Việt Nam có loại “đô thị giả tạo”

Báo cáo mới nhất của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy tốc độ đô thị hóa của Việt Nam đã đạt mức 3,4%/năm, cao hơn nhiều so với mức dự báo 1-2%/năm của nhiều chuyên gia trước đây. Tuy nhiên, bên cạnh nhiều hệ lụy quen thuộc của quá trình đô thị hóa, Việt Nam đang phải ứng phó với một khái niệm mới: “đô thị giả tạo”.

Theo ông Đinh Trọng Thắng, Phó Trưởng ban Nghiên cứu chính sách đầu tư, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, ở một góc độ nào đó, một số đô thị Việt Nam đang được hình thành theo các quyết định hành chính. Chính vì vậy, dù được gọi là đô thị nhưng cả hạ tầng lẫn tư duy người quản lý đều không đủ để đáp ứng. Thí dụ điển hình là quá trình đô thị hóa tự phát tại các khu công nghiệp.

Quá trình này diễn ra quá nhanh và mạnh mẽ, trong khi chính quyền chưa được trang bị cả về nguồn lực tài chính và con người. Trong khi đó, những điểm “được” của Việt Nam trong quá trình đô thị hóa, như giao thông, cũng sẽ nhanh chóng trở thành áp lực trong tương lai. Biểu hiện rõ nhất là việc phát triển hạ tầng giao thông đô thị thời gian qua chủ yếu phục vụ cho xe máy, tư duy quản lý cũng chỉ dừng ở phục vụ cho xe máy, sẽ nhanh chóng lạc hậu.

Theo đánh giá của WB, ngay cả 2 hệ thống đô thị đóng vai trò chi phối cả nước là Hà Nội và TPHCM cũng đang gặp phải những vấn đề lớn, hạn chế lợi thế cạnh tranh của chính các thành phố này, đặc biệt là nút thắt hậu cần, chi phí vận chuyển bất thường, tắc nghẽn giao thông gia tăng và thị trường đất đai bị bóp méo.

Trên thực tế, số lượng đô thị tại Việt Nam đã tăng lên nhanh chóng, từ 500 khu đô thị vào năm 1990 đến 755 hiện nay. Nhưng như nhiều chuyên gia đã nhận định, quá trình này đang diễn ra trên diện rộng mà chưa có chiều sâu, nhiều đô thị chưa thực sự xứng tầm với tên gọi.

Sự phát triển mạnh mẽ gần như chỉ nhìn thấy ở Hà Nội, TPHCM và một số đô thị phụ cận của 2 thành phố này. Nhiều thành phố được hình thành và phát triển như là các trung tâm hành chính thay vì các trung tâm kinh tế, nên sự thu hút lao động nhập cư không cao. Chính vì nhiều thành phố không được phát triển như là các trung tâm kinh tế, nên quá trình đô thị hóa diễn ra không đồng đều, đã hình thành nên các “đô thị giả tạo”.

Hệ lụy của các “đô thị giả tạo” đã khiến những nỗ lực để “đẩy ngược” dòng chảy của dân cư vào các thành phố lớn gần như vô vọng. Quá trình đô thị hóa này dù được đánh giá là tự nhiên, nhưng đang mang lại nhiều áp lực nặng nề và nếu không có những điều chỉnh kịp thời, khi tốc độ đô thị hóa cao hơn nữa, sẽ không có cơ hội để sửa chữa.

Từ nhiều năm nay, những thống kê về một quá trình đô thị hóa mạnh mẽ luôn được coi là một tín hiệu vui của quá trình hiện đại hóa đất nước. Tuy nhiên, có lẽ đã đến lúc tốc độ đô thị hóa không nên được quan tâm như là yếu tố hàng đầu nữa, thay vào đó chất lượng đô thị hóa phải được đặt lên trên hết.

Có như thế mới tránh được những đô thị “giả tạo”, hình thành bằng những quyết định hành chính, đô thị nhưng vẫn mang dáng dấp của nông thôn. Nguồn: Hoài Trâm, SGĐTTC

Tin mới:

16/04/2012 08:41 - Thủ tướng: Khẩn trương lập quy hoạch hai bên đường Nhật Tân – Nội Bài 16/04/2012 08:27 - Hà Nội: 88/92 dự án BĐS vốn ngoại triển khai rất chậm

Tin cũ:

12/04/2012 19:38 - Điều chỉnh quy hoạch KĐT Thịnh Liệt, Vĩnh Hưng – Thanh Trì và Nam Hồ Linh Đàm 12/04/2012 09:35 - Siêu dự án Tây Hồ Tây sắp hoàn tất GPMB giai đoạn 1 10/04/2012 10:16 - Chủ đầu tư nhà ở phải dành đủ diện tích đỗ xe cho người dân

Trang trước Trang sau

Nguồn Thongtinduan.vn: http://thongtinduan.vn/index.php?catid=7:quy-hoch&id=5893:vit-nam-co-loi-o-th-gi-to-&Itemid=8&option=com_content&view=article