Việt Nam cần sớm có luật và ngân hàng người hiến tủy xương, tế bào gốc

Nước ta cần sớm có luật và ngân hàng cho người sẵn sàng hiến tủy xương, tế bào gốc.

Ngày 24-11, Bệnh viện (BV) Truyền máu huyết học (TP.HCM) tổ chức hội nghị khoa học Truyền máu huyết học phía Nam mở rộng lần thứ 7 và Ghép tủy xương - tế bào gốc tạo máu Việt - Pháp lần thứ 7.

TS-BS chuyên khoa 2 Phù Chí Dũng, Giám đốc BV Truyền máu huyết học, cho biết hiện nay tại Việt Nam, lĩnh vực ghép tủy xương - tế bào gốc đã phát triển mạnh mẽ với nhiều kỹ thuật ghép mới và trung tâm ghép mới ra đời.

Tại BV Truyền máu huyết học, số ca ghép tủy xương - tế bào máu ngày càng tăng, với khoảng 80 ca trong năm nay (tăng hơn năm ngoái 20 ca).

TS-BS chuyên khoa 2 Phù Chí Dũng, Giám đốc BV Truyền máu huyết học nhấn mạnh cần có luật cho người hiến tủy xương . Ảnh: THẢO PHƯƠNG

Ngoài áp dụng các kỹ thuật ghép tiên tiến ngang bằng các nước trong khu vực và trên thế giới, BV còn có nhiệm vụ đào tạo, chuyển giao các kỹ thuật ghép đơn giản như ghép tế bào gốc.

Năm 2023, BV Truyền máu huyết học đã hỗ trợ đào tạo, chuyển giao kỹ thuật ghép tủy xương - tế bào máu cho BV Nhi đồng 2, BV Ung bướu (cơ sở 2). Bước đầu các BV đã tự ghép thành công vài ca bệnh với kỹ thuật tương đối đơn giản.

Theo đó, tỉ lệ thành công của người bệnh khi áp dụng kỹ thuật ghép tủy xương - tế bào gốc tạo máu phụ thuộc vào kỹ thuật ghép và tùy theo mặt bệnh.

Với kỹ thuật ghép khó (dị ghép) ở những người nhóm nguy cơ cao, tỉ lệ sống sau ghép ở bệnh nhân sống 5 năm đạt khoảng 50%. Ở nhóm bệnh lành tính như suy tủy xương, tỉ lệ sống 10 năm lên đến 70%.

“10 năm trở về trước, nhiều bệnh nhân có chỉ định ghép tủy xương - tế bào gốc tạo máu chưa tin tưởng kỹ thuật ghép tại Việt Nam. Vì thế họ thường đi qua các nước như Singapore, Thái Lan, Đài Loan,… để ghép. Đến nay, số ca có nhu cầu đi nước ngoài điều trị đã giảm rất nhiều” - BS Dũng cho hay.

Hội nghị khoa học Truyền máu huyết học phía Nam mở rộng lần thứ 7 và ghép tủy xương - tế bào gốc tạo máu Việt - Pháp lần thứ 7. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

Cũng theo BS Dũng, tại nước ta, dù hầu hết các kỹ thuật ghép tủy xương - tế bào gốc tạo máu đã thực hiện được như trên thế giới nhưng hiện vẫn còn nhiều khó khăn, rào cản. Cụ thể, nước ta còn hạn chế nguồn tế bào gốc đối với trường hợp dị ghép hoặc ghép đồng loại.

Ngoài ra, tại Việt Nam, hiện vẫn chưa có luật và ngân hàng người hiến tủy xương - tế bào gốc. Ta phải lấy nguồn ngân hàng người hiến từ nước ngoài như Đài Loan, Trung Quốc,... Tuy nhiên khi tìm được nguồn hiến, vì cách biệt lớn về di truyền học, gene,… xác suất ghép thành công cũng thấp.

Cạnh đó, ta còn gặp khó khăn trong nhập khẩu một số thuốc hiếm, thuốc đặc trị, làm cản trở việc triển khai kỹ thuật ghép chuyên khoa sâu.

“Nhà nước cần sớm có luật và ngân hàng cho người hiến tủy xương - tế bào gốc. Kế hoạch xây dựng ngân hàng này phụ thuộc vào chính sách, các luật về người hiến tủy xương - tế bào gốc trong những năm tới và các văn bản ban hành thực hiện” - BS Dũng chia sẻ.

Theo Giám đốc BV, đây là điều căn bản để xây dựng các nghị định, thông tư. Sau đó là triển khai ngân hàng cho người sẵn sàng hiến tủy xương - tế bào gốc, trong trường hợp người bệnh không tìm được người cho trong gia đình.

THẢO PHƯƠNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/viet-nam-can-som-co-luat-va-ngan-hang-nguoi-hien-tuy-xuong-te-bao-goc-post763220.html