Việt Nam chi 1,43 tỷ USD nhập khẩu các loại thịt

Năm 2023, Việt Nam nhập khẩu 716,89 nghìn tấn thịt và các sản phẩm từ thịt, trị giá 1,43 tỷ USD, tăng 5,4% về lượng, nhưng giảm 3,9% về trị giá so với năm 2022.

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dẫn số liệu của Tổng cục Hải quan cho biết, năm 2023, Việt Nam nhập khẩu 716,89 nghìn tấn thịt và các sản phẩm từ thịt, trị giá 1,43 tỷ USD, tăng 5,4% về lượng, nhưng giảm 3,9% về trị giá so với năm 2022.

Năm 2023, Việt Nam nhập khẩu thịt và các sản phẩm từ thịt từ 57 thị trường trên thế giới. Trong đó, Ấn Độ là thị trường cung cấp lớn nhất cho Việt Nam với 160,66 nghìn tấn, trị giá 476,44 triệu USD, tăng 6,1% về lượng, nhưng giảm 1,4% về trị giá so với năm 2022.

Thông tin trên Công Thương, trong năm 2023, cơ cấu thị trường cung cấp thịt và các sản phẩm thịt cho Việt Nam có sự thay đổi khi lượng nhập khẩu từ Ấn Độ, Nga tăng; trong khi nhập khẩu từ Hoa Kỳ, Brazil, Hàn Quốc giảm so với năm 2022.

Trong năm 2023, Việt Nam nhập khẩu chủ yếu là các chủng loại thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ của gia cầm; phụ phẩm ăn được sau giết mổ của heo, trâu, bò sống ướp lạnh hoặc đông lạnh; thịt trâu tươi đông lạnh; thịt heo tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh; thịt bò tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh; mỡ heo đông lạnh…

Trong đó, lượng nhập khẩu thịt bò, thịt gia cầm, thịt heo đều giảm. Trong khi nhập khẩu thịt trâu và phụ phẩm ăn được sau giết mổ của heo, trâu, bò sống lại tăng so với năm 2022.

Năm 2023, Việt Nam nhập khẩu 112,6 nghìn tấn thịt heo tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh, trị giá 279,77 triệu USD, giảm 2,1% về lượng, nhưng tăng 11,8% về trị giá so với năm 2022.

Việt Nam nhập khẩu thịt heo tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh từ 30 thị trường, trong đó chủ yếu được nhập khẩu từ Nga, chiếm 40,67% trong tổng lượng nhập khẩu của cả nước; tiếp theo là Brazil chiếm 35,43%; Đức chiếm 5,7%; Canada chiếm 3,01%; Hoa Kỳ chiếm 2,54%...

Trừ Nga và Hoa Kỳ, lượng thịt heo nhập khẩu từ các thị trường này về Việt Nam đều giảm so với năm 2022. Trong năm 2023, cơ cấu thị trường cung cấp thịt heo cho Việt Nam có sự thay đổi, khi tỷ trọng nhập khẩu từ Nga, Hoa Kỳ tăng; trong khi tỷ trọng nhập khẩu từ Brazil, Đức, Canada, Hà Lan lại giảm.

Về xuất khẩu, theo Bnews, năm 2023, Việt Nam xuất khẩu được 22,45 nghìn tấn thịt và các sản phẩm thịt, trị giá 110,35 triệu USD, tăng 19% về lượng và tăng 30,4% về trị giá so với năm 2022. Đáng lưu ý, thịt và các sản phẩm thịt của Việt Nam được xuất khẩu sang 28 thị trường trên thế giới; trong đó, chủ yếu được xuất khẩu sang các thị trường như: Hong Kong (Trung Quốc), Trung Quốc, Bỉ, Papua New Guinea, Malaysia, Campuchia, Pháp, Hoa Kỳ…

Đặc biệt, Hong Kong (Trung Quốc) vẫn là thị trường xuất khẩu thịt và các sản phẩm từ thịt lớn nhất của Việt Nam, chiếm 42,88% về lượng và chiếm 54,44% về trị giá trong tổng xuất khẩu thịt và sản phẩm thịt của cả nước với 9,63 nghìn tấn, trị giá 60,07 triệu USD, tăng 25,3% về lượng và tăng 41% về trị giá so với năm 2022. Thịt và các sản phẩm thịt của Việt Nam được xuất khẩu sang thị trường Hong Kong (Trung Quốc) chủ yếu là thịt lợn sữa nguyên con đông lạnh, thịt lợn nguyên con đông lạnh...

Cũng theo Cục Xuất nhập khẩu, năm 2023, thịt và các sản phẩm từ thịt của Việt Nam xuất khẩu chủ yếu gồm thịt lợn tươi, ướp lạnh hoặc đông lạnh (chủ yếu là lợn sữa và thịt lợn nguyên con đông lạnh); thịt khác và phụ phẩm dạng thịt ăn được sau giết mổ của động vật khác, ướp lạnh hoặc đông lạnh; thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ của gia cầm; thịt và phụ phẩm dạng thịt ăn được sau giết mổ, muối, ngâm nước muối, làm khô hoặc hun khói; thịt trâu, bò tươi đông lạnh…

Trong số đó, thịt lợn tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh (chủ yếu là lợn sữa và thịt heo nguyên con đông lạnh) được xuất khẩu nhiều nhất với 10,77 nghìn tấn, trị giá 63,35 triệu USD, tăng 2,7% về lượng và tăng 24,7% về trị giá so với năm 2022. Thịt lợn tươi ướp lạnh, hoặc đông lạnh được xuất khẩu sang các thị trường: Hong Kong (Trung Quốc), Papua New Guinea, Malaysia, Lào, Campuchia, Lào, Singapore…

Cũng trong năm 2023, xuất khẩu thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ của gia cầm tăng mạnh, đạt 4,77 nghìn tấn, trị giá 12,04 triệu USD, tăng 136,1% về lượng và tăng 214% về trị giá so với năm 2022; Chủ yếu xuất khẩu sang Trung Quốc, Papua New Guinea, Malaysia, Hàn Quốc, Hong Kong (Trung Quốc).

Minh Hoa (t/h)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/viet-nam-chi-143-ty-usd-nhap-khau-cac-loai-thit-a650253.html