Viết để tri ân những người mình mang ơn

Khó quên là buổi giao lưu, giới thiệu sách của tác giả Nuage Rose, tên Việt là Hồng Vân, với sự điều phối của Tiến sĩ văn chương Trần Thị Thu Ba cùng với sự tham gia của các khách mời, giảng viên và tập thể sinh viên Khoa Sư phạm Ngữ văn ĐHSP Huế ngay trong tháng 10 vừa qua.

 Tác giả Nuage Rose tại buổi giao lưu ở Trường ĐHSP Huế

Tác giả Nuage Rose tại buổi giao lưu ở Trường ĐHSP Huế

Tôi có mặt tại buổi giao lưu bởi khát vọng được gặp gỡ tác giả Nuage Rose, một tác giả người Pháp gốc Việt mà mình ngưỡng mộ và muốn có cơ hội khám phá để hiểu một cách sâu sắc hơn “Ba áng mây trôi dạt xứ bèo”, tác phẩm đã được Hội Nhà văn Pháp trao giải “Tác phẩm được yêu thích nhất” năm 2013. Trong khoảng hai tiếng đồng hồ diễn ra sự kiện, chị Nuage Rose đã có những chia sẻ rất chân thật về quá trình thực hiện hai cuốn sách “Ba áng mây trôi dạt xứ bèo”, “120 ngày mây thì thầm với gió” cũng như những ký ức khó quên về chiến tranh thuở nhỏ, tình yêu của chị đối với quê nhà Việt Nam và quê hương thứ hai: Pháp.

Nuage Rose sinh năm 1960 tại Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp đại học, chị sang Aix-en-Provence để hoàn thành chương trình Thạc sĩ Văn học cổ điển Pháp và Kỹ sư Công nghệ thông tin, rồi định cư tại Paris (Pháp) cho đến năm 1990. Mặc dù sinh sống và làm việc 40 năm ở nước Pháp, nhưng những ai gặp chị đều thấy chị vẫn rất “Việt”. Điều đó đã được chị thể hiện qua những tác phẩm văn học, được viết bằng tiếng Việt của mình. Hồng Vân có cơ hội trở lại quê nhà khi được bổ nhiệm làm Tùy viên Kinh tế thương mại cho Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam. Từ năm 2000, tác giả Nuage Rose sinh sống tại Paris, còn hai người con của chị từ đầu những năm 2010 chọn Việt Nam làm chốn dừng chân.

Đây không phải là buổi ra mắt hai cuốn sách kể trên, “Ba áng mây trôi dạt xứ bèo” đã xuất bản lần đầu tiên ở Pháp năm 2013 và được Quỳnh Lê dịch sang tiếng Việt, NXB Trẻ ấn hành tại Việt Nam năm 2017; còn “120 ngày Mây thì thầm với gió” đã được ra mắt năm 2021. Hai tác phẩm viết về 2 giai đoạn đặc biệt trong cuộc đời Hồng Vân và cũng là hai sự kiện nổi bật trong lịch sử nhân loại: chiến tranh chống Mỹ tại Việt Nam và đại dịch COVID-19. “Ba áng mây trôi dạt xứ bèo” đã được đưa vào chương trình giảng dạy ở một số trường quốc tế Pháp tại Việt Nam. Còn để hỗ trợ những trẻ em bị ảnh hưởng do đại dịch COVID-19, Nuage Rose đã trích toàn bộ nhuận bút cuốn “120 ngày Mây thì thầm với gió” dành tặng các em.

Trong cuốn tiểu thuyết với thiên hướng tự truyện “Ba áng mây trôi dạt xứ bèo”, Nuage Rose đã hồi tưởng lại những tháng ngày rời Hà Nội theo gia đình di tản, có đói khát, có sợ hãi nhưng ấm áp tình người. Văn phong nhẹ nhàng, trong trẻo, giàu chất nhạc, kể về cuộc đời cô bé Mây Hồng ngây thơ giữa mưa bom bão đạn. Cuốn sách thứ hai, “120 ngày Mây thì thầm với gió” là 120 ngày sống giữa “cuộc chiến không khói súng” chống COVID-19. Ở hai quốc gia Âu - Á, những câu chuyện có phần “căng thẳng” được tác giả xử lý điêu luyện với giọng văn truyền cảm, xen kẽ những đoạn thơ thị giác (visual poem).

Trước ngày diễn ra sự kiện giao lưu với độc giả Huế, Nuage Rose không may gặp tai nạn và phải bước lên sân khấu trên đôi nạng sắt. Thế nhưng, Nuage Rose vẫn đầy nhiệt huyết, chị đứng “vững chãi” trên bục chụp ảnh cùng mọi người cũng như tận tâm trả lời các câu hỏi của độc giả. Nuage Rose chia sẻ, chị không tự coi mình là nhà văn và cũng không có ý định đi theo con đường viết lách chuyên nghiệp, chị viết là để xoa dịu những nỗi đau âm ỉ trong sâu thẳm tâm hồn, thỏa mãn đam mê, là để tri ân những con người từng có ơn với mình.

Trải qua những năm tháng khó khăn và thiếu thốn, Nuage Rose luôn ý thức giáo dục con biết trân trọng những gì đang có, phải nhớ đến nguồn cội, quý trọng thức ăn và những tiện nghi của xã hội hiện đại. Về văn hóa đọc tại Pháp, có một việc làm rất hay mà Nuage Rose muốn được lan tỏa đến Việt Nam. Đó là, mỗi người sau khi đọc xong một cuốn sách hãy để lại ở nơi công cộng, người tiếp theo sẽ đến lấy và đọc, hoàn toàn miễn phí. Và cuối cùng, có một điều mà Nuage Rose luôn trăn trở, chị khao khát được xem một cuốn phim tài liệu về chiến tranh Việt Nam, do chính người Việt Nam thực hiện.

Bài, ảnh: Thục Đan

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/doi-song/viet-de-tri-an-nhung-nguoi-minh-mang-on-134624.html