Việc xây dựng dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên là đòi hỏi bức thiết của cuộc sống

Tiếp tục chương trình của Phiên họp thứ 32, sáng 17/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra về dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên.

Quang cảnh phiên họp (ảnh: VPQH cung cấp).

Khắc phục những bất cập của hệ thống pháp luật hiện hành

Trình bày tờ trình tại phiên họp, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC) Nguyễn Văn Tiến nhấn mạnh, việc xây dựng dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên là đòi hỏi bức thiết của cuộc sống, nhằm thực hiện chủ trương của Đảng về “phát triển hệ thống tư pháp thân thiện và bảo vệ trẻ em”. Cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 “Trẻ em được Nhà nước, gia đình và xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo dục; được tham gia vào các vấn đề về trẻ em”; thực hiện Công ước của Liên hợp quốc về Quyền trẻ em mà Việt Nam là thành viên.

Bên cạnh đó, khắc phục những bất cập của hệ thống pháp luật hiện hành: hệ thống hình phạt chưa phù hợp; một số hình phạt không có sự phân hóa giữa người chưa thành niên và người trưởng thành; mức hình phạt tù tối đa vẫn còn nghiêm khắc; các biện pháp giám sát, giáo dục đã được quy định nhưng hầu như không được áp dụng, thiếu tính khả thi; thủ tục tố tụng hình sự chưa thực sự thân thiện; chưa thiết lập được cơ chế điều phối quốc gia, cũng như vị trí, vai trò, trách nhiệm của nhân viên công tác xã hội trong hoạt động tư pháp người chưa thành niên…

Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Văn Tiến trình bày tờ trình (ảnh: VPQH cung cấp).

Dự thảo Luật gồm 166 điều được bố cục thành 5 phần, 11 chương, điều chỉnh trong lĩnh vực tư pháp hình sự, gồm: Quy định về xử lý chuyển hướng đối với người chưa thành niên phạm tội; hình phạt và các chính sách hình sự chuyên biệt; thủ tục tố tụng thân thiện; thi hành án và tái hòa nhập cộng đồng; nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động tư pháp người chưa thành niên.

Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Văn Tiến cho biết, dự thảo Luật quy định 16 nguyên tắc nhân văn, tiến bộ và đặc thù để bảo vệ người chưa thành niên trong tư pháp hình sự, như: Bảo đảm lợi ích tốt nhất của người chưa thành niên; Bảo đảm thủ tục tố tụng thân thiện; Quyền được thông tin đầy đủ, kịp thời; Ưu tiên áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng; Xử lý chuyên biệt; Bảo đảm giữ bí mật cá nhân;....

Các đại biểu tham dự phiên họp (ảnh: VPQH cung cấp).

Bên cạnh đó, dự thảo Luật đã mở rộng phạm vi áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng trên cơ sở kế thừa quy định của Bộ luật Hình sự và quy định chặt chẽ các điều kiện áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng để bảo đảm trật tự xã hội, an toàn cho cộng đồng. Đồng thời, quy định việc áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng linh hoạt, phù hợp với từng đối tượng. Khuyến khích người chưa thành niên chấp hành tốt để được chấm dứt trước thời hạn việc thi hành biện pháp xử lý chuyển hướng Đổi mới trình tự, thủ tục xử lý chuyển hướng theo hướng kịp thời, hiệu quả…

Sẽ dẫn tới việc phải sửa đổi, bổ sung một số luật có liên quan

Trình bày báo cáo thẩm tra dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, Ủy ban Tư pháp tán thành sự cần thiết ban hành Luật Tư pháp người chưa thành niên (NCTN) và đánh giá cao quá trình chuẩn bị hồ sơ của TANDTC. Dự thảo Luật đã thể chế hóa đầy đủ và bảo đảm phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng liên quan đến trẻ em; cơ bản phù hợp với nhiều quy định trong các văn bản pháp luật có liên quan và tương thích với Công ước quốc tế về quyền trẻ em mà Việt Nam là thành viên.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga trình bày báo cáo thẩm tra (ảnh: VPQH cung cấp).

Tuy nhiên, dự thảo Luật với tính chất là một đạo luật chuyên biệt, quy định khá nhiều chính sách đổi mới về tư pháp NCTN sẽ dẫn tới việc phải sửa đổi, bổ sung một số luật như Bộ luật Hình sự (BLHS), Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS), Luật Thi hành án hình sự… Do đó, đề nghị TANDTC tiếp tục rà soát đầy đủ, đề xuất sửa đổi các quy định có liên quan để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật. Đồng thời, bổ sung đánh giá tác động đầy đủ hơn đối với một số chính sách mới, phát sinh điều kiện bảo đảm thực hiện.

Về phạm vi điều chỉnh của Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, theo quy định tại Điều 1 dự thảo Luật, phạm vi điều chỉnh chỉ trong lĩnh vực tư pháp hình sự, gồm: (1) quy định về xử lý chuyển hướng (XLCH), hình phạt và thủ tục tố tụng đối với NCTN phạm tội; (2) thủ tục tố tụng đối với NCTN là bị hại, người làm chứng; (3) thi hành án; (4) tái hòa nhập cộng đồng; (5) nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động tư pháp NCTN.

Ủy ban Tư pháp có 2 loại ý kiến:

- Loại ý kiến thứ nhất, tán thành dự thảo Luật quy định về hình phạt và thủ tục tố tụng hình sự đối với NCTN.

- Loại ý kiến thứ hai, đề nghị không quy định về hình phạt và thủ tục tố tụng hình sự đối với NCTN trong dự thảo Luật.

Các đại biểu tham dự phiên họp (ảnh: VPQH cung cấp).

Về các biện pháp XLCH (Điều 34), Ủy ban Tư pháp cơ bản tán thành 12 biện pháp XLCH và việc làm rõ nội hàm của từng biện pháp dự thảo Luật, tạo điều kiện cho cơ quan tiến hành tố tụng có nhiều lựa chọn để áp dụng biện pháp phù hợp nhất với từng đối tượng NCTN, bởi vì mỗi NCTN có hoàn cảnh gia đình, nhân thân, nguyên nhân thực hiện hành vi phạm tội khác nhau. Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị tiếp tục rà soát các biện pháp XLCH để bảo đảm phù hợp.

Liên quan đến đối tượng được áp dụng biện pháp XLCH (Điều 35) và đối tượng không được áp dụng biện pháp XLCH (Điều 36), Ủy ban Tư pháp đề nghị tiếp tục rà soát các quy định về tiêu chuẩn, chế độ đối với NCTN tại Trường giáo dưỡng để bảo đảm phù hợp với tính chất, mức độ vi phạm của NCTN và thực hiện tốt mục tiêu giáo dục, bảo đảm thân thiện. Đồng thời, đề nghị TANDTC cung cấp thông tin, làm rõ căn cứ quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 36 của dự thảo Luật về việc không áp dụng XLCH đối với 5 tội danh do NCTN từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thực hiện và 6 tội danh do NCTN từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi thực hiện.

Quang cảnh phiên họp (ảnh: VPQH cung cấp).

Về hình phạt đối với NCTN, Ủy ban Tư pháp tán thành Điều 101 dự thảo Luật quy định 4 hình phạt áp dụng đối với NCTN phạm tội trên cơ sở kế thừa Điều 98 của BLHS hiện hành (không phát sinh thêm loại hình phạt mới), bao gồm: Cảnh cáo; phạt tiền; cải tạo không giam giữ; tù có thời hạn.

Tuy nhiên, đối với hình phạt cảnh cáo, có ý kiến đề nghị mở rộng việc áp dụng đối với người từ đủ 14 tuổi đến 16 tuổi phạm tội lần đầu, là người giúp sức trong vụ án đồng phạm nhưng có vai trò không đáng kể.

Về thủ tục tố tụng (từ Điều 114 đến Điều 148), Ủy ban Tư pháp tán thành với nhiều nội dung của dự thảo Luật và nhận thấy, so với quy định hiện hành, dự thảo Luật đã tách bạch 2 thủ tục tố tụng cho 2 nhóm đối tượng là: (1) Thủ tục tố tụng đối với NCTN bị buộc tội; (2) Thủ tục tố tụng đối với NCTN là người bị hại, người làm chứng. Việc tách bạch 2 quy trình này là tiến bộ và cần thiết, phù hợp với 2 nhóm đối tượng có tư cách tố tụng, quyền và nghĩa vụ khác nhau.

Về thi hành án phạt tù và tái hòa nhập cộng đồng (từ Điều 149 đến Điều 164), tại Điều 149, dự thảo Luật quy định NCTN được giam giữ tại trại giam riêng để tạo điều kiện giáo dục, phục hồi. Ủy ban Tư pháp cơ bản tán thành quy định của dự thảo Luật, bảo đảm phù hợp với tâm lý, lứa tuổi, sự phát triển của NCTN, đặc biệt là bảo đảm tối đa quyền được học tập của NCTN, hạn chế các tác động tiêu cực của việc giam giữ chung trại giam với phạm nhân là người trưởng thành. Đồng thời, quy định này cũng bảo đảm phù hợp với Quy tắc của Liên hợp quốc về bảo vệ NCTN bị tước quyền tự do.

Diên Hồng

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/kiem-sat-24h/van-de-su-kien/viec-xay-dung-du-an-luat-tu-phap-nguoi-chua-thanh-nien-la-doi-hoi-buc-thiet-cua-cuoc-song-156489.html