Việt Nam đang 'khát' nguồn nhân lực công nghiệp bán dẫn

Tại hội nghị cấp cao về công nghệ bán dẫn tại Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC), Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng cho rằng, công nghiệp bán dẫn (CNBD) là cơ hội cho các doanh nghiệp (DN) Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. Việt Nam có đầy đủ điều kiện và yếu tố cần thiết để phát triển CNBD, từ hệ thống chính trị ổn định, vị trí địa lý thuận lợi đến nguồn nhân lực trong lĩnh vực kỹ thuật công nghệ dồi dào, cơ sở hạ tầng số ngày một phát triển.

Xác định xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao là nhiệm vụ quan trọng trong thời gian tới, phát biểu tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã trình bày Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 và nêu rõ 12 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu năm 2024 và thời gian tới.

Việt Nam đã và đang xây dựng nhiều cơ chế ưu đãi đầu tư hấp dẫn cho các công ty, tập đoàn ngành bán dẫn. (Ảnh minh họa)

Việt Nam đã và đang xây dựng nhiều cơ chế ưu đãi đầu tư hấp dẫn cho các công ty, tập đoàn ngành bán dẫn. (Ảnh minh họa)

Trong đó, cũng nêu rõ các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu với các lĩnh vực khác, như chú trọng đào tạo nhân lực chất lượng cao cho những ngành, lĩnh vực mới nổi, trong đó tập trung đào tạo 50-100 nghìn nhân lực chất lượng cao cho ngành sản xuất chip bán dẫn trong giai đoạn từ năm 2025 đến 2030. Trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của khoa học và công nghệ, đặc biệt trong lĩnh vực điện tử - bán dẫn - vi mạch, phục vụ cho máy móc điện tử và chuyển đổi số, xu thế dịch chuyển nguồn cung ứng (supply chain) đang diễn ra trên thế giới và trong khu vực. Các tập đoàn công nghệ thế giới đang có xu hướng tìm đến những địa điểm phù hợp hơn để đặt cơ sở sản xuất, nghiên cứu.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Việt Nam đã và đang thu hút ngày càng nhiều các tập đoàn lớn trong ngành bán dẫn của Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản, châu Âu, Đài Loan... Trong chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden và chuyến thăm Hoa Kỳ của Thủ tướng Phạm Minh Chính, hai nước đã thống nhất nâng cấp mối quan hệ lên tầm quan hệ đối tác chiến lược toàn diện và xác định một trong các nội dung hợp tác chiến lược là về đổi mới sáng tạo bao gồm phát triển ngành CNBD. Đoàn công tác của Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có nội dung làm việc rất quan trọng với Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Mỹ (SIA) và nhiều tập đoàn hàng đầu thế giới trong lĩnh vực bán dẫn… Ngoài ra, Việt Nam đã và đang xây dựng nhiều cơ chế ưu đãi đầu tư hấp dẫn cho các công ty, tập đoàn ngành bán dẫn. Các dự án đầu tư ngành bán dẫn thuộc lĩnh vực công nghệ cao, được áp dụng những ưu đãi cao nhất trong khuôn khổ pháp luật Việt Nam. Việt Nam cũng đã thành lập NIC và 3 khu công nghệ cao tại TP Hồ Chí Minh, Hòa Lạc (Hà Nội) và Đà Nẵng với đầy đủ các điều kiện về cơ sở hạ tầng sẵn sàng đón các nhà đầu tư ngành bán dẫn với cơ chế ưu đãi cao.

Hiện Mỹ đã có trên 50 DN FDI lớn đầu tư vào Việt Nam về công nghiệp vi điện tử và bán dẫn, trong đó, lĩnh vực thiết kế vi mạch đòi hỏi nhiều nhất nguồn nhân lực chất lượng cao. Không chỉ có Mỹ, Việt Nam đang trở thành điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư đến từ nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ khác. Mới đây, ngày 11/10/2023, Tập đoàn Amkor (Hàn Quốc) đã khánh thành Nhà máy Amkor Technology Việt Nam tại Khu công nghiệp Yên Phong II-C, tỉnh Bắc Ninh với tổng vốn đầu tư đến năm 2035 đạt 1,6 tỷ USD. Trong thời gian tới, dự kiến sẽ có thêm nhiều tập đoàn lớn đầu tư vào Việt Nam, trong đó chủ yếu yêu cầu nhân lực thiết kế vi mạch. Tổng nhu cầu nhân lực trong lĩnh vực này theo dự báo của một số chuyên gia kinh tế trong 5 năm tới là khoảng 20.000 người và 10 năm tới khoảng 50.000 người có trình độ từ đại học trở lên.

Ông John Neuffer, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Mỹ (SIA) cũng khẳng định, Việt Nam là một mắt xích ngày càng quan trọng trong chuỗi CNBD toàn cầu. Việt Nam có rất nhiều tiềm năng trong ngành CNBD, lao động Việt rất chăm chỉ, cần cù. Tuy nhiên, chất lượng lao động hiện tại chưa đủ để phục vụ cho ngành công nghiệp đặc thù này. Trong khi ngành này đang đối diện với việc thiếu nhân lực. “Hiện nay, 75% số lượng chip bán dẫn được sản xuất ở Đông Á và Đông Nam Á. Trong khi đó, Việt Nam dự kiến đào tạo 50 nghìn kỹ sư là mục tiêu rất chuẩn xác. Việt Nam cần hiện thức hóa càng sớm càng tốt mục tiêu này để nắm bắt cơ hội…”, ông John Neuffer cho hay.

Theo bà Linda Tan, Hiệp hội Công nghệ bán dẫn Đông Nam Á (Semi SEA), mô hình trung tâm đào tạo và ươm tạo về thiết kế vi mạch bán dẫn tại Việt Nam và hình thành chương trình đào tạo và nghiên cứu ngành công nghiệp bán dẫn tại các trường đại học Việt Nam được đánh giá cao.

Lưu Hiệp

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/kinh-te/viet-nam-dang-khat-nguon-nhan-luc-cong-nghiep-ban-dan-i712217/