Việc Israel đột kích bệnh viện Al-Shifa ở Gaza có vi phạm Luật nhân đạo quốc tế?

Việc Israel đột kích bệnh viện Al-Shifa - bệnh viện lớn nhất Dải Gaza - đã làm dấy lên cuộc tranh luận về việc hành động này có vi phạm Luật nhân đạo quốc tế hay không.

Tuần trước, bệnh viện Al-Shifa - bệnh viện lớn nhất Dải Gaza (Palestine) - trở thành tâm điểm cuộc xung đột giữa Israel với phong trào vũ trang Hồi giáo Hamas (kiểm soát Dải Gaza). Hôm 15-11, lực lượng Israel đã đột kích vào bệnh viện Al-Shifa để tìm kiếm “trung tâm chỉ huy” của Hamas và các con tin bị Hamas bắt giữ, theo đài NBC News.

Việc Lực lượng Phòng vệ Israel đột kích bệnh viện Al-Shifa đã làm dấy lên cuộc tranh luận về việc liệu hành động này có vi phạm Luật nhân đạo quốc tếhay không.

Binh sĩ Israel bên trong bệnh viện Al-Shifa ở Dải Gaza hôm 15-11. Ảnh: AFP

Theo các chuyên gia pháp lý, các bệnh viện - bao gồm cả bệnh nhân và nhân viên y tế - nhận được sự bảo vệ đặc biệt trong trường hợp xung đột vũ trang xảy ra. Tuy nhiên, trong một số trường hợp ngoại lệ, các bệnh viện sẽ không nhận được sự bảo vệ nói trên. Hành động tấn công bệnh viện có thể không bị quy là vi phạm Luật nhân đạo quốc tế, tùy vào một số trường hợp cụ thể.

Khi nào bệnh viện dân sự không còn được Luật nhân đạo quốc tế bảo vệ?

Luật nhân đạo quốc tế đưa ra những điều không được làm khi chiến tranh xảy ra và tìm cách hạn chế những đau khổ mà dân thường phải hứng chịu. Theo đài CNN, luật này nhằm bảo vệ dân thường và các yếu tố dân sự, bao gồm nhân viên y tế và cơ sở vật hạ tầng.

Theo bà Mathilde Philip-Gay - chuyên gia về Luật nhân đạo quốc tế tại Đại học Lyon (Pháp), các công ước quốc tế được thông qua sau Thế chiến II là cốt lõi của Luật nhân đạo quốc tế. Theo đó, các công ước này “đặc biệt bảo vệ các bệnh viện dân sự”.

“Luật nhân đạo quốc tế không cho phép biến các bệnh viện dân sự thành khu vực xung đột, cấm sử dụng dân thường, người bệnh và người bị thương làm lá chắn, đó là tội ác chiến tranh. Luật này cũng cấm chiến đấu trong bệnh viện” - bà Philip-Gay nói.

Tuy nhiên, các bệnh viện dân sự sẽ mất đi quyền được bảo vệ trong một số trường hợp cụ thể.

Bà Cordula Droege - Giám đốc pháp lý của Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế - cho biết: “Các cơ sở dân sự có thể mất đi sự bảo vệ của Luật nhân đạo quốc tế nếu các cơ sở này được sử dụng ngoài mục đích nhân đạo và thực hiện các hành động gây hại cho bên khác”.

Điều này có nghĩa là nếu bệnh viện được dùng để làm nơi che chở cho các nhóm quân sự và cất trữ vũ khí thì nơi đây có thể bị xem như một mục tiêu quân sự.

Trong trường hợp bệnh viện biến thành mục tiêu quân sự, bên tấn công cũng phải tuân theo một số điều kiện.

Quang cảnh bên ngoài bệnh viện Al-Shifa. Ảnh: AFP

Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên Hợp Quốc (UNOCHA) cho biết: “Bất kỳ hoạt động quân sự nào xung quanh hoặc trong bệnh viện đều phải thực hiện các bước để cứu và bảo vệ bệnh nhân, nhân viên y tế và thường dân khác. Tất cả các biện pháp phòng ngừa khả thi phải được thực hiện, bao gồm đưa ra các cảnh báo, xem xét khả năng sơ tán an toàn cho bệnh nhân, nhân viên y tế và những người dân thường khác”.

Bà Philip-Gay cho biết: “Bên tấn công phải thực hiện mọi biện pháp phòng ngừa có thể để tránh cố tình nhắm vào dân thường”.

Theo bà Philip-Gay, ngay cả khi bệnh viện được sử dụng để “có hành động gây hại cho bên tấn công”, bên tấn công “không có quyền bắn phá nó trong hai ngày và phá hủy hoàn toàn bệnh viện”.

Bà cũng cho hay bên tấn công phải đưa ra cảnh báo trước về vụ tấn công của mình và phải áp dụng các thủ tục sơ tán cho bệnh nhân và nhân viên y tế.

Việc Israel tấn công bệnh viện Al-Shifa có vi phạm Luật nhân đạo quốc tế?

Các quan chức Israel và Mỹ nói rằng Hamas đã bí mật đặt cơ sở hạ tầng quân sự bên dưới các bệnh viện, chủ yếu tập trung ở bệnh viện Al-Shifa.

Tuy nhiên, nhân viên bệnh viện và các thành viên Hamas phủ nhận cáo buộc rằng bệnh viện là nơi đặt trụ sở của Hamas. Phía Hamas cũng khẳng định họ không giam giữ con tin tại bệnh viện Al-Shifa.

Tuy nhiên, phía Israel đã đưa ra nhiều bằng chứng cho thấy Hamas sử dụng bệnh viện Al-Shifa làm căn cứ quân sự.

Từ ngày 15 đến ngày 20-11, phía Israel tung ra nhiều video cho thấy các vũ khí như súng AK-47, đạn dược, lựu đạn, đồng phục và thiết bị máy tính hiện diện bên trong bệnh viện Al-Shifa. Phía Israel cho rằng những vũ khí, thiết bị này là của Hamas.

Trong ngày 19-11, phía Israel cũng đã công bố đoạn video cho rằng có một đường hầm dài 55 m bên dưới bệnh viện Al-Shifa. Đoạn video cho thấy một lối đi hẹp có mái bê tông hình vòm và được phía Israel mô tả là có lắp đặt cửa chống nổ.

Ngoài ra, phía Israel cũng công bố các video và hình ảnh cho thấy các con tin được đưa đến bệnh viện Al-Shifa vào ngày 7-10. Tuy nhiên, phía Hamas cho biết các con tin bị thương đã được chăm sóc y tế tại bệnh viện Al-Shifa và sau đó được đưa đi nơi khác.

Dù vậy, đến giờ, vẫn chưa có cơ quan, tổ chức nào xác nhận những bằng chứng được Israel đưa ra là đúng sự thật.

Một người lính Israel đứng gần những thùng có nhãn "vật tư y tế" tại bệnh viện Al-Shifa hôm 15-11. Ảnh: REUTERS

Trả lời NBC News về cuộc đột kích vào bệnh viện Al-Shifa, một người phát ngôn của Lực lượng Phòng vệ Israel cho biết: “Phía Israel bác bỏ lập luận chúng tôi tấn công bệnh viện Al-Shifa và hành động không phù hợp với Luật nhân đạo quốc tế”.

Theo người phát ngôn trên, Lực lượng Phòng vệ Israel “đã thực hiện nhiều bước để đảm bảo tác động của các hoạt động quân sự đến dân thường và bệnh viện ở mức tối thiểu”.

Hôm 15-11, trả lời CNN, người phát ngôn Lực lượng Phòng vệ Israel - ông Peter Lerner cho biết phía Israel đã báo cho ban quản lý bệnh viện, bệnh nhân và dân thường bên trong để ẩn náu. Ông Lerner cho biết theo kế hoạch, phía Israel “tiến hành hoạt động quân sự vào bệnh viện Al-Shifa để phân biệt giữa dân thường và những thành viên Hamas”.

Ông Khaled Abu Samra - bác sĩ tại bệnh viện Al-Shifa - cho biết phía bệnh viện đã nhận được cảnh báo 30 phút trước khi lực lượng Israel tiến vào bệnh viện.

“Chúng tôi được yêu cầu tránh xa cửa sổ và ban công. Chúng tôi có thể nghe thấy tiếng xe bọc thép, chúng ở rất gần lối vào bệnh viện” - ông Samra nói.

Ông William Schabas - giáo sư luật quốc tế tại Đại học Middlesex (Anh) - cho rằng ngay cả khi một bệnh viện mất tư cách được bảo vệ theo Luật nhân đạo quốc tế, bên tấn công cũng không có quyền phá hủy bệnh viện đó. Ngoài ra, bên tấn công cũng không có quyền tấn công bệnh viện nếu nếu những người không tham chiến (bệnh nhân, bác sĩ và những thường dân khác) có thể vẫn còn ở bên trong bệnh viện.

Vì những lý do trên, theo CNN, đến thời điểm này, các chuyên gia pháp lý vẫn chưa thống nhất quan điểm về việc Israel đột kích bệnh viện Al-Shifa là có vi phạm Luật nhân đạo quốc tế hay không.

KHOA ĐIỀM

Nguồn PLO: https://plo.vn/viec-israel-dot-kich-benh-vien-al-shifa-o-gaza-co-vi-pham-luat-nhan-dao-quoc-te-post763017.html