Viện KH Lâm Nghiệp VN: Nên nộp lại số tiền thu sai từ cho thuê kiot

"Theo khoản 1 và khoản 3 Điều 12 Nghị định 1192013NĐ-CP nếu gần 20 năm qua Viện KH Lâm Nghiệp VN lợi dụng đất công để kinh doanh sai mục đích thì phải nộp lại số lợi bất hợp pháp và phải nộp phạt theo mức độ vi phạm" luật sư Hồng Thái cho biết.

Viện lâm nghiệp phải có trách nhiệm nộp lại số lợi bất hợp pháp từ việc kinh doanh

Theo thông tin loạt bài đã đăng tải trên báo điện tử Phapluatnet.vn với nội dung phản ánh việc Viện KH Lâm Nghiệp VN cho nhiều kiot kinh doanh trên diện tích đất công suốt nhiều năm qua.

Vậy, để làm rõ trách nhiệm và hướng xử lý về những sai phạm này, luật sư Nguyễn Hồng Thái, giám đốc công ty Luật Quốc Tế Hồng Thái và đồng nghiệp cho biết: Viện khoa học Lâm nghiệp Việt Nam (Sau đây gọi là Viện lâm nghiệp) đã được nhà nước giao quản lý và sử dụng đất.

Tuy nhiên Viện lâm nghiệp lại cho các cá nhân, tổ chức thuê lại để kinh doanh cửa hàng, quán ăn. Nhận định việc cho thuê này là đúng hay sai, cần phải kiểm tra lại Viện Lâm nghiệp có phải là đơn vị công lập tự chủ tài chính hay không”?

Viện KH Lâm Nghiệp VN - "đội lốt" nhà ăn công đoàn quán nhậu hoạt động rầm rộ.

Thứ nhất, trường hợp Viện lâm nghiệp là đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ tài chính.

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 40 Nghị định 52/2009/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của luật quản lý sử dụng tài sản nhà nước thì: “Đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ tài chính được Nhà nước xác định giá trị quyền sử dụng đất để giao cho đơn vị quản lý theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 38 Nghị định này được sử dụng tài sản đã đầu tư trên đất để sản xuất, kinh doanh dịch vụ, liên kết, cho thuê theo quy định tại các Điều 42, 43 và 44 Nghị định này.

Như vậy, trường hợp Viện lâm nghiệp là đơn vị tự chủ tài chính được nhà nước giao đất quản lý, sử dụng thì có quyền được liên kết, cho thuê nhưng phải đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật.

Cụ thể, theo quy định tại Khoản 1 Điều 44 Nghị định 52/2009/NĐ-CP, đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ tài chính được sử dụng tài sản nhà nước để liên doanh, liên kết với tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước trong các trường hợp sau đây: Tài sản chưa sử dụng hết công suất. Tài sản được đầu tư xây dựng để phục vụ hoạt động liên doanh, liên kết theo dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Việc sử dụng tài sản nhà nước để liên doanh, liên kết đem lại hiệu quả cao hơn trong việc cung cấp dịch vụ công theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

Đồng thời, đơn vị phải không thuộc các trường hợp được quy định tại khoản 1 điều 16 thông tư 23/2016/TT-BTC: Đơn vị sự nghiệp công lập thuộc đối tượng được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất theo quy định tại Điều 54 Luật Đất đai năm 2013.

Đơn vị sự nghiệp công lập thuộc đối tượng được Nhà nước cho thuê đất theo quy định tại Điều 56 Luật Đất đai năm 2013 trả tiền thuê đất một lần mà tiền thuê đất đã nộp có nguồn gốc ngân sách nhà nước. Đơn vị sự nghiệp công lập thuộc đối tượng được Nhà nước cho thuê đất theo quy định tại Điều 56 Luật Đất đai năm 2013 trả tiền thuê đất hàng năm.

Luật Sư Nguyễn Hồng Thái, Giám đốc công ty luật Quốc tế Hồng Thái và người bạn trả lời PV.

Bên cạnh đó, khi sử dụng đất được giao quản lý để cho thuê, liên doanh, liên kết thì cần phải báo cáo với cơ quan quản lý cấp trên xem xét. Sau khi có cơ sở chấp thuận của cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp và sở tài chính/bộ tài chính theo quy định tại Điều 15 Thông tư 23/2016/TT-BTC thì mới được tiến hành hoạt động cho thuê, liên kết, kinh doanh tài sản này.

Để xem xét Viện hàn lâm cho thuê các kiot như hiện tại cần phải kiểm tra Viện hàn lâm có thuộc các trường hợp được cho thuê tài sản hay không và đã thực hiện các trình tự như quy định hay không”, luật sư Thái phân tích.

Trong trường hợp Viện lâm nghiệp là đơn vị sự nghiệp công lập chưa tự chủ tài chính. Việc quản lý và sử dụng tài sản nhà nước của đơn vị sự nghiệp công lập chưa tự chủ tài chính được quy định tại Chương III luật quản lý và sử dụng tài sản nhà nước và chương II nghị định 52/2016/NĐ-CP.

Bên cạnh đó, đối với đơn vị sự nghiệp công lập do Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên được Nhà nước xác định giá trị tài sản nhà nước để giao cho đơn vị quản lý theo cơ chế giao vốn cho doanh nghiệp, việc quản lý, sử dụng tài sản nhà nước được thực hiện theo cơ chế áp dụng đối với đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ tài chính (Điều 20 Thông tư 23/2016/TT-BTC).

Như vậy trường hợp Viện lâm nghiệp là tổ chức sự nghiệp công lập chưa tự chủ tài chính, được nhà nước xác định giá trị tài sản nhà nước để giao cho đơn vị quản lý theo cơ chế giao vốn cho doanh nghiệp thì được phép cho thuê quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền trên đất như đối với trường hợp đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ tài chính. Nếu không, Viện lâm nghiệp sẽ không được phép cho thuê, liên kết kinh doanh bằng các tài sản được nhà nước giao quản lý luật sư Thái kết luận.

Trả lời về vấn đề xử lý sai phạm đối với Viện KH Lâm Nghiệp VN nếu đơn vị này sử dụng sai mục đích tài sản công, luật sư Thái nhận định: "Theo quy định tại Điều 12 Nghị định 119/2013/NĐ-CP thì phạt tiền đối với tổ chức có hành vi sử dụng tài sản nhà nước vào mục đích sản xuất, kinh doanh dịch vụ, cho thuê, liên doanh, liên kết khi chưa có quyết định của cấp có thẩm quyền theo các mức phạt sau".

Từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng trong trường hợp sử dụng tài sản có giá trị dưới 100.000.000 đồng; Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng trong trường hợp sử dụng tài sản là xe ô tô; tài sản có giá trị từ 100.000.000 đồng trở lên; Từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng trong trường hợp sử dụng tài sản là trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp.

Trong điều khoản luật pháp cũng nêu rõ biện pháp khắc phục hậu quả. Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của tài sản đã bị thay đổi do hành vi quy định tại Khoản 1 Điều này gây ra.

Trường hợp không khôi phục lại được tình trạng ban đầu của tài sản thì phải trả lại bằng tiền hoặc tài sản có công năng sử dụng tương đương với tài sản ban đầu.

Buộc phải nộp lại số lợi bất hợp pháp thu được do thực hiện hành vi quy định tại Khoản 1 và Khoản 3 Điều này”.

Từ những điều khoản quy định trên, luật sư khẳng định: Như vậy Viện lâm nghiệp phải có trách nhiệm nộp lại số lợi bất hợp pháp từ việc kinh doanh, liên kết, cho thuê đất thuộc quyền quản lý, sử dụng bất hợp pháp, và phải nộp phạt theo mức độ vi phạm theo quy định được trích dẫn nêu trên”.

Có thể buộc thôi việc, cách chức đối với những cán bộ bỏ việc trong giờ hành chính “đi nhậu”

Như nội dung trả lời báo giới của ông Phạm Văn Viện - Phó trưởng ban tổ chức hành chính Viện KH Lâm Nghiệp VN khẳng định nhà ăn Công đoàn của Viện không được gọi là quán bia. Tuy nhiên, bên cạnh việc “trưng” một tấm biển như vậy, nhà hàng này vẫn có biển chào khách “quán lẩu, nướng, bia hơi”.

Ngoài ra, luật sư Hồng Thái cho hay: “Theo quy định tại Điều 52 Luật viên chức, đối với viên chức vi phạm các quy định của pháp luật trong quá trình thực hiện công việc hoặc nhiệm vụ thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, phải chịu một trong các hình thức kỷ luật sau: Khiển trách, cảnh cáo, cách chức, buộc thôi việc”.

Cụ thể, đối với hình thức khiển trách, hình thức này được áp dụng đối với viên chức có một trong những hành vi vi phạm được quy định tại Điều 10 nghị định 27/2012/NĐ-CP. Một trong những hành vi bị xử lý kỷ luật theo hình thức này là vi phạm các quy định, nội quy, quy chế làm việc của đơn vị sự nghiệp công lập đã được người có thẩm quyền nhắc nhở bằng văn bản.

Với hình thức cảnh cáo được áp dụng đối với viên chức có một trong những hành vi vi phạm được quy định tại Điều 11 nghị định 27/2012/NĐ-CP. Hai trong những hành vi bị xử lý kỷ luật theo hình thức này là không tuân thủ quy trình. Quy định chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp và quy tắc ứng xử trong khi thực hiện hoạt động nghề nghiệp gây hậu quả nghiêm trọng.

Không chấp hành sự phân công công tác của người có thẩm quyền hoặc không thực hiện công việc, nhiệm vụ đã cam kết trong hợp đồng làm việc mà không có lý do chính đáng, gây ảnh hưởng đến công việc chung của đơn vị.

Những kiot hoạt động kinh doanh ngang nhiên trên đất công do Viện KH Lâm Nghiệp VN quản lý.

Đối với hình thức cách chức, hình thức khiển trách được áp dụng đối với viên chức có một trong những hành vi vi phạm được quy định tại Điều 12 nghị định 27/2012/NĐ-CP. Một trong những hành vi bị xử lý kỷ luật theo hình thức này là không hoàn thành nhiệm vụ quản lý, điều hành theo sự phân công mà không có lý do chính đáng, để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Hình thức buộc thôi việc được áp dụng đối với viên chức có một trong những hành vi vi phạm được quy định tại Điều 13 nghị định 27/2012/NĐ-CP. NCBCNV bị xử lý kỷ luật theo hình thức này là không tuân thủ quy trình, quy định chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp và quy tắc ứng xử trong khi thực hiện hoạt động nghề nghiệp gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

Như vậy để xem xét các cán bộ, viên chức làm việc tại Viện hàn lâm bỏ việc trong giờ hành chính để “đi nhậu” thì căn cứ vào mức độ của hành vi mà có thể bị xử lý kỷ luật theo quy định tại Luật công chức và Nghị định 27/2012/NĐ-CP trích dẫn nêu trên, luật sư Thái kết luận.

Cù Hiền

Nguồn Pháp Luật Net: http://phapluatnet.vn/bat-dong-san/vien-kh-lam-nghiep-vn-nen-nop-lai-so-tien-thu-sai-tu-cho-thue-kiot