Việc xây dựng, ban hành nghị quyết của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao

Bạn đọc Trịnh Nam Anh ở phường Châu Phú B, TP Châu Đốc, tỉnh An Giang, hỏi: Đề nghị tòa soạn cho biết việc xây dựng, ban hành nghị quyết của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC) được pháp luật quy định như thế nào?

Trả lời: Nội dung bạn hỏi được quy định tại Điều 105 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Cụ thể như sau:

1. Dự thảo nghị quyết của Hội đồng thẩm phán TANDTC do Chánh án TANDTC tổ chức và chỉ đạo việc soạn thảo.

2. Dự thảo nghị quyết được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ và Cổng thông tin điện tử của TANDTC trong thời gian ít nhất là 60 ngày để cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia ý kiến.

Dự thảo nghị quyết phải gửi để lấy ý kiến của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, Bộ Tư pháp, bộ, cơ quan ngang bộ có liên quan, Hội Luật gia Việt Nam và Liên đoàn Luật sư Việt Nam.

3. Chánh án TANDTC chỉ đạo việc tiếp thu ý kiến góp ý về dự thảo nghị quyết.

4. Chánh án TANDTC thành lập hội đồng tư vấn thẩm định dự thảo nghị quyết của Hội đồng thẩm phán TANDTC có sự tham gia của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, Bộ Tư pháp và cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan, các chuyên gia, nhà khoa học.

5. Dự thảo nghị quyết được thảo luận tại phiên họp của Hội đồng thẩm phán TANDTC, có sự tham dự của Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao và Bộ trưởng Bộ Tư pháp.

6. Hội đồng thẩm phán TANDTC tổ chức phiên họp để thông qua dự thảo nghị quyết.

Trong trường hợp Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, Bộ trưởng Bộ Tư pháp không nhất trí với nghị quyết của Hội đồng thẩm phán TANDTC thì có quyền báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại phiên họp gần nhất.

7. Chánh án TANDTC ký nghị quyết của Hội đồng thẩm phán TANDTC.

* Bạn đọc Nguyễn Thị Hoa ở xã Phong Nặm, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng, hỏi: Pháp luật quy định như thế nào về xóa kỷ luật, giảm thời hạn chấp hành kỷ luật lao động?

Trả lời: Nội dung bạn hỏi được quy định tại Điều 126 Bộ luật Lao động. Cụ thể như sau:

1. Người lao động bị khiển trách sau 3 tháng hoặc bị xử lý kỷ luật kéo dài thời hạn nâng lương sau 6 tháng hoặc bị xử lý kỷ luật cách chức sau 3 năm kể từ ngày bị xử lý, nếu không tiếp tục vi phạm kỷ luật lao động thì đương nhiên được xóa kỷ luật.

2. Người lao động bị xử lý kỷ luật kéo dài thời hạn nâng lương sau khi chấp hành được một nửa thời hạn nếu sửa chữa tiến bộ thì có thể được người sử dụng lao động xét giảm thời hạn.

QĐND

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/ban-doc/thu-ban-doc/viec-xay-dung-ban-hanh-nghi-quyet-cua-hoi-dong-tham-phan-toa-an-nhan-dan-toi-cao-729625