Vỉa hè chính thức 'mở trang mới'

Từ hôm nay, 1-1-2024, TP HCM chính thức thu phí sử dụng tạm lòng đường, vỉa hè nhằm giúp công tác quản lý trật tự lòng đường, vỉa hè đi vào nền nếp

Để chuẩn bị cho thu phí sử dụng tạm lòng đường, vỉa hè, nhiều địa phương triển khai sơn vạch kẻ vàng trên vỉa hè có bề rộng hơn 3 m.

Quận trung tâm sẵn sàng

Tại quận 1, các tuyến đường như Nguyễn Trãi, Nguyễn Cư Trinh, Phan Bội Châu… xuất hiện vạch kẻ dành 1,5 m cho các cửa hàng bố trí tạm nơi để xe máy tự quản. Phần còn lại khoảng 2 m dành cho người đi bộ.

Tương tự, vỉa hè đường Võ Văn Tần (quận 3), đường Hùng Vương (quận 5) cũng được kẻ vạch. Ghi nhận cho thấy bên trong vạch kẻ, xe máy được xếp ngăn nắp. Còn phía ngoài, người đi bộ di chuyển thoải mái.

Đi dạo và mua sắm cùng bạn, anh Trần Khải An (25 tuổi, ngụ quận 1) cho biết rất ủng hộ việc phân chia rõ ràng như vậy. Theo anh, nhờ thế, các hộ kinh doanh có thể thuê dùng "chính danh" và hơn hết là thêm thuận lợi cho người đi bộ. "Người thuê có nhiệm vụ làm đúng quy định thuê mà không còn xảy ra tình trạng chen chúc bày bán, đậu xe tràn lan trái phép như trước. Chúng tôi cũng không phải lách trên chính phần đường dành cho mình hay bất đắc dĩ bước xuống dưới lòng đường gây nguy hiểm nữa" - anh An bày tỏ.

Đại diện Phòng Quản lý đô thị quận 1 cho biết các phường đã rà soát, lấy ý kiến đơn vị liên quan và hộ dân rồi thống nhất danh mục các tuyến đường đủ điều kiện cho sử dụng tạm một phần vỉa hè, lòng đường ngoài mục đích giao thông. Trong đó, 55 tuyến đường, vỉa hè đủ điều kiện tổ chức kinh doanh, buôn bán; 16 tuyến đủ điều kiện làm nơi trông giữ xe có thu phí và 85 đoạn, tuyến dự kiến làm điểm giữ xe 2 bánh tự quản, không thu tiền dịch vụ.

Vị đại diện xác nhận các tuyến đường đủ điều kiện được kẻ vạch sơn vàng chuẩn bị cho một số trường hợp đăng ký sử dụng và đóng phí. Song song đó, nhiều vỉa hè bị hư hỏng được địa phương sửa lại để bảo đảm mỹ quan và an toàn.

Tại quận 3, địa phương đã khảo sát, lấy ý kiến người dân và lập phương án cho sử dụng tạm vỉa hè trên 36 tuyến đường đủ điều kiện như Bà Huyện Thanh Quan, Võ Văn Tần, Cao Thắng, Cách Mạng Tháng Tám… Với quận 5, ông Nguyễn Xuân Trung, Phó Chủ tịch UBND quận, cho biết chính quyền đã tuyên truyền cho người dân nắm rõ việc thu phí, đồng thời kẻ vạch theo hướng dẫn của Sở Giao thông Vận tải (GTVT). Trong 96 tuyến đường quận quản lý thì 69 tuyến đủ điều kiện thực hiện thu phí, gồm 22 tuyến trung tâm.

Để giám sát, thực hiện việc thu phí hiệu quả, các phòng, ban liên quan sẽ phối hợp Công an quận, Đội Quản lý trật tự đô thị và UBND các phường kiểm tra xử lý vi phạm hành chính về thu phí, an ninh và trật tự an toàn giao thông trên địa bàn. UBND các phường niêm yết thông tin tại địa điểm thu và công khai trên trang thông tin điện tử để người dân nắm.

Vỉa hè đường Hùng Vương, quận 5, TP HCM được kẻ vạch vàng. Ảnh: ÁI MY

Bảo đảm hiệu quả, công khai, minh bạch

Từ cuối tháng 12-2023, Sở GTVT TP HCM có hướng dẫn thực hiện một số quy định về quản lý và sử dụng tạm thời một phần lòng đường, vỉa hè trên địa bàn từ ngày 1-1-2024.

Thống kê sơ bộ của sở này, thành phố có trên 860 tuyến đường mà vỉa hè rộng từ 3 m trở lên đủ điều kiện. Sở GTVT được giao tổ chức thu phí (bao gồm dải phân cách, đảo giao thông) trên các tuyến đường do sở quản lý. UBND cấp huyện tổ chức thu đối với các tuyến đường do UBND cấp huyện quản lý.

Dòng chảy kinh tế đa dạng

Ông Phạm Bình An, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM, nhận định vỉa hè là một phần không gian công cộng quan trọng của đô thị.

Đây không chỉ là nơi bố trí hạ tầng kỹ thuật, cây xanh hay dành cho người đi bộ mà còn diễn ra dòng chảy về kinh tế chính thức cũng như phi chính thức với các hoạt động mua bán, dịch vụ rất đa dạng.

Theo ông An, khi các hoạt động diễn ra trên vỉa hè được đưa vào khuôn khổ sẽ vừa bảo đảm trật tự, mỹ quan đô thị vừa chia sẻ lợi ích kinh tế - xã hội cho chính quyền và người dân. Để hiệu quả, khi khai thác cần làm từng bước chắc chắn và không nên theo phong trào.

Mức phí được thành phố áp dụng dựa trên giá đất bình quân tại 5 khu vực, ở nội thành sẽ cao hơn ngoại ô. Trong đó, mức thấp nhất cho hoạt động giữ xe là 50.000 đồng, cao nhất 350.000 đồng/m2 mỗi tháng. Các hoạt động khác sẽ áp dụng 20.000 - 100.000 đồng/m2.

Ông Ngô Hải Đường, Trưởng Phòng Khai thác hạ tầng giao thông đường bộ - Sở GTVT, thông tin các tuyến vỉa hè đủ điều kiện cho thuê sử dụng phải rộng ít nhất 3 m, trong đó 1,5 m dành cho người đi bộ. Còn với lòng đường, sau khi chừa ít nhất 2 làn ô tô cho một chiều đi, phần còn lại nếu đủ điều kiện mới tổ chức hoạt động khác ngoài mục đích giao thông.

Trước khi chọn tuyến đường cho thu phí vỉa hè, địa phương đã lấy ý kiến của chủ nhà để tránh mâu thuẫn giữa chủ nhà và người thuê. Thành phố sẽ không triển khai đại trà thu phí vỉa hè mà chọn một số tuyến để thí điểm, bám sát quy định mới.

Việc thu phí sẽ áp dụng công nghệ, hạn chế dùng tiền mặt để giúp tăng tính minh bạch, công khai. "Mục đích chính của việc thu phí nhằm sắp xếp trật tự lòng lề đường, dần đưa việc sử dụng vỉa hè vào nền nếp, quy củ, vừa đáp ứng nhu cầu người dân vừa bảo đảm phục vụ tốt cho giao thông" - ông Ngô Hải Đường nhấn mạnh.

Chủ, khách đều an tâm

Đến phố mua sắm thời trang sầm uất trên đường Nguyễn Trãi (quận 1), chúng tôi gặp chị Hoàng Thùy - chủ một cửa hàng thời trang thuê mặt bằng.

Vỉa hè đường Nguyễn Trãi, quận 1, TP HCM đã ngăn nắp hơn. Ảnh: THU HỒNG

Chị Hoàng Thùy cho biết việc kẻ vạch sơn vàng để phân chia ranh giới giữa khu vực dành cho người đi bộ và khu vực để xe máy tự quản cho khách đến mua là hợp lý. Trên cơ sở đó, chủ cửa hàng an tâm tổ chức giữ xe cho khách, khách cũng an tâm đến mua hàng mà không sợ bị phạt do để xe vi phạm trật tự lòng lề đường.

Ngoài chị Thùy, một số hộ dân buôn bán nhỏ lẻ trên đường Võ Văn Tần (quận 3) - nơi có vỉa hè rộng hơn 3 m - cho biết đang chờ phường hướng dẫn để đăng ký thuê vỉa hè buôn bán nhỏ. Theo đó, việc đóng phí để sử dụng vỉa hè sẽ giúp họ an tâm mưu sinh, không phải nơm nớp lo bị đẩy, đuổi như trước.

THU HỒNG - QUỐC ANH

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/via-he-chinh-thuc-mo-trang-moi-196231231191939769.htm