Vì sao Thất tịch lại mưa?

Ngày Thất tịch còn được gọi là ngày ông Ngâu bà Ngâu, với thời tiết đặc trưng là những cơn mưa rả tích; vì sao Thất tịch lại mưa?

"Ngày nay đôi ta xa nhau, lá xanh trên cành thành lá úa, từng giọt mưa ngâu rớt bên thềm, tình yêu đâu dễ lãng quên. Và cơn mưa, mưa rồi sẽ tan đi trên trời đầy nắng gió. Giọt mưa ngâu hay là nước mắt ai nhớ nhau? Chuyện tình yêu như là những cơn mưa trong đời đầy nắng gió, để trên mi ai bây giờ ướt đẫm mưa ngâu". Đó là những câu hát trong ca khúc Mưa ngâu đình đám, rất được bạn trẻ yêu thích trong thập kỷ 1990.

Mưa ngâu, đó là kiểu thời tiết đặc trưng chỉ có trong khoảng thời gian gần ngày 7/7 Âm lịch - ngày Thất tịch, ngày ông Ngâu bà Ngâu. Với câu hỏi vì sao Thất tịch lại mưa, có hai cách giải thích, một đến từ câu chuyện dân gian, một từ các nhà khoa học.

Câu chuyện cổ tích lý giải vì sao Thất tịch lại mưa

Câu chuyện về Ngưu lang Chức nữ trong kho tàng truyện cổ tích Việt Nam lý giải vì sao Thất tịch lại mưa như sau: Một chàng trai nghèo tình cờ gặp Chức nữ (tiên nữ dệt vải) trong rừng khi nàng cùng các tiên nữ khác xuống hồ tắm, liền trộm đôi cánh tiên của nàng. Không thể về trời được, Chức nữ ở lại làm vợ anh, hai người yêu thương thắm thiết và có với nhau một mặt con. Một hôm người chồng đi vắng, vợ ở nhà phát hiện ra đôi cánh tiên của mình giấu trong thúng thóc, bèn trở về trời.

Khi về thấy mất vợ, đôi cánh tiên cũng biến mất, người chồng hoảng hốt hỏi con thì đứa bé nói mẹ đã bay về trời. Anh liền mang con lên trời tìm vợ. Chức nữ gặp lại chồng con mừng tủi trào nước mắt, nhưng tiên phàm không thể kết duyên nên họ chỉ dám lén lút gặp nhau. Vài hôm sau, Chức nữ phải tiễn chồng con về vì người trần không được ở lại thượng giới. Nàng đưa gói cơm cho chồng, để hai cha con ngồi lên trống để dòng xuống, dặn khi nào đến nơi thì đánh trống để nàng cắt dây.

Câu chuyện cổ tích Ngưu lang Chức nữ lý giải vì sao Thất tịch lại mưa theo cách nhìn của dân gian.

Khi con đói, người chồng mang cơm ra cho con ăn và đứa trẻ làm rơi mấy hạt lên mặt trống. Đàn quạ sà vào mổ tạo nên tiếng trống, khiến Chức nữ tưởng chồng con đã về đến mặt đất. Nàng cắt dây, hai cha con rơi xuống biển.

Biết chuyện, Ngọc hoàng thương xót, cho chồng con Chức nữ lên trời, giao cho chàng công việc chăn trâu (vì thế chàng được gọi là Ngưu lang) ở bên kia sông Ngân. Hằng ngày Chức nữ dệt vải bên này sống, nhớ thương vô cùng nhưng chỉ có thể chờ gặp mỗi năm một ngày vào 7/7. Ngày đó, lũ quạ phải đội đá bắc cầu cho họ sang. Gặp nhau, vợ chồng Ngưu lang ôm nhau khóc vì vui mừng, cũng vì đau buồn khi sắp phải xa cách một năm. Nước mắt họ rơi xuống tạo nên những cơn mưa mà dân gian gọi là mưa ngâu. Ngâu là cách gọi chệch của "Ngưu", tức vợ chồng Ngưu lang, hay ông Ngâu bà Ngâu.

Khoa học lý giải vì sao Thất tịch lại mưa

Thật ra không phải ngày Thất tịch - 7/7 Âm lịch năm nào trời cũng mưa. Mưa ngâu trên thực tế cũng diễn ra trong nhiều ngày chứ không riêng ngày Thất tịch.

Mưa ngâu là tên gọi cho những cơn mưa xuất hiện vào đầu tháng 7 Âm lịch hằng năm ở Việt Nam. Dân gian có câu tục ngữ "Vào mùng 3, ra mùng 7", nghĩa là sẽ có mưa từ ngày mùng 3 đến mùng 7, từ ngày 13 đến 17 và/hoặc từ ngày 23 đến 27 Âm lịch. Các cơn mưa này thường rả rích, không liên tục, vì thế người ta dùng cụm từ "trời mưa sụt sùi" để tả mưa ngâu. Thi hào Nguyễn Du cũng có câu thơ: "Tiết tháng Bảy mưa dầm sùi sụt".

Mưa ngâu có thể không đến đúng ngày Thất tịch.

Vì mưa ngâu dầm dề gần như suốt tháng nên người Việt Nam thường tránh tổ chức đám cưới trong tháng 7 âm lịc, lại càng kiêng khởi công xây nhà vì thời tiết này rất bất lợi cho việc xây dựng.

Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thời tiết hiện nay không còn giống với hàng trăm, hàng nghìn năm trước. Vì thế không phải ngày Thất tịch năm nào cũng có mưa ngâu. Hiện tượng thời tiết này có thể đến sớm hơn hoặc muộn hơn, đôi khi không có, một số năm lại có mưa kéo dài.

Mặt khác, ngay cả ở thời chưa có sự biến đổi khí hậu, mưa ngâu cũng không nhất thiết xuất hiện vào đúng ngày Thất tịch. Vào những ngày Thất tịch không mưa, người ta có thể ngắm sao Ngưu lang và sao Chức nữ trên bầu trời, các đôi lứa có thể chỉ sao mà thề hẹn rằng dù có trải qua bao nhiêu trở ngại cũng sẽ cố gắng vượt qua để được ở bên nhau. Nhiều người tin rằng đôi lứa yêu nhau nếu cùng ngắm sao Ngưu lang Chức nữ trong đêm mùng 7 tháng 7 âm lịch thì sẽ tình duyên viên mãn.

Ánh Nguyệt (Tổng hợp)

Nguồn VTC: https://vtc.vn/vi-sao-that-tich-lai-mua-ar814106.html