Vì sao Việt Nam mất hàng tỉ USD/năm vì 'thiên đường thuế'?

Theo nghiên cứu mới nhất của Tổ chức phi chính phủ Oxfam công bố tại buổi hội thảo “Thuế và Bất bình đẳng” chiều 7.10, những quốc gia nghèo và có thu nhập trung bình thấp, trong đó có Việt Nam đang phải trả giá đắt bởi mất khoảng 170 tỉ USD tiền thuế mỗi năm do các “thiên đường thuế”.

Panama là một trong những nơi hấp dẫn giới đầu tư toàn cầu. (Ảnh: BBC)

Theo bà Susana Ruiz Rodríguez, điều phối viên các hoạt động của Oxfam Quốc tế về chính sách toàn cầu trong lĩnh vực công bằng tài khóa, sự gian lận trong hệ thống thuế toàn cầu là nguyên nhân chính của cuộc khủng hoảng bất bình đẳng.

Trong đó, chuyển giá chính là một trong những hình thức né thuế phổ biến của nhiều công ty đa quốc gia hiện nay. Bà Susana minh họa, một sản phẩm sản xuất ở Việt Nam với mức giá rất thấp là 1 USD, khiến lợi nhuận của doanh nghiệp tại Việt Nam thấp và đóng thuế rất ít. Tuy nhiên, chiếc điện thoại này sẽ được xuất sang một thiên đường thuế, và được định giá 100 USD. Doanh nghiệp như vậy lãi 99 USD ở thiên đường thuế nhưng vì mức thuế ở đây là 0% nên không phải đóng đồng thuế nào. Sản phẩm này sau đó sẽ tiếp tục được bán ra ở nước thứ 3 với giá chỉ khoảng 101 USD. Như vậy, lợi nhuận từ sản phẩm này ở nước thứ 3 vẫn chỉ là 1 USD và tiếp tục được đóng thuế ở mức thấp. Trong khi, cả Việt Nam và nước thứ 3 đều gần như không thu được tiền thuế từ doanh nghiệp.

Tuy nhiên, đây chỉ là một trong những ví dụ cơ bản nhất. Theo đại diện Oxfam trên thực tế, còn rất nhiều cách “mới mẻ” hơn như cho vay trong nội bộ giữa các công ty hay chuyển toàn bộ các khoản đăng ký quyền sở hữu trí tuệ, sáng chế về các "thiên đường thuế" để... né thuế.

Chính sự thiếu minh bạch này đã tạo nên những nền kinh tế ảo ở các quốc đảo ngoài đại dương, như quần đảo Cayman nhỏ bé thu hút lượng vốn đầu tư FDI khổng lồ 2,574 tỉ USD, gấp ba lần FDI của Trung Quốc và bảy lần của Brazil. Hay như quốc đảo nhỏ nằm ở Tây Nam Ấn Độ Dương là Mauritius là nhà đầu tư lớn nhất vào Ấn Độ với 50% vốn FDI xuất phát từ quốc đảo này. Quần đảo British Virgin cũng là một thiên đường khác khi chỉ với 28.000 dân nhưng có tới 830.000 công ty được thành lập tại đây.

Hồ sơ Panama bị rò rỉ gần đây cho thấy hệ thống thuế toàn cầu đang bị lợi dụng một cách có tổ chức và đặt ra yêu cầu cần phải cải tổ toàn bộ hệ thống thuế thế giới. Chính những quốc gia nghèo và có thu nhập trung bình thấp, trong đó có Việt Nam lại phải trả giá đắt nhất. Theo ước tính, các quốc gia nghèo thất thoát khoảng 170 tỷ USD tiền thuế mỗi năm do các thiên đường thuế. Thống kê từ năm 2000 cho thấy, một nửa dân số nghèo nhất thế giới chỉ nhận được 1% tăng thêm của giá trị tài sản toàn cầu. Ngược lại, 1% người giàu nhất nhận được thêm 50% từ giá trị tài sản toàn cầu.

Trong năm 2013, 85 người giàu nhất thế giới sở hữu số tài sản tương đương 3,5 tỷ người nghèo nhất. Đến năm 2016, 62 người giàu có số tài sản tương đương với tổng tài sản của 3,6 tỷ người thu nhập thấp, tức một nửa dân số thế giới. Điều này có nghĩa là giới siêu giàu, hiện chỉ chiếm 1% dân số thế giới, lại đang sở hữu khối tài sản khổng lồ, lớn hơn tổng tài sản của 99% còn lại.

Theo đó, đại diện Oxfam cho biết, ý kiến xóa bỏ các "thiên đường thuế" của tổ chức này đã nhận được sự đồng thuận của khoảng 300 nhà kinh tế học ở các nước. Theo đó, những nước chịu thiệt vì “thiên đường thuế” có thể đặt ra lệnh cấm với những khoản đầu tư từ những các "thiên đường" này. Ngoài ra, giải pháp để chấm dứt kỷ nguyên của các “thiên đường thuế” là thành lập một hệ thống đăng ký công khai, tập trung đối với các hình thức sở hữu tài sản, nhằm công bố rõ ràng ai thực sự sở hữu các công ty và các quỹ. Việc minh bạch thông tin không chỉ cần thiết để chống tham nhũng, mà còn giúp chấm dứt kỷ nguyên của các “thiên đường thuế”, ngăn chặn các dòng tiền luân chuyển để trốn thuế tại những quốc gia nghèo nhất thế giới.

Oxfam cũng cảnh báo Việt Nam nên tỉnh táo trước nguồn vốn FDI, không nên nhận FDI từ các nước có chính sách thuế còn nhiều lỗ hổng để hạn chế tối đa tình trạng trốn thuế. Bởi theo OxFam, tại Việt Nam, 50% FDI đầu tư vào Việt Nam là đến từ thiên đường thuế từ Hồng Kông, Singapore, quần đảo British Virgin... nên lợi nhuận đều chuyển về đó. Dù Việt Nam thu hút nhiều đầu tư song thực chất số tiền thuế thu về khônq lớn.

T.H

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/kinh-te/vi-sao-viet-nam-mat-170-ti-usdnam-vi-thien-duong-thue-599583.bld