Vì sao tỷ lệ sinh ở Hàn Quốc thấp nhất thế giới

Sự chia rẽ trong vấn đề giới tính đang trở thành ranh giới xã hội ở Hàn Quốc và là nguyên nhân dẫn đến thực trạng tỷ lệ sinh giảm thấp nhất trong lịch sử.

Vào những ngày cảm thấy "thiện cảm" nhất với đàn ông - như vô tình nhìn thấy một anh chàng đẹp trai trên phố - Helena Lee (25 tuổi) có thể tạm gác sự chán ghét của mình và coi họ như “viên kẹo bắt mắt”.

“(Còn lại), tôi không quan tâm và cũng chẳng muốn biết điều gì đang hiện hữu bên trong bộ não của cánh mày râu”, cô nói.

Hầu hết thời gian, Lee không muốn làm bất cứ điều gì dính líu tới đàn ông. Cô kể lại cha thường xuyên đánh đập cô và bỏ đi khi cô 6 tuổi. Lee sống với mẹ và bà ngoại trong gia đình 3 thế hệ không có đàn ông.

"Tôi đã cố gắng đặt niềm tin vào các chàng trai, chứ không phải ghét cay ghét đắng họ. Nhưng xin lỗi, tôi hơi nghiêng về phía cực đoan”, cô cho hay.

Lee là một phần của phong trào đang ngày càng phổ biến ở Hàn Quốc - những phụ nữ chọn cuộc sống độc thân thay vì kết hôn và sinh con. Phong trào này có thể có tới hàng chục nghìn người tham gia, theo Atlantic.

Nó còn được gọi là “4B” hay “4 Không” - không hẹn hò, không quan hệ tình dục với nam giới, không kết hôn và không sinh con.

Họ là những người ở rìa cực đoan trong một xu hướng lớn hơn đang diễn ra ở Hàn Quốc - từ chối hôn nhân. Theo ước tính, hơn 1/3 đàn ông và 1/4 phụ nữ nước này, nằm trong độ tuổi 25-30, lựa chọn không bao giờ kết hôn. Thậm chí, nhiều người tuyên bố sẽ không bao giờ sinh con.

 Hơn 1/3 đàn ông và 1/4 phụ nữ Hàn Quốc, hiện ở độ tuổi từ 25 đến 30, lựa chọn không bao giờ kết hôn. Ảnh: Bloomberg.

Hơn 1/3 đàn ông và 1/4 phụ nữ Hàn Quốc, hiện ở độ tuổi từ 25 đến 30, lựa chọn không bao giờ kết hôn. Ảnh: Bloomberg.

Nguy cơ tuyệt chủng

Năm 1960, trung bình mỗi phụ nữ Hàn Quốc có 6 người con trong đời. Vào năm 2023, tổng tỷ suất sinh của Hàn Quốc ghi nhận chỉ còn 0,72.

Cơ quan thống kê Hàn Quốc dự kiến tỷ suất sinh của nước này có thể giảm xuống 0,68 trong năm nay và tiếp tục giảm xuống 0,65 vào năm 2025.

Không chỉ vậy, dựa trên dự báo dân số của Cơ quan Thống kê Hàn Quốc, dân số nước này dự kiến giảm từ 51,33 triệu vào cuối năm 2020 xuống còn 36,22 triệu vào năm 2072. Đến lúc đó, một nửa dân số sẽ trên 63 tuổi.

Giáo sư David Coleman của Đại học Oxford (Anh) chia sẻ với Chosun rằng Hàn Quốc có nguy cơ trở thành quốc gia đầu tiên biến mất khỏi Trái Đất do phải đối mặt vấn đề tuyệt chủng vì khủng hoảng dân số.

Trong gần 20 năm, chính phủ nước này đã cố gắng khuyến khích người dân kết hôn và sinh con nhiều hơn. Năm 2005, Hàn Quốc thừa nhận mức sinh thấp là vấn đề mang tầm quan trọng quốc gia và ban hành Đạo luật khung về Tỷ lệ sinh thấp trong xã hội già hóa.

Nhà chức trách cũng cố gắng tạo điều kiện để người dân sinh con bằng cách kéo dài thời gian nghỉ thai sản, thưởng tiền và trợ cấp nhà ở cho cặp vợ chồng mới cưới ở Seoul.

Thị trưởng thành phố này đã đề xuất nới lỏng hạn chế về thị thực để có thêm nhiều bảo mẫu từ nước ngoài đến với mức lương rẻ hơn, trong khi một số chính quyền nông thôn khuyến khích đàn ông kiếm vợ ngoại quốc.

Năm 2016, chính phủ công bố "bản đồ sinh đẻ", cho thấy số phụ nữ trong độ tuổi sinh sản sống ở các khu vực khác nhau - nỗ lực nhằm khuyến khích nữ giới sinh nhiều thêm em bé.

 Trong gần 20 năm, chính phủ Hàn Quốc đã cố gắng khuyến khích người dân kết hôn và sinh con nhiều hơn. Ảnh: News1.

Trong gần 20 năm, chính phủ Hàn Quốc đã cố gắng khuyến khích người dân kết hôn và sinh con nhiều hơn. Ảnh: News1.

Tuy nhiên, động thái này phản tác dụng, làm dấy lên cuộc biểu tình ủng hộ nữ quyền. Một số người đã cầm biểu ngữ có nội dung "tử cung của tôi không phải là món hàng công cộng quốc gia và máy bán hàng tự động 'nhả ra' trẻ sơ sinh".

Trong suốt thời gian qua, Hàn Quốc chi hơn 150 tỷ USD với hy vọng có thêm nhiều em bé chào đời. Nhưng những nỗ lực này dường như kém hiệu quả.

"Chiến tranh giới tính"

Quyết định không sinh con xuất phát từ nhiều lý do. Giới trẻ Hàn Quốc cho rằng trở ngại bao gồm chi phí nhà ở cao tại Seoul, chi phí nuôi dạy con cái trong nền văn hóa học tập siêu cạnh tranh và chuẩn mực khắc nghiệt tại nơi làm việc.

Điều này có thể đặc biệt đúng với phụ nữ - những người vẫn phải làm phần lớn công việc nhà và chăm sóc con cái.

Nhưng trên hết, gốc rễ vấn đề nằm ở sự xấu đi trong quan hệ giữa nữ giới và nam giới - điều mà truyền thông Hàn Quốc gọi là "chiến tranh giới tính".

Bất chấp những chuyển biến nhanh chóng trong xã hội Hàn Quốc, vai trò giới tính dường như phát triển chậm hơn.

Chang Kyung-sup, nhà xã hội học tại Đại học Quốc gia Seoul, đặt ra thuật ngữ "hiện đại nén" để mô tả sự kết hợp giữa chuyển đổi kinh tế nhanh như chớp tại Hàn Quốc và sự phát triển chậm chạp, không đồng đều của các thể chế xã hội.

Năm 2015, số lượng nữ giới vào đại học đã vượt cả nam giới. Tuy nhiên, phụ nữ có học vấn thường được cho là sẽ ở nhà nội trợ sau khi kết hôn hoặc làm mẹ. Gia đình vẫn là đơn vị cơ bản của xã hội và trách nhiệm gia đình vẫn đổ lên đầu người phụ nữ.

Khát vọng của nữ giới ngày càng lớn hơn, nhưng quan niệm về việc làm vợ, làm mẹ ở Hàn Quốc thì chưa. Kết quả là nỗi bất mãn về sự phân chia giới tính trở nên sâu sắc.

 Chi phí nuôi dạy con cái tốn kém là một trong những trở ngại khiến giới trẻ Hàn Quốc không muốn kết hôn. Ảnh: Newsis.

Chi phí nuôi dạy con cái tốn kém là một trong những trở ngại khiến giới trẻ Hàn Quốc không muốn kết hôn. Ảnh: Newsis.

Cho Jung-min từng dự định kết hôn ở tuổi 23. Mẹ cô lấy chồng từ khi còn trẻ và sinh cô ở tuổi 22. Cho thích ý tưởng hai mẹ con có thể cùng xem chương trình truyền hình và hâm mộ ca sĩ giống nhau.

“Tôi muốn làm điều tương tự với con mình”, Cho nói.

Nhưng vào năm 18 tuổi, cô đã đề cập đến kế hoạch kết hôn với một người bạn và nhận lại câu hỏi: “Vậy tại sao bạn phải vất vả học tập để vào đại học?”.

Cho nghĩ đó là câu hỏi hay “Nó tạo ra bước ngoặt trong cuộc đời của tôi”, cô chia sẻ. Hiện tại, Cho đã ngoài 30 tuổi và độc thân.

Khi được hỏi tại sao giới trẻ Hàn Quốc đang dần "rút lui" khỏi việc hẹn hò, Cho ngay lập tức đề cập đến vấn đề an toàn về thân thể. “Ngày nay, có rất nhiều vụ bạo lực khi hẹn hò nên chúng tôi bắt đầu cảm thấy rất sợ hãi”, cô chia sẻ.

Năm 2016, một người đàn ông 34 tuổi đã sát hại một phụ nữ trong nhà vệ sinh công cộng gần ga tàu điện ngầm Gangnam ở Seoul. Mặc dù hung thủ trình bày rằng anh ta cảm thấy tức giận vì phụ nữ thường xuyên phớt lờ mình, cảnh sát kết luận hung thủ mắc bệnh tâm thần.

Đây là sự kiện “mầm mống” khiến nhiều phụ nữ trẻ Hàn Quốc cảm thấy sợ hãi và tức giận. Họ e ngại nó có thể đã xảy ra với bất cứ ai.

Theo nghiên cứu năm 2021 của Bộ Bình đẳng giới và Gia đình Hàn Quốc, 16% phụ nữ nước này từng trải qua một số loại bạo lực do người yêu gây ra - bao gồm cả lạm dụng tình cảm, thể chất và tình dục, cùng một loạt hành vi kiểm soát khác.

Nam giới cũng áp lực

Nếu phụ nữ Hàn Quốc cảm thấy khó chịu trước kỳ vọng của đàn ông về họ, điều ngược lại cũng đang diễn ra.

Đàn ông ở Hàn Quốc thường được coi là trụ cột gia đình. Họ làm việc trung bình nhiều hơn phụ nữ 5 giờ/tuần.

 Hàn Quốc đang phải đối mặt với bài toán khủng hoảng dân số. Ảnh: Dion Bierdrager.

Hàn Quốc đang phải đối mặt với bài toán khủng hoảng dân số. Ảnh: Dion Bierdrager.

Trong mối quan hệ, nhiều người Hàn Quốc vẫn kỳ vọng đàn ông hoặc gia đình anh ta sẽ mua nhà khi mới cưới, dù cả hai vợ chồng đều có sự nghiệp.

Trên thực tế, nghiên cứu cho thấy thu nhập của cha mẹ là yếu tố ảnh hưởng đến việc liệu một người đàn ông ở Hàn Quốc có kết hôn hay không.

Ha Jung-woo (31 tuổi) cao ráo, đẹp trai, với nụ cười ấm áp và cách cư xử hoàn hảo, là mẫu người mà các cô gái ao ước.

Năm 2021, anh từng đính hôn với một người phụ nữ. Ngày đã định, địa điểm đã được đặt. Cả hai bên gia đình thống nhất họ sẽ cùng nhau giúp cặp vợ chồng mới cưới mua căn hộ. Gia đình bên nhà gái sẽ chi 30% giá trị căn nhà, Ha Jung-woo chịu trách nhiệm 20% và cha anh trả nốt 50%.

Tuy nhiên, sau đó công việc kinh doanh dệt may của cha anh gặp phải khó khăn và ông chỉ có thể góp 30%.

Dù vậy, Ha Jung-woo vẫn có thể vay tiền nhờ có công việc ổn định. Nhưng anh kể lại khi hay tin về hoàn cảnh khó khăn của cha anh, gia đình vợ sắp cưới lo sợ và đã hủy bỏ hôn ước.

Yoon Jun-seok đang học năm thứ 2 chương trình kết hợp bằng thạc sĩ và tiến sĩ tại đại học danh tiếng Hàn Quốc. Yoon có rất ít bạn nữ và chưa bao giờ có bạn gái.

Anh không cảm thấy việc hẹn hò là “cần thiết” vào thời điểm này. Ở tuổi 25, ưu tiên duy nhất của anh là hoàn thành bằng tiến sĩ - việc này sẽ mất 5 hoặc 6 năm nữa - và sau đó kiếm công việc ổn định.

Chỉ khi đó, Yoon mới nghĩ mình có thể hẹn hò.

“Nếu tôi có thể kết hôn, có lẽ tôi thích ở độ tuổi từ 35 đến 40 hơn”, anh nói. “Nuôi dạy trẻ em ở Hàn Quốc tốn rất nhiều chi phí”.

Minh An

Nguồn Znews: https://znews.vn/chuyen-gi-dang-xay-ra-o-han-quoc-post1462608.html