Việt Nam-Ba Lan: Đối tác truyền thống, tin cậy

Hôm nay, 16/3, Bộ trưởng Ngoại giao Ba Lan Zbigniew Rau bắt đầu chuyến thăm chính thức Việt Nam theo lời mời của Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn.

Bộ trưởng Ngoại giao Ba Lan Zbigniew Rau thăm chính thức Việt Nam từ ngày 16-17/3, theo lời mời của Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn.

Chuyến thăm của Bộ trưởng Ngoại giao Ba Lan Zbigniew Rau tới Việt Nam là sự tiếp nối quan hệ truyền thống hữu nghị và mở rộng hợp tác tốt đẹp giữa hai đối tác bạn bè truyền thống.

Cuộc gặp sau hai năm

Ngày 20/4/2021, trong cuộc điện đàm chúc mừng Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn vừa được bổ nhiệm giữ cương vị Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam, Bộ trưởng Zbigniew Rau đánh giá cao sự phát triển tích cực trong mối quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt Việt Nam - Ba Lan và bày tỏ tin tưởng, dưới sự lãnh đạo của Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn, Bộ Ngoại giao Việt Nam sẽ tiếp tục có những đóng góp quan trọng nhằm thúc đẩy và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ song phương.

Bày tỏ cảm ơn Bộ trưởng Zbigniew Rau đã gửi thư và điện đàm chúc mừng, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn khẳng định, Việt Nam luôn coi trọng và mong muốn tăng cường quan hệ hợp tác trên mọi lĩnh vực với Ba Lan, một đối tác bạn bè truyền thống của Việt Nam tại châu Âu. Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nhất trí hai bên cần tiếp tục phối hợp thúc đẩy trao đổi đoàn cấp cao, cũng như giữa các bộ, ngành và địa phương. Nhân dịp này, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đã trân trọng mời người đồng cấp Zbigniew Rau thăm Việt Nam vào thời gian thích hợp.

Gần hai năm sau, người đứng đầu ngành ngoại giao Ba Lan thực hiện chuyến thăm chính thức Việt Nam lần đầu tiên. Trong thông báo về chuyến thăm, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ba Lan Łukasz Jasina cho biết, “chúng tôi muốn truyền đạt rằng, Ba Lan là một đối tác ổn định, trung thành, luôn giữ các cam kết và kỳ vọng”. Ông Łukasz Jasina cũng nhấn mạnh rằng, cộng đồng người Việt Nam tại Ba Lan đóng góp đáng kể cho nền kinh tế và văn hóa của đất nước Trung Âu.

Như vậy, kể từ chuyến thăm của Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda tới Việt Nam vào năm 2017, sự hiện diện của Bộ trưởng Zbigniew Rau tại Thủ đô Hà Nội là hoạt động nối lại trao đổi đoàn và tiếp xúc trực tiếp giữa hai nước sau thời gian bị gián đoạn bởi đại dịch.

Dự kiến, trong chuyến thăm, bên cạnh cuộc hội đàm với Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn, ông Zbigniew Rau sẽ có các cuộc gặp Lãnh đạo Chính phủ và Quốc hội của Việt Nam để thảo luận về hợp tác song phương cũng như các vấn đề toàn cầu, qua đó tăng cường sự tin cậy chính trị và hiểu biết lẫn nhau, tạo nền tảng để thúc đẩy và mở rộng hợp tác.

Đáng chú ý, hai bên dự kiến sẽ ký kết Biên bản ghi nhớ về hợp tác đào tạo và học thuật ngoại giao giữa Học viện Ngoại giao Ba Lan và Học viện Ngoại giao Việt Nam. Đây sẽ là công cụ lâu dài, có giá trị, giúp các cơ quan ngoại giao của cả hai nước trao đổi chuyên môn về đào tạo các nhà ngoại giao cũng như học hỏi lẫn nhau.

Tình cảm tin cậy và thắm thiết

Ba Lan là một trong những quốc gia đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam vào ngày 4/2/1950. Ba Lan là thành viên Ủy ban giám sát Hiệp định Geneva 1954, Paris 1973 và luôn ủng hộ, giúp đỡ Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến giành độc lập, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam và giai đoạn xây dựng đất nước sau này. Trong chặng đường hơn 73 năm qua, mối quan hệ Việt Nam - Ba Lan ngày càng được củng cố, phát triển qua các chuyến thăm của lãnh đạo hai nước, thể hiện qua các chương trình hợp tác giữa hai nước trong các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, giáo dục, ngoại giao nhân dân…

Trong những năm gần đây, mặc dù tình hình toàn cầu có nhiều phức tạp, đặc biệt là do đại dịch và xung đột tại Ukraine, quan hệ giữa Ba Lan và Việt Nam vẫn tiếp tục phát triển. Giữa bối cảnh khó khăn của đại dịch Covid-19, hai quốc gia đã tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau thông qua những lô khẩu trang Việt Nam gửi sang Ba Lan hay những liều vaccine ngừa Covid-19 quý giá viện trợ từ Warsaw tới Hà Nội, cho đến sự hỗ trợ của Chính phủ Ba Lan trong việc tổ chức các chuyến bay đặc biệt cho người Việt gặp khó khăn, sơ tán khỏi Ukraine. Những cử chỉ “tương thân tương ái” lúc hoạn nạn đó chứng tỏ hai nước là những đối tác trung thành và hỗ trợ lẫn nhau.

Với Việt Nam, Ba Lan là một đối tác bạn bè truyền thống tại châu Âu trong khi Ba Lan coi Việt Nam là đối tác ưu tiên ở khu vực Đông Nam Á.

Nhiều dư địa hợp tác

Về kinh tế - thương mại, Ba Lan hiện là bạn hàng số 1 của Việt Nam tại Trung Đông Âu, trong khi Việt Nam là bạn hàng thứ bảy của Ba Lan ngoài Liên minh châu Âu (EU). Các mặt hàng Việt Nam xuất sang Ba Lan chủ yếu là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng; hàng dệt may, thủy sản, gạo, cà phê, hạt tiêu, bánh kẹo, nông sản... Ngược lại, Việt Nam nhập khẩu từ Ba Lan sữa bột, tân dược, thiết bị cho ngành than, đóng tàu, kim loại, phế liệu sắt thép.

Kim ngạch thương mại song phương những năm qua tăng khá nhanh và chủ yếu là Việt Nam xuất siêu. Năm 2022 kim ngạch thương mại hai chiều đạt 2.566 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu 2.291 tỷ USD và nhập khẩu 375 triệu USD.

Hiện nay, người dân Việt Nam có thể tìm thấy các sản phẩm nông sản thực phẩm của Ba Lan tại các siêu thị như các sản phẩm từ sữa, thịt lợn, thịt gia cầm và các sản phẩm chất lượng cao như táo, kẹo, socola... Trong khi đó, hàng dệt may, bánh kẹo, thực phẩm, nông sản… của Việt Nam cũng không còn xa lạ với người dân Ba Lan.

Về đầu tư, tính đến cuối tháng 12/2022, Ba Lan đứng thứ 35/1141 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với 29 dự án đầu tư còn hiệu lực, tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 422,97 triệu USD, chiếm 0,1% tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký tại Việt Nam. Quy mô dự án bình quân là 14,6 triệu USD/dự án.

Ở chiều ngược lại, Việt Nam cũng có bốn dự án cấp mới và ba dự án điều chỉnh vốn đầu tư tại Ba Lan với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 3,61 triệu USD, xếp thứ 49/79 quốc gia và vùng lãnh thổ có vốn đầu tư của Việt Nam. Các dự án của Việt Nam đầu tư sang Ba Lan thuộc lĩnh vực bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác và lĩnh vực xây dựng.

Bên cạnh đó, một lĩnh vực không thể không nhắc đến trong quan hệ Việt Nam - Ba Lan là giáo dục - đào tạo. Kể từ những năm 1960 đến đầu những năm 1990, Ba Lan đã đào tạo trên 4.000 sinh viên và cán bộ khoa học; trên 3.500 công nhân lành nghề, chủ yếu trong các ngành than, đóng tàu cho Việt Nam. Nhân chuyến thăm của Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda (tháng 11/2017), hai bên đã ký Thỏa thuận giáo dục mới, trong đó nhất trí tăng số lượng học bổng hằng năm lên 20 suất.

Cộng đồng người Việt Nam tại Ba Lan hiện có khoảng 25 nghìn người, đóng góp đáng kể vào việc phát triển quan hệ kinh tế - thương mại giữa hai nước và được chính quyền Ba Lan đánh giá tích cực. Một số Việt kiều tại Ba Lan đã quay về nước đầu tư tương đối thành công, nhất là trong lĩnh vực bất động sản và tài chính. Những năm gần đây, số lượng người Ba Lan tại Việt Nam tăng mạnh, tập trung ở TP. Hồ Chí Minh (khoảng hơn 100 người), chủ yếu là nhân viên các công ty đa quốc gia và một số người Ba Lan lấy vợ, chồng là người Việt đang sinh sống tại đây.

Hợp tác Việt Nam - Ba Lan trong những năm qua có nhiều thành tựu đáng tự hào song hai nước vẫn còn nhiều việc phải làm để đưa quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp đi vào chiều sâu và hiệu quả. Đặc biệt, hai nước cần tận dụng Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu - Việt Nam (EVFTA) để thúc đẩy hợp tác thương mại và đầu tư trong các lĩnh vực mà Ba Lan có lợi thế và Việt Nam có nhu cầu như nông nghiệp, dược phẩm và công nghệ số. Ngoài ra, hai nước cần tiếp tục duy trì những thỏa thuận, học bổng để tạo điều kiện cho các du học sinh, góp phần xây dựng những nhịp cầu kết nối giữa nhân dân hai nước.

Xuất phát từ mong muốn của cả hai bên, chuyến thăm của Bộ trưởng Ngoại giao Zbigniew Rau sẽ tạo tiền đề để hiện thực hóa khát vọng phát triển bền vững, toàn diện của hai nước và vun đắp cho tình hữu nghị Việt Nam - Ba Lan ngày càng thân tình, gắn bó. Đây cũng là bản lề để hai nước sẵn sàng chuẩn bị chào đón dịp kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 2025.

Tiểu sử Bộ trưởng Ngoại giao Ba Lan Zbigniew Rau. (Nguồn: TG&VN)

Trang Trần

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/viet-nam-ba-lan-doi-tac-truyen-thong-tin-cay-219989.html