Vì sao xuất hiện mưa đá diện rộng ở nhiều địa phương?

Mưa đá xuất hiện ở Yên Bái, Lai Châu, Sơn La, Nghệ An... ngày 28/3 gây thiệt hại lớn về hoa màu, công trình của người dân. Vì sao cùng lúc lại xuất hiện mưa đá diện rộng như vậy?

Mưa đá xuất hiện liên tiếp ở nhiều địa phương

Sáng ngày 28/3, trên địa bàn tỉnh Yên Bái xảy ra mưa đá ở một số xã và thị trấn Mù Cang Chải. Trận mưa đá kéo dài khoảng 15 phút kèm dông lốc xuất hiện bất ngờ khiến người dân không kịp trở tay. Lượng mưa đá dày hạt, kích thước các viên đá đường kính trung bình 1,5 - 2 cm. Mưa đá làm đổ cây, tốc mái nhà dân, gãy đổ hoa màu. Hiện các lực lượng chức năng của huyện Mù Cang Chải đang rà soát thiệt hại, hỗ trợ các hộ dân khắc phục hậu quả.

Mưa đá ở Mộc Châu (Sơn La) gây hư hại vườn mận.

Đến 10h20 cùng ngày, khối mây dông di chuyển đến TP Yên Bái, trời tối đen như lúc chập tối. dông lốc, mưa đá sau đó trút xuống thành phố. Huyện Trấn Yên cũng ghi nhận dông lốc, mưa đá trong khoảng 15-20 phút. Đá rơi không quá dày nhưng đã làm sập một rạp đám cưới.

Tại huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La, mưa đá bắt đầu từ 13h cùng ngày. Hạt đá to bằng ngón tay, phủ thành lớp trắng xóa trên mặt đất sau khoảng 20 phút. Huyện Mộc Châu trồng nhiều dâu tây, mận và đang thời kỳ thu hoạch. Mưa đá làm dập cây, hư hại quả. Cơ quan chức năng đang cho người thống kê thiệt hại.

Mưa đá hạt to đến khoảng 2cm gây hư hại nhiều cây cối, hoa màu

16h chiều cùng ngày, tại Nghệ An, mưa đá kèm gió lớn quét qua các xã Mai Sơn, Yên Thắng, Yên Hòa, Nga My... thuộc huyện Tương Dương trong hơn 20 phút. Các viên đá đường kính 1-2 cm rơi xuống khiến hàng chục mái nhà bị thủng, diện tích lớn hoa màu hư hỏng. Chính quyền huyện Tương Dương đang thống kê thiệt hại, khuyến cáo người dân có biện pháp phòng chống, đề phòng thời tiết bất thường ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản và hoa màu.

Vườn mận ở Mộc Châu (Sơn La) tan hoang sau trận mưa đá chiều 28/3.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, hiện nay (29/03), ở khu vực Bắc Bộ, Bắc và Bắc Trung Bộ đã có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có mưa to đến rất to với lượng mưa tính từ 19h ngày 28/3 đến 03h ngày 29/3 có nơi trên 40mm như: Yên Bình (Yên Bái) 61mm, Bạch Ngọc (Hà Giang) 50.4mm, Hữu Lũng (Lạng Sơn) 48.9mm, Phúc Yên (Tuyên Quang) 48.8mm, Hóa Thượng (Thái Nguyên) 41mm, Hồng Sơn (Nghệ An) 100.8mm,…

Ngày 29/3, ở khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có mưa to với lượng mưa từ 10-30mm, có nơi trên 50mm. Trong chiều tối và tối 29/3, ở khu vực Trung Trung Bộ và Tây Nguyên có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có mưa to với lượng mưa 15-30mm, có nơi trên 50mm. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Mưa lớn cục bộ có khả năng gây ra lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc và tình trạng ngập úng tại các vùng trũng, thấp.

Mưa đá xuất hiện có bất thường?

Theo cơ quan khí tượng, mưa đá là hiện tượng nước mưa ngưng tụ thành những tảng đá, cục băng có đa dạng kích thước, hình dáng rơi xuống lẫn trong các cơn mưa rào. Trong tình trạng mưa khắc nghiệt thì mưa đá chỉ xảy ra trong khoảng 5 - 30 phút. Mưa đá được hình thành là do sự hình thành của dòng không khí đối lưu (dòng không khí lên xuống liên tục).

Nếu nhiệt độ trong các đám mây là -20 độ C thì hơi nước trong mây sẽ tự tạo thành những hạt băng nhỏ và rơi xuống. Khi các hạt băng đó tiếp xúc với tầng mây thấp hơn sẽ biến thành những giọt nước có độ lạnh dưới 0 độ C. Nếu từ bên dưới có luồng không khí không ngừng bốc lên thì các hạt băng trong tầng mây sẽ càng lớn hơn. Khi tới một trọng lượng nhất định chúng sẽ tự rơi xuống hình thành cơn mưa đá.

Ông Nguyễn Văn Hưởng, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, hiện nay các tỉnh vùng núi phía Bắc nói chung và toàn bộ Bắc bộ nói riêng đang trải qua các thời kỳ chuyển mùa, tức là từ trạng thái mùa xuân sang trạng thái mùa ấm áp hơn (mùa hè). Trong quá trình chuyển mùa đó sẽ xảy ra hiện tượng dông, lốc thường xuyên hơn và tập trung vào từ tháng 3 cho đến tháng 5, cao điểm sẽ vào tháng 4.

Nguyên nhân cụ thể trực tiếp thường trong những đợt này là do không khí lạnh yếu từ phía bắc tràn xuống trên nền nhiệt độ tương đối cao ở các tỉnh phía Bắc tạo điều kiện cho các khối khí xáo trộn mạnh gây ra những đám mây đối lưu phát triển và gây ra những trận mưa dông kèm theo đó là sấm sét, mưa đá và gió giật mạnh. Đây không phải là hiện tượng bất thường mà xuất hiện hàng năm, vào thời điểm giao mùa.

Chuyên gia nhận định, thời gian tới thì không chỉ miền Bắc mà hầu khắp cả nước sẽ có sự chuyển pha về thời tiết. Ở các tỉnh Bắc Bộ và Trung Bộ sẽ chuyển từ thời tiết giá lạnh sang ấm hơn, còn ở các tỉnh miền Nam là chuyển sang thời kỳ từ khô sang ẩm hơn. Do đó, trong thời gian tới, chúng ta sẽ được thấy xác suất xuất hiện dông lốc, sét, mưa đá, gió giật mạnh sẽ nhiều hơn và tập trung cao điểm vào khoảng tháng 4 đến tháng 5 sắp tới.

Với các hiện tượng thời tiết nguy hiểm có thể xảy ra trong thời gian tới thì chúng ta tiếp tục nâng cao công tác phòng chống và nâng cao ý thức về khí tượng thủy văn để có thể có những biện pháp chủ động phòng tránh. Người dân nên chú ý, trước tiên là phải theo dõi bản tin cảnh báo dự báo từ các cơ quan dự báo thời tiết từ trung ương đến địa phương để nắm bắt được tình hình thời tiết.

Tiếp theo đó là có những biện pháp phòng chống và sinh hoạt. Sau khi nghe thông tin có cảnh báo các hiện tượng thời tiết nguy hiểm trên thì chúng ta tránh sinh hoạt, hoạt động, lao động ngoài trời để có thể tránh sự ảnh hưởng của những hiện tượng thời tiết cực đoan, đặc biệt là sét và mưa đá. Tiếp tục cập nhật các thông tin thời tiết, khí tượng thủy văn để có thể nâng cao được kiến thức kinh nghiệm để có những biện pháp chủ động phòng tránh trước sự biến đổi rõ rệt của thời tiết thiên tai hiện nay.

Tháng 3-4 là giai đoạn chuyển mùa lạnh sang nóng nên thường xuất hiện các hiện tượng thời tiết bất thường như dông lốc, mưa đá. Trước đó ngày 27/3, 350 nhà dân, 20 điểm trường ở Hà Giang bị tốc mái; ngày 22/3 hơn 40 nhà dân cùng mái tôn trường tại huyện Sốp Cộp (Sơn La) bị tốc mái sau cơn dông và mưa đá.

Tô Hội

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/vi-sao-xuat-hien-mua-da-dien-rong-o-nhieu-dia-phuong-169240329090952219.htm