Vì sao tranh của danh họa Việt Nam thường đắt tiền?

Tranh do danh họa Việt Nam sáng tác bắt đầu được chú ý đến vì giá trị đắt đỏ sau mỗi phiên giao dịch quốc tế.

Bức tranh lụa Uyên ương hý liên của danh họa Lê Phổ chốt với giá 1,28 triệu USD (hơn 31 tỷ đồng), bức Chân dung cô Phượng của danh họa Mai Trung Thứ gõ búa với mức giá 3,1 triệu USD (hơn 72,7 tỷ đồng), Gia đình trong vườn của danh họa Lê Phổ đấu giá thành công 2,37 triệu USD (hơn 55 tỷ đồng)…

Nhiều bạn đọc thắc mắc: Vì sao tranh của danh họa thường đắt tiền đến vậy?

Tranh do danh họa Việt Nam sáng tác bắt đầu được chú ý đến vì giá trị đắt đỏ sau mỗi phiên giao dịch quốc tế. Ảnh: QUỐC HƯƠNG

Tranh 'Đông Dương' thu hút giới sưu tầm quốc tế

Một điều đáng chú ý, hầu hết các tác phẩm kể trên đều được các họa sĩ có xuất thân từ Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương danh tiếng sáng tác.

Lý giải rõ ràng cho sự đắt giá này, họa sĩ Nguyễn Anh Đào (ngụ quận 1, TP.HCM) cho rằng, tranh của các họa sĩ đến từ Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương thu hút giới sưu tầm trong và ngoài nước bởi thể hiện nét đặc trưng phối hợp giữa nghệ thuật phương Đông và phương Tây mà chỉ biểu hiện ở dòng tranh "Đông Dương".

Bức "Em bé bên chú chim" của họa sĩ Nguyễn Phan Chánh từng được nhà đấu giá Christie's gõ búa với giá 853.921 USD (gần 20 tỷ đồng) vào năm 2018. Ảnh: CHỤP MÀN HÌNH.

“Các danh họa áp dụng bút pháp chính xác trong cách sắp xếp chi tiết, gam màu và quy luật vị trí của nghệ thuật phương Đông, với tính sáng tạo, sự thể hiện cá nhân trong nghệ thuật phương Tây vào trong từng tác phẩm. Dòng tranh “Đông Dương” danh tiếng vì thế có đặc điểm tương phản và hòa hợp so với tranh khác, gây mưa gió trên các sàn đấu giá quốc tế”, họa sĩ Nguyễn Anh Đào lý giải.

Lấy tranh của danh họa Nguyễn Phan Chánh và Nguyễn Gia Trí làm ví dụ. Hai bậc thầy tạo hình này được đào tạo từ trường Cao đẳng Mỹ Thuật Đông Dương. Đối với họa sĩ Nguyễn Phan Chánh, thưởng thức tác phẩm của ông gợi đến sự phối hợp mẫu mực của nghệ thuật cổ điển phương Đông với đường nét mềm mại, thanh thoát, ý nhị và kín đáo của nghệ thuật phương Tây. Nguyễn Gia Trí gây thõa mãn người thưởng thức với lối in khắc sơn cổ truyền phối hợp nguyên tắc cấu trúc tranh vẽ phương Tây.

Bức Vườn Xuân Trung Nam Bắc của danh họa Nguyễn Gia Trí là một trong số những tác phẩm sơn mài tiêu biểu của nền mỹ thuật hiện đại Việt Nam, được UBND TP. HCM mua từ những năm 1990 với giá 100.000 USD để trưng bày tại Bảo tàng mỹ thuật TP.HCM. Năm 2012, tác phẩm chính thức được công nhận là bảo vật quốc gia của Việt Nam. Ảnh: Tư liệu

Bên cạnh đó, họa sĩ Nguyễn Anh Đào nhấn mạnh đến vai trò tiên phong của người nghệ sĩ. Mỗi tác phẩm không chỉ gồm màu sắc và đường nét, mà còn là một tuyên ngôn về sự đổi mới, sự sáng tạo trong lĩnh vực hội họa.

“Mỗi họa sĩ tạo ra một dấu ấn riêng của mình, họ đã xây dựng tên tuổi và vị thế trong cộng đồng nghệ thuật quốc tế bằng cách ghi lại dấu ấn trong lịch sử. Ví dụ như họa sĩ Mai Trung Thứ, tranh vẽ của ông thường có chủ đề phụ nữ mặc áo tân thời Lemur do họa sĩ Nguyễn Cát Tường thiết kế. Mà họa sĩ Nguyễn Cát Tường là người đầu tiên khởi xướng cuộc cải cách y phục phụ nữ và ghi dấu ấn táo bạo cho áo dài Việt Nam. Hoặc họa sĩ Tạ Tỵ được biết đến là người khai mào dòng tranh trừu tượng, giá trị của ông đến từ bút pháp riêng biệt và tạo ra sự chú ý lớn trong giới nghệ thuật bởi một dòng tranh hoàn toàn mới.

Năm 2021, nhà đấu giá Sotheby's HongKong chốt mức giá 3,1 triệu USD cho bức Portrait of Mademoiselle Phuong (Chân dung cô Phương) của danh họa Mai Trung Thứ. Ảnh: SOTHEBY'S.

Bên cạnh đó, người họa sĩ không chỉ cầm cọ và một tấm tranh trống để vẽ, mà họ đắm mình vào thế giới thực, tìm kiếm nguồn cảm hứng và trải nghiệm đặc biệt cho từng khung cảnh. Điểm đặc biệt và tính cá nhân hóa trong mỗi tác phẩm chính là điều tạo nên giá trị duy nhất của bức tranh” – họa sĩ Nguyễn Anh Đào nói.

Tài sản tích lũy an toàn

Tranh là loại hàng hóa nhân tạo đặc biệt, giá trị bậc nhất thế giới, giá trị hơn lâu đài, máy bay, du thuyền… vì tính chất độc bản.

Bức tranh lụa "Uyên ương hý liên" do danh họa Lê Phổ sáng tác vào cuối những năm 1930. Ảnh: SOTHEBY'S.

Giá trị bức tranh thường chịu tác động của quy luật cung cầu trên thị trường, nhà nghiên cứu mỹ thuật Lý Đợi cho rằng, tranh do các danh họa sáng tác thường đắt tiền vì được mua đi bán lại nhiều lần.

“Mỗi lần giao dịch, giá phải tăng lên thì chủ nhân mới bán ra. Chính vì vậy, qua năm tháng, bức tranh thu hút và được săn lùng. Tất nhiên, khi đã gọi là danh họa, tranh phải có giá trị về nghệ thuật và vị trí trong lịch sử mỹ thuật. Giá trị này lớn hoặc nhỏ là tùy tranh và góc nhìn, nhưng chắc chắn phải giá trị thì giá cả mới cao” – Nhà nghiên cứu Lý Đợi chia sẻ.

Hoàng thân Nguyễn Phúc Bửu Lộc được biết đến như một nhà sưu tập danh giá tại Pháp và người bảo trợ nghệ thuật thân thiết với danh họa Lê Phổ. Ảnh: CHỤP MÀN HÌNH.

Bên cạnh đó, biến động giá tranh sẽ dao động tùy thuộc vào các yếu tố như danh tiếng của họa sĩ hoặc do chúng thuộc sở hữu từ các nhà sưu tầm nổi tiếng.

“Hiện nay tranh của bộ tứ Paris (PV: gồm các danh họa sinh sống, làm việc tại Paris (Pháp): Mai Trung Thứ, Lê Phổ, Vũ Cao Đàm, Lê Thị Lựu) đang trở nên ‘hot’. Tranh càng ‘hot’, giá càng lên cao, dẫn đến khan hiếm và nằm trong tầm quan tâm của các nhà sưu tập” – Nhà nghiên cứu nói.

Tranh Bùi Xuân Phái ít được săn lùng vì không phân biệt được thật - giả
Nhà nghiên cứu mỹ thuật Lý Đợi chia sẻ, hiện nay tranh của danh họa Bùi Xuân Phái ít được quan tâm vì thị trường đang có quá nhiều tranh giả và nhái, việc mua một bức tranh thật rất khó, khiến nhiều người e ngại.

Kế đến, tranh của danh họa này mất giá còn do niềm tin nhà sưu tập bị lung lay, cho dù thấy tranh thật cũng không dám tin đó là tranh thật. Cuối cùng, dù tranh Bùi Xuân Phái rất nổi tiếng, nhưng việc tăng giảm giá lại rất thất thường, khiến việc đầu tư quá phiêu lưu, đôi khi bị thua lỗ, nên có tranh mà muốn bán, cũng không hề dễ.

Tranh "Tết Giáp Tý 1984" kèm theo giấy chứng nhận kỷ vật do họa sĩ Bùi Xuân Phái tặng nhà thơ Đỗ Bạch Mai. Ảnh: Y.V

Tranh còn được xem là tài sản tích lũy, phương pháp cất giữ của cải và có tính hấp dẫn lên tất cả mọi đối tượng cho dù có thuộc giới đầu tư hay không. Mặc dù xã hội chịu tác động của chính trị, kinh tế…nhưng tác phẩm hội họa sẽ không bị mất giá, nên được xem là kênh trú ngụ an toàn của dòng tiền.

“Tranh rất dễ giấu và cũng rất dễ khoe, tùy nhu cầu. Ví dụ việc sở hữu một du thuyền, một máy bay thì khó giấu, chứ bức tranh thì quá dễ giấu và mang đi khắp nơi. Tranh là vật thay thế cho tiền, vàng, vốn khó mang đi qua các biên giới. Chính vì vậy, trong các giỏ tài sản của một siêu giàu, tranh là một hạng mục đầu tư an toàn” – Nhà nghiên cứu nhấn mạnh.

QUỐC HƯƠNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/vi-sao-tranh-cua-danh-hoa-viet-nam-thuong-dat-tien-post764697.html