Viện trợ nhiều cho Ukraine, Lầu Năm Góc lo cạn vũ khí

Cuộc xung đột ở Ukraine khiến một số đạn dược trong kho vũ khí Mỹ cạn kiệt, làm dấy lên lo ngại tại Washington rằng năng lực sẵn sàng chiến đấu của quân đội Mỹ có thể bị đe dọa.

Trong 6 tháng qua, Mỹ đã cung cấp cho Ukraine 16 bệ phóng tên lửa HIMARS, cùng hàng nghìn khẩu súng, máy bay không người lái, tên lửa và các thiết bị khác. Phần lớn trong số đó, bao gồm cả đạn dược, trực tiếp đến từ hàng trong kho của Mỹ.

Trong bối cảnh cuộc xung đột kéo dài, điều này đã làm cạn kiệt các kho dự trữ dành cho những mối đe dọa bất ngờ, các quan chức quốc phòng Mỹ cho biết.

Một trong những vũ khí sát thương nhất mà Lầu Năm Góc gửi đến Ukraine là đạn pháo 155 mm, có thể bắn chính xác các mục tiêu cách xa hàng chục km. Tính đến ngày 24/8, quân đội Mỹ cho biết họ đã cung cấp cho Ukraine tới 806.000 viên đạn 155 mm.

Thế nhưng, trong những tuần gần đây, lượng đạn pháo 155 mm trong kho quân sự của Mỹ đã trở nên “thấp một cách khó chịu”, một quan chức quốc phòng cho biết.

Vào tuần trước, Mỹ đã dùng lựu pháo để tấn công các nhóm do Iran hậu thuẫn ở Syria. Và việc cạn kiệt đạn 155 mm ngày càng gây lo ngại khi quân đội nước này đang lên kế hoạch để sẵn sàng cho bất cứ kịch bản khác.

Trong khi đó, Nga đã nhiều lần cảnh báo phương Tây về việc cung cấp vũ khí cho Ukraine, cho rằng hành động này sẽ chỉ kéo dài cuộc xung đột mà không làm thay đổi kết quả.

Đầu tháng 8, Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov đã cáo buộc Washington "đổ thêm dầu vào lửa” sau khi Nhà Trắng thông báo sẽ gửi gói hỗ trợ quân sự mới trị giá 1 tỷ USD cho chính quyền Kyiv, theo TASS.

Đại sứ Antonov nhấn mạnh việc Mỹ phân bổ thêm viện trợ quân sự cho Ukraine chứng tỏ "Washington không có ý định lắng nghe và không định tham gia vào nỗ lực tìm kiếm giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột”.

Moscow cũng tuyên bố sẽ coi lô vũ khí phương Tây viện trợ là mục tiêu tấn công hợp pháp của quân đội, đồng thời cảnh báo nguy cơ những khí tài này có thể bị tuồn ra "chợ đen", hoặc lọt vào tay các nhóm tội phạm, gây tổn hại tới an ninh thế giới.

Hôm 13/8, Bộ Quốc phòng Nga cho biết quân đội nước này đã phá hủy một hệ thống HIMARS cùng kho chứa đạn dược cho loại tên lửa này của quân đội Ukraine gần thành phố Kramatorsk, TASS đưa tin.

 Mỹ đã viện trợ cho Ukraine hàng nghìn khẩu súng, máy bay không người lái, tên lửa và các thiết bị khác. Ảnh: AFP.

Mỹ đã viện trợ cho Ukraine hàng nghìn khẩu súng, máy bay không người lái, tên lửa và các thiết bị khác. Ảnh: AFP.

Lo ngại gia tăng

Lục quân Mỹ cho biết họ đang “ngụp lặn trong các cơ sở công nghiệp đạn dược" để xác định cách hỗ trợ vũ khí cho Ukraine trong khi bảo vệ "nhu cầu cung cấp của chính bản thân”.

Họ cũng đã yêu cầu Điện Capitol cung cấp thêm 500 triệu USD/ năm nhằm nâng cấp các nhà máy đạn dược.

Trong khi đó, các quan chức Lục quân Mỹ nói thêm quân đội đang dựa vào hợp đồng hiện có để tăng sản xuất đạn dược, nhưng họ chưa ký hợp đồng mới để đẩy nhanh việc bổ sung thêm số lượng mà họ cần lấp đầy kho dự trữ của mình.

Cũng theo các quan chức quân đội Mỹ, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mark Milley đã tiến hành đánh giá hàng tháng kho vũ khí để xác định xem liệu nhu cầu về đạn dược ở Ukraine có ảnh hưởng đến khả năng sẵn sàng của lực lượng Mỹ hay không.

Tuần trước, Mỹ đã cung cấp cho Ukraine một loại đạn lựu pháo cỡ khác, 105 mm. Các nhà chức trách nhận định điều này phản ánh mối lo ngại về kho đạn 155 mm đang cạn kiệt của nước này.

“(Việc kho vũ khí cạn kiệt) đã được thấy và báo trước, bao gồm từ các nhà lãnh đạo ngành công nghiệp đến Lầu Năm Góc. Và nó có thể bổ sung được”, Mackenzie Eaglen, thành viên cấp cao tại American Enterprise Institute, một tổ chức tư vấn ở Washington, cho biết.

Bà nói điều cần thiết là chính phủ phải chi tiền để khắc phục vấn đề này.

 Quân đội Ukraine bên cạnh một khẩu lựu pháo do Mỹ sản xuất ở khu vực Kharkiv vào mùa hè này. Ảnh: Shutterstock.

Quân đội Ukraine bên cạnh một khẩu lựu pháo do Mỹ sản xuất ở khu vực Kharkiv vào mùa hè này. Ảnh: Shutterstock.

Tuy nhiên, theo một số nguồn tin, việc thiếu hụt đạn dược đang diễn ra không phải vì thiếu tiền mà đến từ nhiều yếu tố khác.

Tuần này, Mỹ thông báo dành gần 3 tỷ USD cho khoản viện trợ dài hạn giúp Ukraine, nâng tổng số tiền chi cho vũ khí của nước này lên 14 tỷ USD, và yêu cầu ngân sách của Lầu Năm Góc trong năm tới là 773 tỷ USD.

Nguyên nhân

Quá trình mua vũ khí của Lầu Năm Góc thường bắt đầu với việc quân đội xác định các nhu cầu, sau đó chúng sẽ được xem xét và mời thầu từ khu vực tư nhân.

Nhưng kể từ khi cuộc xung đột Ukraine - Nga nổ ra vào tháng 2, các quan chức trong ngành đã phàn nàn rằng Lầu Năm Góc không phải lúc nào cũng thông báo kịp thời những nhu cầu của mình. Những yêu cầu này thường xuyên thay đổi, tạo ra sự chậm trễ và khiến các nhà thầu quốc phòng không thể chuẩn bị cho việc sản xuất thêm.

Các dây chuyền sản xuất nằm im trong thời gian dài không thể hoạt động chỉ trong một đêm, và việc tăng lượng sản xuất đột biến tại những dây chuyền đang hoạt động cũng có thể mất nhiều thời gian.

Các công ty đã sản xuất đạn 155 mm, nhưng vẫn chưa đủ khả năng mà Lầu Năm Góc sẽ cần để bổ sung kho dự trữ của mình.

Theo một quan chức trong ngành, tại Mỹ, phải mất 13-18 tháng kể từ khi đặt hàng để sản xuất bom, đạn. Việc bổ sung các kho dự trữ vũ khí phức tạp hơn như tên lửa và máy bay không người lái có thể mất thêm nhiều thời gian.

Việc trì hoãn này là một vấn đề bởi tình trạng thiếu đạn dược có thể sớm xuất hiện trước tốc độ tiêu hao nhanh chóng trong một cuộc xung đột.

 Binh sĩ Ukraine đang dỡ các lô vũ khí do Mỹ cung cấp hồi tháng 2. Ảnh: Reuters.

Binh sĩ Ukraine đang dỡ các lô vũ khí do Mỹ cung cấp hồi tháng 2. Ảnh: Reuters.

Bên cạnh đó, một số quan chức quốc phòng và Quốc hội Mỹ cho rằng sự thiếu hụt còn xuất phát từ những yếu tố khác.

Một trong số đó là bộ máy hành chính của Lầu Năm Góc đã chậm chạp trong việc ký các hợp đồng mới để bổ sung lượng hàng dự trữ.

Họ cũng cho rằng một phần của vấn đề là do sự thiếu phối hợp trong Lầu Năm Góc giữa bộ phận cung cấp vũ khí viện trợ cho Ukraine và bộ phận chịu trách nhiệm mua thiết bị.

“Quá trình ký hợp đồng diễn ra chậm hơn nhiều so với sự sụt giảm, và chúng ta không thể làm được gì nhiều trước điều đó”, một thành viên Quốc hội cho biết.

Phát biểu trong cuộc họp báo ngày 19/7, Jim Taiclet, giám đốc điều hành của Lockheed Martin, cho biết Lầu Năm Góc vẫn chưa thực hiện các hợp đồng hay phối hợp với ngành công nghiệp quốc phòng để mua thêm vũ khí - một quá trình thường kéo dài từ 2-3 năm.

Vì vậy, Bộ Quốc phòng sẽ cần phải “sang số”, thay đổi ngay lập tức tình trạng này nếu muốn ngành công nghiệp quốc phòng chuẩn bị được nhiều đơn đặt hàng hơn, ông nói thêm.

Su-35S và Su-30SM Nga phóng tên lửa vào mục tiêu của Ukraine Bộ Quốc phòng Nga hôm 22/7 tung video cho thấy các máy bay Su-35S và Su-30SM của nước này phóng tên lửa vào máy bay, trạm radar và hệ thống phòng không Ukraine.

Minh An

Theo Wall Street Journal

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/vien-tro-nhieu-cho-ukraine-lau-nam-goc-lo-can-vu-khi-post1350594.html