Việc tăng lương phải thực chất và không cào bằng

Đại biểu Quốc hội Vũ Thị Lưu Mai cho rằng, theo Nghị quyết 27-NQ/TW, khi tăng lương thì không còn phụ cấp khác. Tuy nhiên, hiện nay, số lượng người được hưởng phụ cấp ngoài lương còn rất nhiều.

Do vậy, khi điều chỉnh chính sách tiền lương thì cũng phải tính đến việc đảm bảo quyền lợi cho những người dân đang có phụ cấp thì không bị ảnh hưởng. Mặt khác, việc tăng lương phải gắn với tinh giản biên chế, đảm bảo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Đảm bảo nguồn kinh phí cho việc tăng lương

Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, đề cập về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết: Những năm qua, mặc dù khó khăn trong đại dịch Covid-19, Chính phủ đã đẩy mạnh tăng thu, tiết kiệm chi, trích lập quỹ tiền lương, đến nay được khoảng 560 nghìn tỷ đồng, bảo đảm đủ nguồn để cải cách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng, trong 3 năm 2024 - 2026.

Đại biểu Quốc hội Trần Văn Lâm.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, trong năm 2025, Chính phủ sẽ thực hiện cải cách chính sách tiền lương đối với khu vực công theo Nghị quyết số 27-NQ/TW. Đồng thời, Chính phủ cũng tiếp tục điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng, chính sách tiền lương đối với khu vực doanh nghiệp theo quy định.

Từ năm 2025 trở đi, tiếp tục điều chỉnh tiền lương tăng bình quân 7%/năm đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang cho đến khi mức lương thấp nhất bằng hoặc cao hơn mức lương thấp nhất vùng I của khu vực doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng sẽ tiếp tục thực hiện đầy đủ, kịp thời, nâng cao hiệu quả các chính sách người có công, trợ giúp xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, không để ai bị bỏ lại phía sau.

Để thực hiện cải cách tiền lương hiệu quả, một trong những vấn đề quan trọng là nguồn kinh phí để đảm bảo tính khả thi theo đúng tinh thần của Nghị quyết 27-NQ/TW. Đây là nội dung nhận được sự quan tâm của nhiều Đại biểu Quốc hội.

Xung quanh vấn đề này, Đại biểu Quốc hội Phạm Thúy Chinh - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, ngân sách của Quốc hội (Đại biểu Đoàn Hà Giang) phân tích: Từ 1/7/2024 sẽ sử dụng hơn 132.000 tỷ đồng để dành cho việc cải cách tiền lương. Tuy nhiên, ở các địa phương, việc tích lũy ngân sách để dành cho cải cách tiền lương là khác nhau. Một số địa phương có tích lũy nguồn kinh phí cao từ nguồn tăng thu nhưng có địa phương không tự cân đối được ngân sách thì có thể chưa đảm bảo được việc tăng lương. Do đó, Chính phủ và các địa phương cần phải quan tâm hơn đến yếu tố này.

Đại biểu Quốc hội Phạm Thúy Chinh.

Cải cách tiền lương phải song hành với kiềm chế lạm phát

Trong khi đó, Đại biểu Quốc hội Vũ Thị Lưu Mai – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, ngân sách (Đại biểu Đoàn Hà Nội) cho rằng, việc tăng lương cũng cần phải song hành với kiềm chế lạm phát. Bởi những năm qua, mức điều chỉnh lương cho cán bộ, công chức, viên chức không theo kịp với sự tăng giá các mặt hàng trên thị trường.

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, trong 4 tháng đầu năm 2023 có 31% các hộ gia đình bị ảnh hưởng về việc giá cả tăng cao. “Nếu như chúng ta tăng lương mà không áp dụng song hành với các biện pháp kiềm chế lạm phát thì ý nghĩa của việc tăng lương không đảm bảo” - Đại biểu Quốc hội Vũ Thị Lưu Mai nói.

Ngoài ra, Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai cũng cho rằng, việc tăng lương phải thực chất và không cào bằng. Theo Nghị quyết 27-NQ/TW, khi tăng lương thì không còn phụ cấp khác. Tuy nhiên, hiện nay, số lượng người được hưởng phụ cấp ngoài lương còn rất nhiều. Do vậy, khi điều chỉnh chính sách tiền lương thì cũng phải tính đến việc đảm bảo quyền lợi cho những người dân đang có phụ cấp thì không bị ảnh hưởng. Mặt khác, việc tăng lương phải gắn với tinh giản biên chế, đảm bảo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Đồng thuận với quan điểm trên, Đại biểu Quốc hội Trần Văn Lâm (Đoàn Bắc Giang) nhấn mạnh, nguồn kinh phí dành cho cải cách tiền lương đòi hỏi việc điều hành ngân sách cũng cần khoa học, linh hoạt, có kế hoạch cụ thể. Điều này nhằm đảm bảo việc cải cách tiền lương phải đạt được mục tiêu đề ra; đồng thời phải đảm bảo kiềm chế được lạm phát.

Đại biểu Quốc hội Trần Thị Diệu Thúy.

Đề nghị xem xét tăng lương phải sớm hơn

Theo dự kiến, việc cải cách chính sách tiền lương sẽ xây dựng bảng lương mới thay cho bảng lương hiện nay, gồm bảng lương về chức danh lãnh đạo từ Trung ương cho đến cơ sở, bảng lương chuyên môn nghiệp vụ và 3 bảng lương cho lực lượng vũ trang.

Thứ hai là sắp xếp, thu gọn chế độ phụ cấp so với hiện nay. Thứ ba là chế độ tiền thưởng bằng 10% quỹ tiền lương cơ bản không bao gồm phụ cấp. Thứ 4 là chế độ nâng bậc lương. Thứ 5 là nguồn kinh phí để thực hiện chế độ cải cách tiền lương. Thứ 6 là quản lý tiền lương và thu nhập.

Vấn đề quan trọng nhất trong 6 nội dung này là nguồn kinh phí để cải cách tiền lương. Về việc này, Chính phủ đã báo cáo tại hội nghị Trung ương, nguồn cải cách tiền lương đã được chuẩn bị sẵn sàng cho giai đoạn 2024 - 2026. Theo đó, sau năm 2024, sẽ thực hiện tăng có lộ trình 5-7% lộ trình tăng lương, đảm bảo mức lương phù hợp tiệm cận khu vực I của tư nhân.

Cũng quan tâm đến nội dung này, Đại biểu Quốc hội Trần Thị Diệu Thúy (Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh) đề nghị, cần có giải pháp căn cơ để tạo việc làm cho người lao động; đồng thời, bày tỏ hoàn toàn thống nhất với đề xuất trong báo cáo của Chính phủ là cần quyết liệt xem xét tăng lương theo Nghị quyết 27 của Trung ương cũng như đảm bảo lương tối thiểu vùng theo quy định.

Tuy nhiên, Đại biểu Quốc hội Trần Thị Diệu Thúy đề nghị xem xét tăng lương phải sớm hơn. Bởi vì chỉ số CPI của Chính phủ đánh giá không tương đồng với đời sống thực tiễn của người lao động, dẫn đến vấn đề lương của người lao động không đủ sống. Lương của cán bộ, công chức ở Thành phố Chí Minh có thể cầm cự được là nhờ có Nghị quyết 54 và Nghị quyết 98 giúp cho người cán bộ, công chức và người lao động trong khu vực Nhà nước có thêm khoản thu nhập tăng thêm. Tuy nhiên, nhóm của công chức ở những tỉnh, ngành, khu vực khác không có điều kiện được hưởng thu nhập tăng thêm thì không thể vượt qua được.

Đại biểu Quốc hội Vũ Thị Lưu Mai.

Nữ Đại biểu Quốc hội Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh nếu rõ: Đối với lương tối thiểu vùng của người lao động, nếu như chúng ta cứ lần lữa và để cho người lao động tự cầm cự với nguồn thu nhập của mình như hiện nay thì người lao động cũng không thể tiếp tục bám trụ tại các thành phố lớn, họ buộc phải quay trở về địa phương - nơi sinh sống và trưởng thành để quay lại với các nghề nghiệp cũ.

Do đó, Đại biểu Trần Thị Diệu Thúy đề xuất Chính phủ cần xem xét và chỉ đạo sớm có các chủ trương liên quan đến tăng lương, trong đó tăng lương cho khu vực nhà nước và tăng lương tối thiểu vùng cho khu vực lao động sản xuất, từ đó mới giúp cho người lao động, tạo niềm tin để họ tiếp tục bám trụ vào sản xuất tại các vùng tập trung đông các khu công nghiệp, khu chế xuất như Thành phố Hồ Chí Minh.

Thiên An

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/viec-tang-luong-phai-thuc-chat-va-khong-cao-bang-post269970.html