Viện Kiểm sát Nhân dân 2 cấp: Đa dạng, linh hoạt tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật

Với chức năng là cơ quan thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp, Viện Kiểm sát Nhân dân (KSND) hai cấp của tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; qua đó, góp phần giúp người dân hiểu biết và nâng cao ý thức chấp hành các quy định của pháp luật.

Học sinh được tham gia phản biện tại buổi tuyên truyền và mạng xã hội

Tuyên truyền vấn đề dư luận quan tâm

Viện KSND huyện Quảng Điền vừa phối hợp tổ chức chương trình Tuyên truyền pháp luật với nội dung “Mạng xã hội (MXH): Lợi hay hại?”. Buổi tuyên truyền được sự hưởng ứng đông đảo của gần 500 học sinh và giáo viên của Trường THCS Nguyễn Đình Anh.

Viện trưởng Viện KSND huyện Quảng Điền Hoàng Phương Thảo chia sẻ: Tại sân trường, các em đã được nghe báo cáo viên Viện KSND huyện trao đổi, chia sẻ, tuyên tuyền về các nội dung liên quan đến MXH bao gồm khái niệm, sự phát triển của MXH hiện nay, các lợi ích và tác hại mà MXH mang đến. Đáng chú ý là việc nhấn mạnh đến cách nhận diện các thủ đoạn lừa đảo thông qua MXH hiện nay, từ đó hướng cho các em học sinh tới các nhận thức đúng đắn, cách tham gia và sử dụng MXH một cách thông minh.

Em Nguyễn Thị Thu Thủy, học sinh lớp 8 chia sẻ, thông qua chương trình, mỗi bạn học sinh chúng em sẽ hiểu biết hơn về việc sử dụng MXH một cách có ích. Qua đó, mỗi một chúng em tích cực trở thành một tuyên truyền viên, vận động người thân trong gia đình, bạn bè, những người xung quanh cùng tham gia giáo dục, bảo vệ trẻ em, trẻ vị thành niên sử sụng MXH một cách an toàn, lành mạnh.

Tại huyện miền núi A Lưới, việc tổ chức phiên tòa giả định nhằm góp phần thực hiện Đề án “Chuyển hóa tình hình ma túy tại địa bàn huyện A Lưới và tăng cường công tác phòng, chống ma túy xâm nhập tuyến biên giới Việt - Lào trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế”. Theo đó, Viện KSND huyện A Lưới phối hợp với Trường THCS - THPT Trường Sơn tổ chức phiên tòa giả định đối với chủ đề “Tuyên truyền pháp luật về phòng, chống tội phạm ma túy”.

Nội dung phiên tòa giả định được xây dựng trên một vụ án, liên quan đến tệ nạn ma túy trong lứa tuổi học sinh. Theo đó, tình huống được giả định là vụ án Hồ Văn M. phạm tội “Tàng trữ trái phép chất ma túy”. Bằng hình thức trực quan, sinh động, ngoài việc tạo điều kiện cho các em học sinh được tham dự một phiên tòa được dàn dựng như thật ngay chính trường học của mình.

Qua đó, giúp các em học sinh nâng cao nhận thức, hiểu biết để phòng, tránh với các loại ma túy. Học sinh nhà trường còn được giao lưu dưới dạng trả lời những câu hỏi trắc nghiệm về kiến thức pháp luật và nội dung phiên tòa giả định vừa xem, giúp các em hiểu rõ hơn các quy định của pháp luật đồng thời nâng cao ý thức về phòng chống tác hại của ma túy trong học đường và trong cộng đồng.

Tiếp tục đổi mới phương pháp tuyên truyền

Bí thư Đoàn Viện KSND tỉnh Cái Vĩnh Tuấn Anh cho biết: Cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật đến mọi tầng lớp nhân dân, phiên tòa giả định, phiên tòa lưu động là hoạt động sáng tạo, có nhiều ý nghĩa trong việc đổi mới phương pháp tuyên truyền pháp luật ở địa phương, góp phần cùng các cấp, các ngành làm tốt công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật trong nhà trường trên địa bàn tỉnh. Phiên tòa giả định cũng nhằm đổi mới, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền pháp luật; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước cho đoàn viên, thanh niên, từ đó góp phần xây dựng môi trường học đường văn hóa, an toàn, lành mạnh.

Phó Viện trưởng Viện KSND tỉnh Trần Nhơn Vượng thông tin: Những năm qua, gắn với thực hiện tốt công tác chuyên môn, Viện KSND hai cấp trong tỉnh xây dựng kế hoạch, phân công cán bộ, công chức trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao thực hiện tuyên truyền, phổ biến pháp luật với nhiều hình thức đa dạng, phù hợp với từng nhóm đối tượng. Ngành Kiểm sát cử cán bộ, kiểm sát viên tích cực viết tin, bài tuyên truyền trên trang thông tin điện tử, coi đây là một chỉ tiêu quan trọng để xét thi đua. Chú trọng tuyên truyền thông qua hoạt động của ngành, nhất là công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử các vụ án hình sự. Phối hợp với cơ quan điều tra, tòa án lựa chọn, xác định những vụ án hình sự có tính chất nghiêm trọng, dư luận xã hội quan tâm để giải quyết theo thủ tục án hình sự trọng điểm.

Đồng thời, thường xuyên phối hợp tuyên truyền pháp luật về cơ sở, nhất là các luật liên quan thiết thực đến đời sống nhân dân, như: Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Đất đai, Luật Giao thông đường bộ, Luật Phòng chống ma túy và các tệ nạn xã hội... Thông qua hoạt động kiểm sát tại nhà tạm giữ, Viện KSND hai cấp phối hợp cùng lực lượng Công an tuyên truyền cho người đang bị tạm giữ, tạm giam, người bị phạt tù được hưởng án treo và cải tạo không giam giữ. Với công tác trực tiếp xác minh điều kiện thi hành án dân sự đối với người phải thi hành án, kiểm sát viên lồng ghép phổ biến pháp luật về thi hành án dân sự; vận động người phải thi hành án thực hiện các nghĩa vụ của mình khi có khả năng, điều kiện.

Ngành Kiểm sát toàn tỉnh tiếp tục phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh đa dạng hóa nội dung, nâng cao hiệu quả tuyên truyền, phổ biến pháp luật, xây dựng thêm nhiều chuyên đề sát với thực tiễn pháp luật tại địa phương để tiến hành phổ biến tới người dân, qua đó giúp người dân hiểu và tự giác chấp hành, góp phần đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn.

Bài, ảnh: THÁI BÌNH

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/chinh-tri-xa-hoi/vien-kiem-sat-nhan-dan-2-cap-da-dang-linh-hoat-tuyen-truyen-pho-bien-giao-duc-phap-luat-139757.html