'Việt-Lào hai nước chúng ta...'

Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dày công vun đắp tình hữu nghị đặc biệt hai nước Việt-Lào. Người đã từng khẳng định mối tình sâu nặng giữa hai quốc gia, dân tộc láng giềng, nói như dân gian 'Môi hở, răng lạnh' bằng câu thơ lục bát ấn tượng: 'ViệtLào hai nước chúng ta/Tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long'.

Cửa khẩu quốc tế La Lay -Ảnh: PXD

Riêng với mảnh đất Quảng Trị cũng từng in dấu tình nghĩa keo sơn của hai dân tộc Việt-Lào qua nhiều thế kỷ. Không nói đâu xa, nhà Nguyễn thấy biên cương Việt Nam- Ai Lao hòa hiếu lâu đời, không đáng tăng binh bị như nhiều nơi khác nên mặc dù biên ải nhưng chỉ lập một đồn nhỏ ở nơi phên dậu phía Tây giáp Lào gọi là Bảo Trấn Lao, gọi tắt là Lao Bảo, chính là Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo ngày nay.

Trong cuộc kháng Pháp và kháng Mỹ tình nghĩa ViệtLào được thể hiện rất đậm đà, sâu sắc, trong đó thông qua Quốc lộ 9 với quá nhiều dẫn chứng sinh động, kể lại cũng không bao giờ hết. Và mối tình này không chỉ lưu truyền trong dân gian hai nước mà còn đi vào văn học viết. Xin dẫn chứng vài nét từ văn học hiện đại của nước bạn Lào.

Truyện ký “Chiến đấu bảo vệ thành phố Thà-khẹc” của tác giả Xinh Ca Po Khôt-Chun-Na-Ma-Li đã tái hiện khá sinh động trận đánh bảo vệ người dân Thà-Khẹc và lãnh tụ Lào: hoàng thân Xu-pha-nu-vông trong kháng chiến chống Pháp, thể hiện tinh thần dũng cảm, hy sinh của những chiến sĩ cách mạng Lào trong những giờ phút nguy nan. Nó là còn là bản anh hùng ca của tình hữu nghị trong chiến đấu của hai dân tộc Lào-Việt trước kẻ thù chung.

Một đoạn miêu tả quang cảnh và không khí trước trận đánh : “Với tinh thần cảnh giác, người dân Thà-khẹc cũng khẩn trương chuẩn bị “đón” bọn kẻ cướp. Trên các đường phố, ngã ba, ngã tư, việc đào đường hào, đắp ụ súng được tiến hành khẩn trương. Từng tốp gái trai, vai mang cuốc xẻng rầm rập nối tiếp nhau đổ về các phố. Bên cạnh các chị em ta đầu trùm pha phe, còn có các cô gái Việt kiều, quần thâm, nón lá, sát cánh cùng nhân dân Lào trong cuộc đấu tranh bảo vệ độc lập, chủ quyền vừa giành được...”.

Sau một cuộc chiến đấu cam go và dù không cân sức, quân dân Thà-khẹc vẫn anh dũng vô song trước quân xâm lược dã man. Đoạn kết như những lời trong bản anh hùng ca trên đất nước chăm pa: “ Máu người Lào, người Việt đã nhuộm đỏ dòng Mè khoỏng. Mối hận thù quân xâm lược Pháp đời đời ghi sâu trong cốt tủy người dân Thàkhẹc. Ngày hai mốt tháng ba năm 1946, là ngày căm thù chung của cả hai dân tộc đối với bọn thực dân cướp nước, đồng thời cũng là ngày gắn chặt xương máu tình đoàn kết sống chết có nhau giữa hai dân tộc Lào-Việt”.

Nhà thơ Phu-Mi-Vông-Vi-Chít cũng là tác giả những vần thơ tình cảm chân thực ngợi ca tình hữu nghị giữa hai dân tộc có truyền thống ngàn xưa, đặc biệt được vun đắp ngày càng thắm thiết trong bài “Tình đoàn kết Lào-Việt”:

Lào-Việt hai nước chúng ta

Xưa nay gắn bó thiết tha nghĩa tình

Đất trời một dải đẹp xinh

Khi gian khổ, lúc quang vinh, ta cùng...

Cửu Long sông nước một dòng

Bắc Lào chảy xuống cánh đồng miền

Nam Sợi dây xiết chặt yêu thương

Mối tình đoàn kết dễ thường nhạt phai

Trường Sơn hùng vĩ chạy dài

Tường thành vững chắc của hai Việt-Lào...

Mới đây lên bản Ka Tăng nghe các bậc cao niên kể chuyện sang giúp bản kết nghĩa đối diện phía Lào là Densavanh cách trồng chuối đạt năng suất và chất lượng, biến nông sản này thành thương phẩm. Tình nghĩa quốc tế đôi khi câu chữ có vẻ to tát nhưng kỳ thực lại rõ ràng, cụ thể và dễ hiểu như chuyện trao đổi kinh nghiệm sản xuất hàng ngày với những cây trồng, vật nuôi quen thuộc.

Người dân hai bên biên giới Việt - Lào trao đổi kinh nghiệm trồng cây, tăng thu nhập -Ảnh: K.SƯƠNG

Bên cạnh Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo, ở Quảng Trị có thêm Cửa khẩu quốc tế La Lay, một vùng biên viễn phên dậu trọng yếu miền Tây của Tổ quốc Việt Nam vẫn đêm ngày bình yên giữa đại ngàn, ngày đêm thắm tình hữu nghị Việt -Lào.

Khi chúng tôi đến thăm già làng Kôn Thương, một bậc cao niên của núi rừng La Lay vẫn còn rất khỏe và minh mẫn. Ông đã kể nhiều chuyện về phong tục tập quán cần phải gìn giữ của miền sơn cước, từ những lễ hội quan trọng liên quan đến sản xuất nông nghiệp vùng cao như lễ hội lúa mới cho đến đám cưới, đám ma. Cao hứng ông đem một nhạc cụ cổ truyền ra đánh cho chúng tôi nghe. Những âm thanh văn hóa đại ngàn cứ ngân vang tưởng chừng như không dứt khiến sớm mai nơi rừng xanh núi đỏ càng thêm sinh động và thiêng liêng.

Nhưng không chỉ có thế bộ đội biên phòng La Lay còn trấn giữ nơi cửa khẩu quốc tế ngày đêm làm tròn nhiệm vụ nặng nề và cao cả mà Đảng và Nhân dân giao phó. Cửa khẩu quốc tế nhưng vẫn trong quá trình xây dựng và hoàn thiện nên điều kiện công tác vẫn còn rất nhiều khó khăn, thiếu thốn. Sẽ có một cửa khẩu khang trang và tiến dần đến hiện đại hơn nhưng đó là chuyện của thì tương lai đang được chờ đợi và đã mở ra trước mắt.

Còn bây giờ, dù điều kiện có thế nào đi nữa thì bộ đội biên phòng và và các lực lượng hữu quan chung tay luôn giữ vững chủ quyền quốc gia, an ninh biên giới, trong đó có vấn đề thời sự là phòng, chống COVID-19 đã và đang đe dọa cuộc sống của loài người người. Mỗi người tùy theo cương vị và nhiệm vụ được giao mà hết lòng hết sức hoàn thành công việc với hiệu quả và chất lượng cao nhất.

Đại úy Nguyễn Thanh Minh, Trạm trưởng trạm Cửa khẩu quốc tế La Lay khẳng định: “Dù COVID-19 đã qua cao điểm nhưng nhiệm vụ của anh em bộ đội chúng tôi là không thể lơ là, 24/24 tiếng đồng hồ mỗi ngày. Đáng mừng là cho đến nay không có một trường hợp nào nhập cảnh trái phép từ nước bạn Lào vào nước ta”.

Mối quan hệ bền chặt, thâm tình bản kết nghĩa với bản giữa hai nước Việt-Lào nảy mầm từ biên cương Quảng Trị, là sáng kiến của bộ đội biên phòng Quảng Trị đã dần nhân rộng ra cả nước và ngày càng đơm hoa kết trái. Cũng như trong bối cảnh hội nhập và mở cửa trên Hành lang kinh tế Đông-Tây lấy trục đường xuyên Á làm huyết mạch thì vận hội mới đang mở ra với hai dân tộc Việt-Lào, nhiều cơ hội đầu tư và làm ăn kinh tế, trong đó có giao thông vận tải và kinh tế du lịch, nhìn dọc biên giới miền Tây với nhiều triển vọng, trong đó có vùng quê Quảng Trị.

Phạm Xuân Dũng

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=71&modid=415&itemid=170019&title=%E2%80%9Cvietlao-hai-nuoc-chung-ta%E2%80%9D