vị vào Thái miếu, đặt thụy hiệu Lê Nhân Tông là Nhân Tông Tuyên hoàng đế. Đặt thụy hiệu cho Thái hậu Nguyễn Thị Anh là Tuyên từ hoàng Thái hậu, tha cho Lạng Sơn vương Lê Nghi Dân và thân mẫu Dương Thị Bí nhưng phải rời kinh thành về Lạng Sơn cư trú. Các quan lại quỳ xuống:

-Hoàng thượng anh minh.

-Khanh nào có tấu.

Im lặng.

-Không có tấu, bãi triều.

Trong buổi thiết triều ngày 1 tháng 10 âm lịch 1460, Lê Thánh Tông ban tước cho các đại thần đã tham gia lật đổ Lê Nghi Dân, phong cho Nguyễn Xí tước Quỳ quận công, Đinh Liệt tước Lân quận công, Lê Niệm chức Thái phó, Lê Thọ Vực chức Tả đốc, tham gia nghị triều, chính chương Điện tiền ty, Nguyễn Lỗi chức Đại đô đốc chưởng Hình bộ, Lê Khang tước Văn chấn hầu. Ngày 11 tháng 10 ban ruộng đất. Nguyễn Xí và Đinh Liệt mỗi người nhận 350 mẫu, Lê Lăng nhận 300 mẫu, Lê Niệm nhận 200 mẫu, Lê Nhân Thuận nhận 150 mẫu, Nguyễn Sư Hồi, Lê Nhân Khoái, Lê Thọ Vực và Nguyễn Kế mỗi đại thần nhận 130 mẫu. Để đề phòng bọn phản nghịch ám sát vua như trường hợp Lê Nhân Tông, Lê Thánh Tông ban lệnh cho quan lại Nội mật viện cùng các cung nhân: “Từ nay về sau nếu thấy chiếu chỉ và các việc cung thì không được lén lút tiết lộ cho người ngoài và bà con thân thích”.

Lê Thánh Tông đã quan tâm đến các đại công thần bị giết hại do bị vua nghi ngờ, do đấu tranh nội bộ, bị vu cáo. Trong buổi thiết triều năm 1464, các quan quỳ hành lễ:

-Hoàng thượng vạn tuế, vạn vạn tuế.

-Miễn lễ các ái khanh bình thân.
-Đa tạ Hoàng thượng.
Lê Thánh Tông nói tiếp:

-Như các khanh đã biết, quan Hành khiển Nguyễn Trãi là một mưu sĩ bậc nhất của khởi nghĩa Lam Sơn, là một nhà văn, nhà thơ, nhà chính trị, nhà quân sự, nhà địa lý, viết thư thảo hịch tài giỏi hơn hết một thời, bị nghi ngờ có liên quan đến cái chết của phụ hoàng Lê Thái Tông năm 1442. Khi phụ hoàng mất là lúc Nguyễn Trãi được trọng dụng, đã về hưu năm 1437, năm 1439 được phụ hoàng gọi ra làm quan, phục hồi chức tước như cũ, được giao những mảng công việc giáo dục văn hóa mà Nguyễn Trãi có tài năng và rất tâm đắc. Vợ Nguyễn Trãi là Nguyễn Thị Lộ cũng được phong là Lễ nghi học sĩ, vinh hiển một thời, không lý do gì lại giết vua. Vả lại có mặt ở Lệ Chi Viên khi đó đâu chỉ có một mình Nguyễn Thị Lộ, còn có 4 viên cố mệnh đại thần như Trịnh Khả, Nguyễn Xí, Lê Thụ. Phụ hoàng bị bệnh đột quỵ, đã ngất cạnh Nguyễn Xí, Trịnh Khả khi đang xem múa hát. Nói Nguyễn Thị Lộ giết vua là không có chứng cớ. Vả lại Nguyễn Trãi do tính tình cương trực của mình đã tự chuốc lấy nhiều sự bất hòa chống đối và thù địch, kết cục ba họ bị giết thật đáng thương thay. Nay ta truyền chỉ minh oan cho quan Hành khiển Nguyễn Trãi. Ức Trai tâm thượng Quang Khuê tảo. Nay phong Nguyễn Trãi tước Tán trù bá, cho dựng bia, trên bia hãy khắc câu thơ của trẫm: "Ức Trai tâm thượng quang Khuê tảo”. Hàn lâm học sĩ Ngô Sĩ Liên.

-Bẩm hoàng thượng có thần.

-Khanh hãy cho viện Hàn lâm thu thập văn thơ và các tác phẩm của Nguyễn Trãi bị thất lạc qua biến cố vì đó là văn hóa của triều Lê ta và của cả Đại Việt.

-Thần tuân chỉ.

-Quan Đề đốc Lê Nhân Thuận.

-Bẩm Hoàng thượng có thần.

-Khanh hãy cho người đi khắp nơi xem khi xẩy ra tai họa năm 1442, gia đình Nguyễn Trãi những ai chạy thoát và hiện nay ở đâu. Nếu thấy cầm chiếu minh oan cho gia đình họ và nếu là con trai Nguyễn Trãi, hãy đưa về kinh đô gặp trẫm, nếu là con gái còn làm nô tỳ thì hãy cầm chiếu minh oan của trẫm đến giải thoát cho họ.

-Thần tuân chỉ.

-Nay trẫm cũng minh oan và khôi phục danh dự cho các đại thần bị giết: Truy tặng Phạm Văn Xảo bị chết năm 1431 chúc tước Thái bảo Quận công, truy tặng Lê Sát bị giết năm 1437 là Thái bảo Cảnh quốc công, Lê Ngân bị giết năm 1437, Thái phó Hoằng quốc công, Trịnh Khắc Phục bị giết năm 1451 là Thái bảo Ngọc Quận công, ban cho 10 người con trai của Trịnh Khả giữ chức tướng văn, tướng võ, danh vọng và vinh hiển lừng lẫy một thời, đấy là việc hiếm có xưa nay.

Văn võ bá quan quỳ xuống nói:

-Hoàng thượng anh minh.

-Ta cũng truy phong quận Vương Lê Tư Tề là Quận Ai Vương.

-Hoàng thượng anh minh.

Nói về Đề đốc Lê Nhân Thuận, qua một quá trình cho người đi khắp nơi điều tra những người trong gia đình Nguyễn Trãi chạy thoát trong vụ huyết án, tư liệu đó ông trao lại cho Lê Thánh Tông. Lê Thánh Tông trao lại cho Ngô Sĩ Liên hệ thống lại và trình nhà vua.

Đêm Thăng Long, trong một ngôi nhà không lớn nhưng khang trang. Trong tường của gian giữa kê bàn thờ gia tiên, trên bàn sơn son có vài bát hương trắng bằng sứ, bên ngoài vẽ rồng phượng màu xanh uốn lượn, đặt trước các bài vị của các cụ tổ tiên họ Ngô. Hai bên đầu bàn có những lư hương bằng đồng vàng chóe đặt vàng hương để dùng. Trước bàn thờ có hai cây cột to sơn đỏ treo hai câu đối nền đen chữ Hán vàng lấp lánh. Phía dưới bàn thờ đặt một chiếc bàn màu gụ, hai bên kê hai chiếc ghế tràng kỷ hoa văn cây lá chạm trổ tinh vị, còn khảm trai lấp lánh màu trắng. Những cây nến cắm trên cột cháy tỏa sáng không chỉ gian giữa mà còn tỏa ra hai gian hai bên ánh sáng vàng rực rỡ. Ngồi ở tràng kỷ là một người đàn ông khoảng 30 tuổi đầu buộc khăn thếp đen, mặc áo dài đen. Trên bàn ngoài bộ ấm chén uống trà còn chất đầy sách vở, giấy tờ và nghiên mực. Người đàn ông khuôn mặt thư sinh, rót chén trà uống rồi lại ngồi cầm mấy tờ giấy vẻ đau buồn ưu tư. Đó là nhà sử học Ngô Sĩ Liên, Tiến sĩ-Hàn lâm học sĩ. Ngô Sĩ Liên đang ngồi đau buồn vì cái chết của Nguyễn Trãi, gia đình và họ hàng. Trong tâm tưởng của Ngô Sĩ Liên, ông đã tôn Nguyễn Trãi làm thầy. Chính Nguyễn Trãi đã lấy ông đỗ trong kỳ thi Hội đầu tiên của nhà Hậu Lê năm 1442, không chỉ thế, Ngô Sĩ Liên còn thấy được ở Ức Trai một thiên tài về quân sự, chính trị, văn học, địa lý học, về âm nhạc cung đình. Ở Nguyễn Trãi ông còn thấy là người vẹn toàn nhân trí tín. Nguyễn Trãi đã có công lao to lớn trong cuộc kháng chiến chống Minh, giải phóng dân tộc, còn góp phần giúp các vua Lê đề ra những chính sách kinh tế, xã hội văn hóa xây dựng phát triển đất nước trong thời hòa bình.

(Còn nữa)

CVL

PGS TS Cao Văn Liên

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/viet-nam-dien-nghia-tap-4b-bi-su-nha-le-so-1428-1527-ky-50-a20874.html