Vì sao Sơn La liên tiếp xuất hiện hố tử thần?

Hố tử thần thường xuất hiện bất chợt, khó ngờ. Nhưng trước đó có một số dấu hiệu như từ những sụt nhỏ có dấu hiệu loang ra lớn dần. Tường nhà bị nứt vỡ, mái nhà bị cong vênh...

3 hố tử thần xảy ra liên tiếp

Từ ngày 2/4 tới ngày 30/4, trên địa bàn bản Nong Sơn, xã Chiềng Sung, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La, xuất hiện 3 hố "tử thần". Trong đó hố rộng nhất khoảng 7m và sâu 9m.

Ông Tòng Văn Sơn, Chủ tịch UBND xã Chiềng Sung (huyện Mai Sơn), cho biết chính quyền vừa tiến hành di dời 2 hộ dân tại bản Nong Sơn do xuất hiện hố tử thần, đe dọa an toàn của người dân. Điểm sụt lần đầu tiên xảy ra vào ngày 2/4 tại ao cá của gia đình ông Lò Văn Điện. Vào thời gian trên, một tiếng động lớn phát ra từ ao cá xây bằng gạch, láng xi măng của gia đình ông Điện, sau đó cột nước phun lên từ ao. Toàn bộ nước trong ao bất ngờ bị rút xuống một miệng hố sâu. Từ đó đến nay, hố tiếp tục sụt lún, đến nay hố có chiều dài khoảng 4 mét, chiều rộng khoảng 3 mét.

Hố tử thần ở Sơn La xuất hiện liên tiếp khiến người dân bất an.

Tới ngày 17/4, một hố sụt sâu xuất hiện tại nhà ông Quàng Văn Inh, cách điểm sụt lún của nhà ông Điện 100m. Và tới sáng 30/4, một hố sụt mới xuất hiện tại khu vực nhà bếp của ông Quàng Văn Chung. Hố sụt này sâu khoảng 9m và rộng khoảng 7m. Cả 3 điểm xuất hiện hố "tử thần" đều xảy ra tại bản Nong Sơn, xã Chiềng Sung. Cả 3 hố tử thần đang chờ xin ý kiến, chỉ đạo từ các chuyên gia và Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Sơn La.

Hiện tại nhân dân trong bản đã khoanh vùng những vị trí hố sụt lún để cảnh báo nguy hiểm. Đồng thời báo cáo với các cơ quan chức năng sớm tiến hành khảo sát địa chất, xác định nguyên nhân để có những biện pháp phòng ngừa tai nạn.

Sở Tài nguyên và Môi trường Sơn La phối hợp với Viện khoa học Địa chất và Khoáng sản khảo sát ban đầu, đánh giá bản Nong Sơn nằm trên khu vực phân bố đá vôi của hệ tầng Đồng Giao. Khu vực này còn chịu ảnh hưởng của đới đứt gãy Sông Đà làm cho đá bị dập vỡ, nứt nẻ.

Tác nhân chính của hiện tượng này là nước mưa chứa CO2 hòa tan ngấm vào đất đá, làm ăn mòn hóa học các khối đá vôi, tạo ra các hệ thống hang động ngầm. Khi gặp điều kiện thời tiết đặc thù như mưa lớn kéo dài, khô hạn hoặc do khai thác nước dưới đất quá mức sẽ làm mực nước hạ thấp, tạo ra các lỗ hổng trong kết cấu đất, tăng tải trọng lên trần hang dẫn đến sụt lún. Trước mắt, chính quyền sẽ di dời các hộ dân có nguy cơ bị ảnh hưởng và lấp các hố. Các ngành chức năng sẽ quan trắc để xác định nguyên nhân chính xác, xây dựng phương án xử lý.

PGS.TS Trần Tân Văn, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản cho biết, ở các vùng đá vôi thì luôn luôn có những chỗ mà đá vôi chìm dưới lớp đất phủ. Tính chất đặc biệt của đá vôi (và một số loại đá có thành phần vôi, hoặc các loại đá muối) là dễ bị dòng nước hòa tan, rửa lũa, tạo nên hang hốc.

Những hang hốc này rộng lớn dần và sập đổ cơ học ngày càng chiếm ưu thế so với hòa tan, rửa lũa, càng làm hang hốc rộng lớn thêm. Quá trình hòa tan, rửa lũa, sau kết hợp với sập đổ cơ học tạo thành hang hốc, gọi chung là quá trình karst.

Những nơi đá vôi bị lớp đất phủ che lấp có thể xảy ra quá trình karst ngầm. Đến một lúc nào đó thì khoảng trống bên dưới lớp đất phủ có thể trở thành quá lớn, trần hang có thể trở thành quá mỏng để đỡ được lớp đất phủ bên trên và có thể xảy ra sụt sập một cách tự nhiên hoặc khi có một yếu tố kích hoạt tự nhiên (thí dụ do hạ mực nước ngầm đột ngột) hoặc nhân sinh (thí dụ do khoan khai thác nước) nào đó.

Do vậy phát triển đô thị ở các vùng đá vôi, thí dụ như các thành phố Sơn La, Lai Châu, Lạng Sơn, thậm chí là rìa Tây Nam Hà Nội (khu vực các huyện Mỹ Đức, Quốc Oai…) luôn có nguy cơ phải đối mặt với các hố sụt karst. Ở ven sông, nơi có cấu tạo đan xen luân phiên giữa các tập cát (thoát nước tốt) với các lớp sét (thoát nước kém) lại hay xảy ra hiện tượng sủi đường ống, hay còn gọi là hiện tượng giả karst.

Đợt mưa kéo dài dễ gây hố tử thần

PGS.TS Trần Tân Văn cho biết, về mùa khô, đặc biệt là những đợt không mưa kéo dài, nước sông có thể hạ thấp đến mức nước ngầm từ trong bờ chảy ra sông, kéo theo các hạt đất, hạt cát, dần dần tạo nên các khoảng trống dưới mặt đất, hệ quả là cũng tạo nên các hố sụt, có thể gây sập đổ nhà cửa, ruộng vườn.

Nước luôn luôn là thủ phạm trong các vụ sụt sập, sụt lún nền đất, tạo nên các khoảng trống ngầm trong nền đất. Điều này cũng đúng cả trong trường hợp các hố tử thần ở các đô thị lớn nằm trên nền đất yếu như TPHCM và Hà Nội. Ở đây có một chi tiết đặc biệt đáng lưu ý là các hố tử thần thường xuất hiện dọc theo và bên trên các tuyến cống ngầm. Dọc theo đó có thể thấy rằng ở rất nhiều đoạn, mặt đường sau khi thi công, mặc dù đã được đầm nén, lu phẳng nhưng sau một thời gian vẫn thấy lồi lõm và sụt sập có thể xảy ra bất kỳ lúc nào, nhiều khi không hề có dấu hiệu gì báo trước.

Việc sập sụt này không có dấu hiệu báo trước, do vậy không có cách nào đề phòng. Theo PGS.TS Trần Tân Văn, giải pháp duy nhất là phải điều tra khảo sát, khoanh vùng lại để cảnh báo. Việt Nam hầu như chưa thực hiện điều tra khảo sát sập sụt hang động. Hiện Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản đang triển khai dự án điều tra khảo sát ở vùng một số tỉnh như Quảng Ninh, Cao Bằng, Lạng Sơn, Hà Giang... Nhưng để có một bản đồ cảnh báo hoàn thiện thì phải được thực hiện ở tất cả các vùng núi đá vôi. Khu vực vùng núi đá vôi, hàng ngầm… chiếm khoảng 40% diện tích toàn miền Bắc.

TS. Trần Tân Văn cho biết, hố tử thần thường xảy ra bất chợt, khó ngờ. Nhưng trước đó có một số dấu hiệu như từ những sụt nhỏ có dấu hiệu loang ra lớn dần. Tường nhà bị nứt vỡ, mái nhà bị cong vênh. Lúc sắp xảy ra sập sụt thì hay có tiếng động ở trong lòng đất… Nếu trường hợp buộc phải sinh sống trên khu vực đó thì cần đặc biệt để tâm đến các dấu hiệu này. Khi xuất hiện thì phải chuẩn bị sơ tán trước khi sập sụt xảy ra.

Việc lấp 'hố tử thần' từ trước đến nay chỉ được một thời gian ngắn, ở các vùng caster có các hố sụt như vậy đều có diễn tiến giống nhau. Chính quyền cần thực hiện ngay điều tra khảo sát, đánh giá quy mô hố sụt lớn hay nhỏ, nông hay sâu, từ đó có biện pháp phòng tránh. Còn nếu lấp lại rồi lại tiếp tục sinh sống trên 'hố tử thần' là không ổn vì nguy cơ vẫn còn. Hiện có nhiều công nghệ có thể biết được quy mô của hố sụt như thế nào như đo địa vật lý hay dùng rada xuyên đất. Qua đó biết cấu trúc lượng đất bên dưới thế nào. Khảo sát địa chất xem xung quanh có chỗ nào có điểm lộ hang đá vôi hay không. Các cơ quan địa chất sẽ có phương pháp nghiên cứu cho từng địa điểm cụ thể.

Tô Hội

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/vi-sao-son-la-lien-tiep-xay-ra-ho-tu-than-169240502100459623.htm