Việc bảo lưu hệ số lương khi chuyển ngành

(Chinhphu.vn) - Ông Phạm Huy Thận (Hà Nội) là sĩ quan cấp bậc thiếu tá, công tác tại một Viện nghiên cứu thuộc quân đội. Ông Thận đang liên hệ chuyển ngành sang làm giảng viên một trường Đại học công lập ngoài quân đội.

Qua trao đổi, nhà trường cho biết, sau khi tiếp nhận sẽ xếp lương lương cho ông theo công việc mới, nhưng quỹ tiền lương của đơn vị sẽ không đáp ứng được chế độ bảo lưu chênh lệch tiền lương 18 tháng. Nếu ông Thận đồng ý thì nhà trường mới tiếp nhận.

Ông Thận hỏi, quy định về chế độ đối với sĩ quan chuyển ngành được tuyển dụng vào làm việc tại đơn vị sự nghiệp của nhà nước như thế nào? Trường hợp ông nếu chấp nhận điều kiện của nhà trường thì thỏa thuận đó có được thừa nhận không?

Luật sư Trần Văn Toàn, Văn phòng Luật sư Khánh Hưng - Đoàn Luật sư Hà Nội giải đáp thắc mắc của ông Thận như sau:

Điểm d, khoản 1, Điều 3 Nghị định số 21/2009/NĐ-CP ngày 23/2/2009 của Chính phủ quy định, sĩ quan chuyển ngành được tuyển dụng vào làm việc tại cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp của nhà nước hưởng lương từ ngân sách nhà nước, được xếp lương phù hợp với công việc mới đảm nhiệm.

Trường hợp hệ số lương mới thấp hơn hệ số lương sĩ quan đã được hưởng tại thời điểm chuyển ngành thì được bảo lưu hệ số chênh lệch giữa hệ số lương sĩ quan với hệ số lương (theo công việc) mới trong thời gian tối thiểu là 18 tháng, kể từ khi quyết định chuyển ngành có hiệu lực và do cơ quan, đơn vị mới chi trả. Trong thời gian bảo lưu, nếu hệ số lương mới được xếp bằng hoặc cao hơn hệ số lương sĩ quan đã được hưởng trước khi chuyển ngành thì hưởng hệ số lương mới.

Như vậy, đối với cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp của Nhà nước, hưởng lương từ ngân sách nhà nước (do ngân sách nhà nước cấp toàn bộ chi phí hoạt động thường xuyên), tuyển dụng, tiếp nhận sĩ quan chuyển ngành phải thực hiện nghiêm chỉnh chế độ này.

Theo luật sư, đối với trường hợp đơn vị sự nghiệp nhà nước là đơn vị có thu tự bảo đảm chi phí hoạt động thường xuyên, hoặc đơn vị sự nghiệp có thu tự bảo đảm một phần chi phí hoạt động thường xuyên (trong đó có việc tự đảm bảo quỹ lương, hoặc một phần quỹ lương) thì có thể vận dụng quy định này để giải quyết việc bảo lưu hệ số chênh lệch giữa hệ số lương sĩ quan với hệ số lương theo công việc mới. Nếu đơn vị sự nghiệp đó không vận dụng chế độ này, sĩ quan chuyển ngành thỏa thuận với đơn vị sự nghiệp về việc không vận dụng chế độ này thì thỏa thuận đó được thừa nhận.

Trường đại học công lập, nơi ông Phạm Huy Thận có ý định chuyển ngành là đơn vị sự nghiệp nhà nước có thu tự bảo đảm một phần chi phí hoạt động thường xuyên (trong đó có việc tự đảm bảo một phần quỹ lương) do đó nhà trường và người sĩ quan chuyển ngành thỏa thuận việc không bảo lưu chênh lệch hệ số tiền lương giữa lương sĩ quan và lương theo công việc mới thì thỏa thuận đó được thừa nhận.

Khi được tuyển dụng, ông Thận sẽ được Nhà trường xếp lương theo chức danh, mã ngạch viên chức, công việc mới mà ông được bổ nhiệm, theo Bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ đối với cán bộ, viên chức trong các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước (bảng lương số 3) ban hành kèm theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP .

Luật sư Trần Văn Toàn

VPLS Khánh Hưng – Đoàn Luật sư Hà Nội

* Thông tin chuyên mục có giá trị tham khảo với người đọc, không dùng làm tài liệu trong tố tụng pháp luật.

Tin liên quan:

- Chuyển công tác có được bảo lưu mức lương?

- Hướng dẫn xếp lương đối với CBCCVC khi thay đổi công việc

- Xếp lương trường hợp chuyển công tác từ doanh nghiệp vào cơ quan nhà nước

- Xếp lương viên chức khi chuyển công tác

- Trường hợp không được bảo lưu hệ số lương cũ khi tuyển dụng

- Điều kiện bảo lưu mức lương khi tuyển dụng vào công chức

- Việc bảo lưu hệ số lương khi thay đổi công việc

Nguồn Chính Phủ: http://baodientu.chinhphu.vn/home/viec-bao-luu-he-so-luong-khi-chuyen-nganh/20134/166575.vgp