Viện trợ đến 'ồ ạt' trong lúc cần tăng tốc, Ukraine 'cầu được ước thấy'?

Trong khi đang cần hàng trăm xe bọc thép cùng hàng chục máy bay chiến đấu F-16, Ukraine liên tục nhận được 'tin vui' từ các nhà tài trợ.

Ukraine đang mong muốn 'nạp' thêm máy bay F-16 vào kho vũ khí nhằm sớm đẩy lùi lực lượng Nga. (Nguồn: Defense)

Ukraine đang mong muốn 'nạp' thêm máy bay F-16 vào kho vũ khí nhằm sớm đẩy lùi lực lượng Nga. (Nguồn: Defense)

*Ukraine cần bổ sung thêm nhiều vũ khí: Ngày 19/7, Cố vấn của Tổng thống Ukraine, ông Mykhailo Podolyak khẳng định, quân đội nước này cần thêm 200-300 xe tăng, 60-80 máy bay F-16 “để kiểm soát bầu trời”, với hy vọng có thể đẩy lùi lực lượng Nga khỏi các vị trí cố thủ ở miền Nam và miền Đông nước này.

Ông Podolyak lưu ý: “Đàm phán đang diễn ra ở tất cả các cấp. Cần sự ủy nhiệm của Liên hợp quốc để có một cuộc tuần tra quân sự với sự tham gia của các quốc gia có liên hệ với khu vực, ví dụ như Thổ Nhĩ Kỳ, Bulgaria hoặc bất kỳ quốc gia nào khác”.

*Mỹ công bố viện trợ quân sự bổ sung 1,3 tỷ USD: Ngày 19/7, Mỹ công bố viện trợ an ninh bổ sung trị giá khoảng 1,3 tỷ USD cho Ukraine. Gói này bao gồm vũ khí phòng không, máy bay không người lái (UAV) và đạn dược.

Lầu Năm Góc nêu trong một bản tuyên bố: “Thông báo này thể hiện sự khởi đầu của quá trình ký kết hợp đồng nhằm cung cấp thêm các vũ khí ưu tiên cho Ukraine”.

Gói viện trợ bao gồm bốn Hệ thống tên lửa đất đối không tiên tiến Na Uy (NASAMS) cùng đạn dược; đạn pháo cỡ nòng 152 mm; thiết bị rà phá bom mìn; và các UAV Phoenix Ghost do AVEVEX, một công ty tư nhân ở California, chế tạo cùng các UAV Switchblade do AeroVironment chế tạo. Việc cung cấp những vũ khí và hệ thống này phụ thuộc vào tình trạng sẵn có và thời gian sản xuất.

Mỹ đang sử dụng nguồn tài chính trong chương trình Sáng kiến Hỗ trợ An ninh Ukraine (USAI), cho phép chính quyền Tổng thống Joe Biden mua vũ khí từ ngành công nghiệp quốc phòng thay vì lấy từ kho vũ khí của Mỹ.

Bộ Quốc phòng Mỹ đã công bố gói viện trợ nói trên một ngày sau cuộc họp trực tuyến của Nhóm Liên lạc Quốc phòng Ukraine - bao gồm các đồng minh hỗ trợ Ukraine - trong bối cảnh quân đội Ukraine đang tiến hành cuộc phản công chống Nga.

Trong tài khóa 2023, trên cơ sở chương trình USAI, Lầu Năm Góc đã hỗ trợ an ninh cho Ukraine hơn 10,8 tỷ USD, thông qua 7 gói riêng biệt. Gói mới công bố sẽ là gói thứ 8. Trong năm tài chính kết thúc vào ngày 30/9/2022, Washington đã chi 6,3 tỷ USD để mua sắm vũ khí cho Ukraine.

*Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ cam kết gói viện trợ 230 triệu USD: Giám đốc Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) Samantha Power hôm 19/7 đã công bố gói viện trợ mới trị giá 230 triệu USD để giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Ukraine, cũng như giúp thúc đẩy nền kinh tế nước này.

Phát biểu tại Quảng trường Mykhailivska ở thủ đô Kiev, bà Samantha Power khẳng định, gói hỗ trợ mới bao gồm cả hỗ trợ kỹ thuật, giúp các doanh nghiệp Ukraine đang tìm cách thúc đẩy tăng trưởng và mở rộng hoạt động.

Bà Samantha Power cho biết: “USAID sẽ phối hợp với Quốc hội Mỹ để đầu tư 230 triệu USD vào các nguồn tài nguyên mới cho doanh nghiệp Ukraine. Cam kết mới này nằm trong số nhiều cam kết mà Mỹ đã đưa ra với người dân Ukraine thời gian qua”.

Trước đó, khi tới thăm thành phố cảng Odessa, bà Power đã thông báo viện trợ 250 triệu USD cho ngành nông nghiệp của Ukraine. Bên cạnh đó, quan chức cấp cao của USAID cũng cho biết về một khoản tiền trị giá 500 triệu USD nhằm hỗ trợ nhân đạo cho Ukraine.

*Tổng thống Ukraine ca ngợi sự hỗ trợ “kiên định” của Mỹ: Ngày 19/7, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã hoan nghênh và ca ngợi đóng góp lớn của Mỹ đối với Ukraine, sau khi Washington công bố gói viện trợ quân sự mới trị giá 1,3 tỷ USD cho Kiev.

Chia sẻ trên trang Twitter, ông Zelensky nhấn mạnh, gói viện trợ này “sẽ giúp cứu sống người Ukraine", "chúng tôi đánh giá cao sự ủng hộ kiên định của người Mỹ”.

(theo AFP/Reuters)

Hạnh Lê

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/vien-tro-den-o-at-trong-luc-can-tang-toc-ukraine-cau-duoc-uoc-thay-235254.html