Việt Nam - Campuchia tăng cường kết nối, phát triển dịch vụ logistics

Trong khuôn khổ các hoạt động của Hội chợ triển lãm sản phẩm kinh tế - quốc phòng Việt Nam - Campuchia 2023 (VIDEX 2023), hôm nay 28/10 tại Phnom Penh đã diễn ra hội thảo chuyên đề 'Tăng cường kết nối, phát triển dịch vụ logistics tuyến Việt Nam – Campuchia'

Hội thảo được tổ chức trực tiếp và trực tuyến với sự tham dự của hàng trăm đại biểu từ các cơ quan chức năng và doanh nghiệp hai nước.

Chia sẻ tại hội thảo, Đại sứ Việt Nam tại Campuchia Nguyễn Huy Tăng cho rằng, đây là cơ hội quý báu để các doanh nghiệp và cơ quan chức năng cùng thảo luận, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm cũng như đưa ra các giải pháp để phát triển hoạt động logistics trên tinh thần tăng cường kết nối giao thương hàng hóa song phương giữa hai nước láng giềng gần gũi.

Quang cảnh hội thảo

Hội thảo cũng là dịp để doanh nghiệp Campuchia tiếp cận với các giải pháp dịch vụ logistics quy mô và hiện đại đang được các đối tác Việt Nam thúc đẩy, từ đó tìm ra giải pháp logistics tối ưu nhất cho doanh nghiệp mình nhằm gia tăng hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp, đáp ứng nhu cầu phát triển ngày càng cao của Campuchia.

Đại tá Bùi Văn Quỳ, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn, đơn vị tổ chức hội thảo cho biết, sự tăng trưởng nhanh chóng về thương mại song phương Việt Nam-Campuchia thời gian qua có đóng góp rất lớn từ các nỗ lực chung nhằm tăng cường kết nối hai nền kinh tế về cơ sở hạ tầng cứng cũng như về thể chế và chính sách; tập trung phát triển các tuyến logistics giữa hai nước, cũng như giữa hai nước với khu vực ASEAN và quốc tế.

Đại sứ Nguyễn Huy Tăng

Theo số liệu của Tổng Cục Hải quan Việt Nam năm 2022, sản lượng hàng quá cảnh bằng đường thủy - “giải pháp vận tải xanh” kết nối Việt Nam – Campuchia qua sông Mekong là hơn 394 000 TEU. Trong đó, Tân cảng Sài Gòn chiếm thị phần vận tải bằng đường thủy là 56% đối với hàng nhập khẩu và 49% hàng xuất khẩu của Campuchia. Hoạt động logistics tuyến Việt Nam – Campuchia được coi như “mạch máu” trong chiến lược của Tân cảng Sài Gòn về mở rộng và phát triển thị trường ra khu vực và quốc tế.

Đại tá Bùi Văn Quỳ, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn

Về các giải pháp nhằm tăng cường kết nối logistics giữa hai nước thời gian tới, Đại tá Bùi Văn Quỳ nhấn mạnh yêu cầu về đẩy mạnh các giải pháp “thông minh” nhằm đơn giản hóa thủ tục ở hai đầu đối với hàng hóa quá cảnh của Campuchia, tăng cường sử dụng công nghệ hiện đại về kết nối số để giải quyết các thủ tục từ xa, như mô hình “cảng điện tử e-port”, và trên hết là sự phối hợp đồng bộ về chính sách và hạ tầng, nhằm hỗ trợ, tăng cường kết nối.

“Không chỉ Tân cảng Sài Gòn, mà chúng tôi muốn cả các cơ quan quản lý Nhà nước, rồi cảng vụ, hay các cơ quan hải quan và các cơ quan kiểm tra chuyên ngành phải chung tay đưa phần mềm quản trị và kết nối trong một hệ sinh thái để làm sao tạo điều kiện thuận lợi nhất cho khách hàng bằng việc thông quan và thủ tục bằng kết nối số” - Đại tá Bùi Văn Quỳ cho biết.

Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn và Cảng Phnompenh (PPAP) ký biên bản ghi nhớ (MOU), đánh dấu bước hợp tác chiến lược giữa hai nhà khai thác cảng hàng đầu của hai nước

Tại hội thảo, Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn đã ký biên bản ghi nhớ (MOU) cùng với Cảng Phnompenh (PPAP), đánh dấu bước hợp tác chiến lược giữa hai nhà khai thác cảng hàng đầu của hai nước. Sự hợp tác giữa hai cảng được kỳ vọng giúp cải thiện hiệu suất và giảm chi phí logistics, góp phần vào sự phát triển bền vững của các doanh nghiệp, đồng thời góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế và thương mại giữa Việt Nam và Campuchia.

Văn Đỗ-Tuấn Anh/VOV-Phnom Penh

Nguồn VOV: https://vov.vn/thi-truong/gia-vang/viet-nam-campuchia-tang-cuong-ket-noi-phat-trien-dich-vu-logistics-post1055585.vov