Vì sao truyền dịch có thể dẫn đến chết người?

Sau vài phút truyền dịch tại phòng khám tư, một bệnh nhân đã rơi vào lơ mơ, sau đó tử vong trên đường chuyển đến bệnh viện.

 Một số biến cố xảy ra trong quá trình truyền dịch có thể người bệnh mất mạng. Ảnh: Pixabay.

Một số biến cố xảy ra trong quá trình truyền dịch có thể người bệnh mất mạng. Ảnh: Pixabay.

Truyền dịch là phương pháp phổ biến được thực hiện tại các bệnh viện và phòng khám. Tuy nhiên, việc lạm dụng truyền dịch hoặc truyền tại các cơ sở không uy tín có thể gây ra biến chứng và tai biến, thậm chí tử vong cho bệnh nhân.

Nhiều tai nạn chết người vì tự ý truyền dịch

Theo Công An Nhân Dân, ngày 2/3, lực lượng công an thị xã Buôn Hồ đang điều tra vụ việc liên quan cái chết của bà Trương Thị Hùng (71 tuổi, sống tại tỉnh Đắk Lắk) sau khi bà cụ truyền dịch ở một phòng khám tư trên địa bàn.

Trước đó, bà Hùng có dấu hiệu mệt mỏi và đau bụng nên được các bác sĩ tại Phòng khám Đa khoa Buôn Hồ chỉ định truyền nước. Tuy nhiên, sau khi truyền nước khoảng 15 phút, bà bỗng tím tái, sau đó lịm đi, tắt thở.

Trường hợp tử vong do truyền dịch không hiếm gặp. Trước đó, ngày 3/7/2022, một bệnh nhân nữ (28 tuổi, sống tại TP.HCM) đã tử vong với tình huống tương tự.

Trước đó, người phụ nữ được gia đình chuyển đến phòng khám tư sau khi có các triệu chứng ban đầu của bệnh sốt xuất huyết. Tuy nhiên, ngay sau đó, bệnh nhân được phòng khám đưa đến bệnh viện cấp cứu trong tình trạng mạch bằng 0, ngưng tim và ngưng thở.

 Truyền dịch có thể xảy ra nhiều biến chứng sớm và muộn. Ảnh: Blog.rehabselect.

Truyền dịch có thể xảy ra nhiều biến chứng sớm và muộn. Ảnh: Blog.rehabselect.

Năm 2019, một phụ nữ 33 tuổi (quê Thừa Thiên - Huế) được xác định tử vong sau khi truyền đạm để tăng cường sức khỏe tại phòng khám tư ở Hà Nội.

Cùng thời điểm này, một bệnh nhân 63 tuổi (quê Bạc Liêu) cũng bất ngờ tử vong chỉ sau khi được truyền gần 10 chai dịch tại bệnh viện.

Truyền dịch sai cách gây ra nhiều biến chứng

Trao đổi với Zing, bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm Oxy cao áp Việt - Nga (Bộ Quốc phòng) cho rằng một số người, thậm chí cả bác sĩ đã lạm dụng việc truyền dịch.

Tuy nhiên, truyền dịch cũng có thể khiến người bệnh mất mạng nếu gặp biến chứng nguy hiểm như sốc phản vệ, phù phổi cấp.

Sốc phản vệ là tình trạng xảy ra khi cơ thể dị ứng với các thành phần trong dịch truyền (kháng sinh), do truyền tốc độ quá nhanh...

Lúc này, người bệnh bị rét run hoặc sốt cao đột ngột, biểu hiện rõ hơn là mạch nhanh, vã mồ hôi, chân tay lạnh, tụt huyết áp, khó thở, nhịp tim nhanh và nông. Nếu không xử trí kịp thời, bệnh nhân có thể tử vong.

Bên cạnh đó, suy tim cũng là biến cố có thể ra xảy khi lượng dịch lớn vào cơ thể với tốc độ nhanh. Bệnh nhân vốn đã bị phù hoặc suy tim nên dễ dẫn đến hen tim, phù phổi cấp, phù màng bụng, phù toàn thân. Hen tim và phù phổi cấp nếu không cấp cứu kịp thời sẽ gây ra tử vong.

Một số tình trạng khác có thể khiến bệnh nhân diễn tiến xấu hơn khi truyền dịch là rối loạn điện giải, đột quỵ não... Đôi khi là tai biến do kỹ thuật gồm chệch ven (có thể hoại tử nếu truyền canxi), lọt không khí vào tĩnh mạch gây tắc mạch, sưng nề vị trí chọc kim.

Bác sĩ Hoàng lý giải truyền dịch là đưa lượng lớn chất lỏng vào hệ tuần hoàn qua đường tĩnh mạch, thường là dung dịch nước muối sinh lý (NaCl 0,9%), dung dịch Ringer Lactat (có thành phần giống dịch trong cơ thể), dung dịch Glucose 5%.

PGS.TS Huỳnh Wynn Trần, bác sĩ chuyên khoa của Bệnh viện Methodist Hospital, giảng dạy tại Đại học Y khoa California Northstate (Mỹ), cũng chia sẻ trong y văn có nhiều ca tử vong do lạm dụng truyền dịch khi mệt mỏi dẫn đến sốc, suy tim phù phổi.

Chuyên gia này nhấn mạnh truyền dịch ở nhà hay ở các nơi không có bác sĩ theo dõi càng tăng rủi ro tai biến.

Nguyên nhân là dịch truyền vào người phải đảm bảo vô trùng, bác sĩ hay điều dưỡng luôn túc trực theo dõi phản ứng sốc phản vệ, nhiễm khuẩn hay các biến chứng khác.

PGS Huỳnh Wynn Trần chỉ ra với các bệnh dưới dây không nên tự ý truyền dịch:

- Suy tim: Tim yếu dẫn đến ứ nước ở phổi, phù phổi, làm suy tim nặng, trụy tim và có thể dẫn đến tử vong khi truyền dịch.

- Suy thận: Với thận suy nặng và độ lọc thận GFR bị giảm, thận sẽ không chịu nổi lượng nước đưa vào dẫn đến gây ứ nước, phù nề chân.

- Kiệt sức do mất nước chạy bộ đổ mồ hôi: Bệnh nhân bị mất nước lẫn muối khi chạy bộ, khi truyền nước có đường (ngọt) sẽ gặp tác dụng phụ nguy hiểm.

Các bác sĩ khuyến cáo người dân cần thận trọng khi truyền dịch, chỉ thực hiện khi cần thiết và có chỉ định của bác sĩ.

Bích Huệ - Nam Giao

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/vi-sao-truyen-dich-co-the-dan-den-chet-nguoi-post1408333.html