Việt Nam bắt nhịp xu hướng truyện tranh số sang bản in

Hiện tại, tác giả truyện tranh Việt thường đăng tải phiên bản digital lên nền tảng mạng xã hội. Sau khi thu hút được độc giả, tác giả mới cân nhắc việc xuất bản giấy.

Alice Oseman và tập 5 của bộ Heartstopper. Ảnh: Telegraph.

Trong ba ngày đầu ra mắt, tập 5 của bộ truyện Heartstopper đã bán được hơn 50.000 bản ở Anh. Tại thị trường Việt Nam, sau 24h mở nhận đơn, bộ truyện đã ngay lập tức hết hàng trên một số sàn thương mại điện tử. Heartstopper là bộ truyện đã đạt mốc 142 triệu lượt xem trên nền tảng Tapas.

Mặc dù độc giả hoàn toàn có thể đọc phần 6, phần 7 của bộ truyện này trên web miễn phí, họ không ngần ngại bỏ ra một số tiền để sở hữu sách in. Vậy đâu là lý do khiến một bộ truyện có thể tiêu thụ cả bản in lẫn bản điện tử tốt đến như vậy. Thành công của Heartstopper cho thấy tiềm năng của xu hướng web-to-print.

Tiềm năng của webcomics khi chuyển thể

Heartstopper không phải bộ truyện duy nhất thành công từ webcomics, trước khi bộ truyện này ra đười, Nimona cũng đã gây được tiếng vang lớn khi ra bản in và đến nay được chuyển thể sang bản hoạt hình. Success Is 90% Spite là một bộ truyện viết theo dạng short comics được phát hành trên nền tảng miễn phí, khi ra bản in đã nhận được nhiều phản hồi tích cực.

Vậy bản in của những cuốn sách này có điều gì quá đặc biệt không? Chúng sẽ có thêm một vài đoạn nhỏ viết riêng của tác giả, thêm một số chi tiết nhỏ. Nhưng quan trọng hơn hết, độc giả muốn mua bản in như một cách để ủng hộ tác giả. Chúng giống một “dịch vụ gia tăng” mà các nhà xuất bản đem tới cho độc giả vậy.

Nimona ra mắt độc giả từ năm 2011 trên các nền tảng trực tuyến. Năm 2015, cuốn sách ra bản in và tiếp tục nhận được nhiều sự chú ý hơn. Năm 2023, bộ phim chuyển thể cùng tên sẽ lên sóng Netflix. Ảnh: Netflix.

Nhiều nhà xuất bản lưu ý rằng việc chuyển một tác phẩm từ web sang dạng in không có gì mới. Có những bộ truyện áp dụng xu hướng này và thành công kể từ những năm 2000 như American Born Chinese của Gene Luen Yang và Smile của Raina Telgemeier, từ những năm 2000.

Whitney Leopard, biên tập viên cấp cao của Random House Graphic cho biết: “Chúng tôi đã gắn bó với việc tiếp nhận các bản thảo truyện tranh trực tuyến và xuất bản chúng nhiều năm nay. Nhưng trong những năm gần đây, nhà xuất bản nhận thấy sự gia tăng rất lớn của các tác phẩm chuyển thể từ webcomics. Không chỉ dưới dạng in ấn mà còn là các sản phẩm nghe nhìn khác”.

Sierra Hahn, Tổng biên tập của Oni Press cho biết: “Sau thời gian dài đọc một câu chuyện trên nền tảng trực tuyến hàng ngày, độc giả có tâm lý muốn quay lại với thứ gì đó họ có thể nắm giữ hoặc trao cho người khác được”.

Tuy nhiên, không phải bộ truyện nào cũng được chuyển thể sang bản in một cách dễ dàng. Hệ màu các tác giả sử dụng cho web là RGB còn in ấn là CMYK, việc chuyển thể sẽ bao gồm cả việc tô lại màu cho một số chỗ không chuẩn ý tưởng ban đầu.

“Nhịp độ của một webcomic rất khác với nhịp độ của một cuốn tiểu thuyết đồ họa. Một bộ webcomic không cần phải ghi nhớ số trang. Tác giả không bị giới hạn về dung lượng khi trình bày câu chuyện nhưng bản in thì có”, biên tập viên cao cấp của Macmillan Holly West cho biết.

Scott Kurtz (một tác giả webcomics từ năm 1998) cũng chia sẻ về nhiều khó khăn khi làm bản in so với chỉ ra mắt truyện bản web. “Mọi thứ tôi làm trong webcomics luôn diễn ra nhanh chóng. Mỗi ngày một lần, chỉ cần đưa ra thứ gì đó, xem phản ứng của độc giả ra sao và điều chỉnh trong tập tiếp theo. Lập kế hoạch cho một cuốn sách gần 300 trang khác nhiều so với việc thức đăng tải truyện vào buổi tối và nhận phản hồi vào sáng hôm sau”, Kurtz tâm sự.

Đối với các nhà xuất bản tại châu Âu và Bắc Mỹ, webcomics là một trong những thể loại phát triển nhanh nhất hiện nay. Lớp công chúng đa phần là phụ nữ từ 18 đến 35 tuổi, tìm kiếm các câu chuyện có chủ đề về boy love, lãng mạn, kinh dị, huyền ảo. Bất kỳ ai đang đọc hay viết fanfic trên website Archive of Our Own (AO3) đều là một đối tượng tiềm năng của các web comics.

Xu hướng chung web-to-print

Webcomics có một lợi thế lớn trong việc xây dựng đội ngũ độc giả trung thành hơn so với những tác phẩm truyện tranh in truyền thống. Do đó, nhiều tác giả hay các công ty văn hóa lựa chọn xu hướng web-to-print hơn là straight-to-print. Họ sẽ ưu tiên phát triển nền tảng web và sử dụng bản in như một “dịch vụ gia tăng” nâng tầm cho bộ truyện của mình.

Ông Nguyễn Khánh Dương, CEO của ComiCola chia sẻ: “Ở hiện tại, các bạn tác giả ở Việt Nam đều xuất thân từ việc đăng tải phiên bản digital lên trên nền tảng mạng xã hội. Sau khi thu hút được độc giả, các bạn mới cân nhắc việc xuất bản giấy. Bất cứ bạn tác giả nào ở Việt Nam ra sách giấy là phải có phiên bản digital trước đó rồi. Đó là xu hướng chung cả trên thế giới”.

Bẩm thầy Vũ có thầy Tường đến tìm từng đoạt giải đồng Giải thưởng truyện tranh quốc tế Nhật Bản. Ảnh: Vuy đã vẽ gì?

Tại Việt Nam cũng có khá nhiều tác giả thành công từ webcomics, họ có thể làm từ phiên bản tiểu thuyết đồ họa cho đến short comics như Thăng Fly, Thỏ Bảy Màu, Mèo Mốc… Một bộ truyện bám theo xu hướng web-to-print khá thành công mới đây là Bẩm thầy Vũ có thầy Tường đến tìm. Tiếng vang của bộ truyện đến từ yếu tố như thể loại boy love, bối cảnh cổ trang, hình tượng nhẹ nhàng, thông điệp mang tính kinh điển như “Tình yêu chữa lành tất cả”.

CEO của ComiCola cho biết rằng bên cạnh ra mắt bản in, đơn vị vẫn duy trì phát hành bản điện tử của bộ truyện Bẩm thầy Vũ có thầy Tường đến tìm. Tác giả cũng có định hướng ưu tiên phát triển bản web trước.

Đối với một số tác giả làm webcomics thời gian dài, họ không thực sự muốn xuất bản. Nam Đoàn (Tác giả của bộ Catrooms) nhận thấy bản thân phù hợp với với webcomics bởi làm bản in sẽ đội lên chi phí rất lớn. “Để ra mắt được bản in cần phải trải qua nhiều khâu kiểm duyệt, biên tập, dàn trang. Cùng với đó, tiền nhuận bút của bản in khá thấp so với bản web hiện nay”, tác giả Nam Đoàn chia sẻ.

Có thể thấy Việt Nam đang dần tiếp cận xu hướng xuất bản chung của thế giới, tuy nhiên các tác giả vẫn còn nhiều thách thức xuất phát từ ý thức và văn hóa đọc. Cùng làn sóng tiểu thuyết đồ họa từ nước ngoài tràn vào, các tác phẩm của họa sĩ trong nước sẽ phải thực sự đột phá để có lợi thế cạnh tranh hơn. Nếu thành công với bản web, in ấn sẽ là một sự lựa chọn tốt để nâng cao giá trị và tiếng vang cho bộ truyện.

Đức Huy

Nguồn Znews: https://znews.vn/thanh-danh-nho-webcomic-khong-con-la-chuyen-xa-la-post1453822.html