Vì sao tỉnh Hòa Bình chưa hoàn thành số hóa dữ liệu đất đai?

Tính đến nay, sau 2 năm thực hiện Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư (DLDC), định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030' (Đề án 06/CP) Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) luôn quan tâm thực hiện các nhiệm vụ thuộc lĩnh vực của ngành theo lộ trình của Đề án như thực hiện số hóa hồ sơ phục vụ tái sử dụng trong công tác cải cách hành chính; triển khai tiếp nhận và giải quyết có hiệu quả 3 dịch vụ công thiết yếu thuộc lĩnh vực ngành.

Tính đến nay, sau 2 năm thực hiện Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư (DLDC), định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030” (Đề án 06/CP) Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) luôn quan tâm thực hiện các nhiệm vụ thuộc lĩnh vực của ngành theo lộ trình của Đề án như thực hiện số hóa hồ sơ phục vụ tái sử dụng trong công tác cải cách hành chính; triển khai tiếp nhận và giải quyết có hiệu quả 3 dịch vụ công thiết yếu thuộc lĩnh vực ngành.

Cán bộ Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Kim Bôi kiểm tra công tác quy hoạch, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên thực địa tại xã Vĩnh Đồng.

Qua đó góp phần nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính trên Cổng Dịch vụ công của tỉnh; ứng dụng, khai thác DLDC trong thực hiện các nhiệm vụ chuyên ngành; kết nối, chia sẻ dữ liệu đất đai (DLĐĐ)... Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số tồn tại, khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện Đề án 06/CP liên quan đến lĩnh vực, ngành, nhất là việc số hóa DLĐĐ còn chậm so với chỉ tiêu giao.

Là một trong số 60/63 tỉnh, thành phố chưa hoàn thành số hóa DLĐĐ

Liên quan đến vấn đề này, đồng chí Bùi Quang Toàn, Giám đốc Sở TN&MT cho biết: Theo nội dung Công văn số 448/VPVP-QHĐP, ngày 18/1/2022 của Tổ công tác Chính phủ về triển khai thực hiện Đề án 06/CP thì Hòa Bình là một trong 60/63 tỉnh, thành phố chưa hoàn thành nhiệm vụ số hóa dữ liệu đất đai hay còn gọi là cơ sở dữ liệu đất đai (CSDLĐĐ).

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do những bất cập trong công tác đo đạc, lập bản đồ địa chính, kê khai đăng ký, lập hồ sơ địa chính, cấp giấy chứng nhận và xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính. Theo đó, tính đến nay, trên địa bàn tỉnh đã thực hiện đo đạc lập bản đồ địa chính chính quy 9 huyện, thành phố. Riêng huyện Đà Bắc mới có thị trấn Đà Bắc là đã được đo đạc, lập bản đồ địa chính chính quy. Thời gian qua, tỉnh cũng thực hiện hoàn thành việc xây dựng CSDLĐĐ đối với huyện Tân Lạc và Yên Thủy, phần mềm sử dụng là phần mềm Elis cloud. Nguồn kinh phí thực hiện đối với 2 địa phương này chủ yếu do Bộ TN&MT tài trợ, UBND tỉnh chỉ bổ sung một phần kinh phí đối ứng. Tuy nhiên, đối với huyện Tân Lạc, từ tháng 6/2023 phần mềm Elis cloud bị lỗi nên không thể cập nhật, chỉnh lý CSDLĐĐ. Còn huyện Yên Thủy thì CSDLĐĐ của huyện đã được tích hợp trên Hệ thống quản lý thông tin đất đai của Sở TN&MT. Cơ sở hạ tầng để kết nối đảm bảo, nhưng việc chuyển giao, hướng dẫn, vận hành, khai thác, chỉnh lý chưa được cụ thể hóa. Ngoài ra, Bộ TN&MT đã ban hành Quyết định số 3067/QĐ-BTNMT, ngày 11/11/2022 về việc phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án "Xây dựng hoàn thiện cơ sở dữ liệu TN&MT kết nối liên thông với các cơ sở dữ liệu/hệ thống thông tin”. Theo đó, Bộ sẽ xây dựng hệ thống thông tin quốc gia về đất đai tập trung, thống nhất từ T.Ư đến địa phương; đồng bộ, đa mục tiêu và kết nối liên thông để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về đất đai. Dự kiến đến năm 2025 sẽ hoàn thành hệ thống và đưa vào vận hành chính thức, DLĐĐ của các địa phương sẽ được quản lý, vận hành tập trung thống nhất trên hạ tầng của Bộ TN&MT. Như vậy là đến nay Bộ TN&MT chưa thống nhất phần mềm vận hành chính thức DLĐĐ của các địa phương.

"Nghẽn” về kinh phí và phần mềm vận hành, chia sẻ, khai thác

Trên thực tế, 3 dự án đo đạc, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) và xây dựng CSDLĐĐ trên địa bàn các huyện Mai Châu, Cao Phong, Kim Bôi đã được UBND tỉnh phê duyệt kinh phí, dự kiến hoàn thiện công đoạn xét duyệt cấp GCNQSDĐ trong năm 2024, hoàn thành xây dựng CSDLĐĐ năm 2025 thì các huyện còn lại vẫn trong quá trình thực hiện lộ trình của dự án.

Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện nhiệm vụ này, theo đồng chí Bùi Quang Toàn, Giám đốc Sở TN&MT, Sở đã có Văn bản số 5040/ STNMT-ĐĐBĐ, ngày 05/12/2023 gửi các huyện, thành phố đề nghiựu tiên bố trí nguồn lực triển khai thực hiện điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021 - 20230 cấp huyện và Kế hoạch đo đạc lập bản đồ địa chính, kê khai đăng ký, lập hồ sơ địa chính, cấp GCNQSDĐ và xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính trên địa bàn tỉnh giai đoạn đến năm 2030. Tuy nhiên, đây cũng là một trong những nhiệm vụ khó khăn, bởi tổng khái toán kinh phí dự kiến thực hiện rất lớn, khoảng 861,14 tỷ đồng. Trong đó bao gồm đã thanh toán công đoạn xây dựng lưới, công đoạn đo đạc cho 3 dự án đo đạc địa chính trên địa bàn các huyện Cao Phong, Kim Bôi, Mai Châu là 113,82 tỷ đồng; tổng nhu cầu kinh phí khai toán cho các dự án còn lại là 747,32 tỷ đồng, đã gây ra nhiều khó khăn cho các địa phương trong việc bố trí nguồn kinh phí thực hiện.

Cùng với đó, Bộ TN&MT cũng chưa thống nhất phần mềm vận hành chính thức DLĐĐ của các địa phương. Đây chính là "điểm nghẽn” trong thực hiện số hóa DLĐĐ, dẫn đến có nhiều khả năng tỉnh sẽ không hoàn thành chỉ tiêu được giao theo lộ trình thực hiện Đề án 06/CP theo lĩnh vực của ngành. Trước thực trạng trên, đồng chí Bùi Quang Toàn nêu kiến nghị: Để hoàn thành số hóa DLĐĐ của tỉnh, đề nghị Tỉnh ủy, UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo các Huyện ủy, UBND các huyện ưu tiên bố trí nguồn kinh phí để triển khai thực hiện theo kế hoạch. Đồng thời, UBND tỉnh đề nghị với Bộ Công an có ý kiến với Bộ TN&MT khẩn trương xây dựng thống nhất phần mềm vận hành chính thức về tích hợp DLĐĐ của các địa phương để thực hiện kết nối, chia sẻ, khai thác...

Mạnh Hùng

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/28/187834/vi-sao-tinh-hoa-binh-chua-hoan-thanh-so-hoa-du-lieu-dat-dai.htm