Vì sao SJC được chọn để sản xuất vàng miếng?

Căn cứ Nghị định 24, Ngân hàng Nhà nước đã triển khai tổ chức sản xuất vàng miếng thông qua việc thuê Công ty TNHH Vàng bạc đá quý Sài Gòn (Công ty SJC) trực thuộc Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh gia công vàng miếng SJC cho Ngân hàng Nhà nước.

Vàng miếng SJC chiếm trên 90%

Kể từ ngày Nghị định 24 có hiệu lực (25/5/2012), Nhà nước được độc quyền tổ chức sản xuất vàng miếng; không tổ chức, cá nhân nào được quyền sản xuất vàng miếng. Đây là biện pháp quan trọng để kiểm soát chặt chẽ hoạt động sản xuất vàng miếng, lượng cung vàng miếng trên thị trường và ngăn chặn tình trạng sản xuất vàng miếng từ vàng nguyên liệu nhập lậu.

Trước khi Nghị định 24 được ban hành, trên thị trường có 8 thương hiệu vàng miếng khác nhau được lưu hành. Tuy nhiên vàng miếng SJC chiếm trên 90% lượng vàng miếng trong lưu thông. Đồng thời, trong giai đoạn này, các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng được cấp phép nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng đều thuê Công ty SJC gia công lại thành vàng miếng SJC. Như vậy, thương hiệu SJC là thương hiệu có uy tín, được thị trường chấp nhận và chiếm tỷ trọng giao dịch lớn nhất.

Trước khi Nghị định 24 được ban hành, trên thị trường có 8 thương hiệu vàng miếng khác nhau được lưu hành. Tuy nhiên vàng miếng SJC chiếm trên 90% lượng vàng miếng trong lưu thông.

Việc Ngân hàng Nhà nước sử dụng thương hiệu vàng miếng SJC để sản xuất vàng miếng của Ngân hàng Nhà nước được thực hiện trên cơ sở có sự đồng ý của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh (cơ quan đại diện chủ sở hữu Nhà nước tại Công ty SJC) và Công ty SJC. Các bên đã thống nhất Ngân hàng Nhà nước được sử dụng miễn phí thương hiệu vàng miếng SJC và theo Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa, Công ty SJC phải tuân thủ các điều kiện bảo đảm chất lượng đối với sản phẩm vàng miếng SJC và chịu trách nhiệm trước pháp luật, người tiêu dùng về chất lượng sản phẩm do mình sản xuất.

Ngày 28/3, báo cáo tại cuộc họp Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, Ngân hàng Nhà nước cho biết, thời gian quan, công tác quản lý thị trường vàng đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Trong đó, thị trường vàng miếng được sắp xếp lại căn bản, trật tự, kỷ cương; mạng lưới kinh doanh mua bán vàng miếng được kiện toàn theo hướng thu hẹp dần;

Hoạt động huy động, cho vay vốn bằng vàng chấm dứt; trong nhiều thời điểm giá vàng biến động phức tạp nhưng hoạt động của thị trường vẫn ổn định, không gây áp lực sang thị trường ngoại tệ chính thức như trước đây; thói quen, nhận thức của người dân đối với vàng có sự thay đổi; một phần nguồn lực vàng trong dân đã được chuyển hóa để phát triển kinh tế;

Thị trường vàng trang sức mỹ nghệ được tổ chức, sắp xếp lại, sàng lọc các doanh nghiệp làm ăn chuyên nghiệp, đáp ứng các yêu cầu chặt chẽ về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng, đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp sản xuất với mô hình công nghệ hiện đại, năng lực sản xuất tiếp cận thị trường quốc tế.

Nghị định 24 đã làm được điều gì cho thị trường vàng?

Trước khi Nghị định 24 về quản lý thị trường vàng ra đời, hoạt động kinh doanh mua, bán vàng miếng diễn ra tự do tại gần 12 nghìn doanh nghiệp, gây khó khăn cho công tác quản lý và gia tăng nguy cơ "vàng hóa" nền kinh tế.

Theo các chuyên gia kinh tế, sau khi Nghị định 174/1999/NÐ-CP ngày 9/12/1999 ra đời, thị trường vàng Việt Nam nhìn chung được cải cách theo hướng tự do hóa, vấn đề quản lý đối với vàng tiền tệ và vàng phi tiền tệ đã được phân tách, theo đó vàng tiền tệ được quản lý chặt chẽ theo quyết định về quản lý dự trữ ngoại hối quốc gia còn việc quản lý vàng phi tiền tệ được nới lỏng với việc vàng miếng được coi là hàng hóa thông thường. Căn cứ định hướng tự do hóa thị trường vàng, các hoạt động trên thị trường vàng diễn ra ngày càng sôi động, đặc biệt với sự ra đời của hoạt động kinh doanh vàng tài khoản ở trong nước và nước ngoài năm 2006.

Các chính sách được ban hành trong thời gian qua đã có tác động tích cực đến thị trường vàng. (Ảnh minh họa: BT)

Tuy nhiên, việc nới lỏng quản lý đối với vàng phi tiền tệ đã gây nên các tác động tiêu cực, nhất là trong thời điểm giá vàng biến động mạnh. Các đối tượng có hành vi làm giá, đầu cơ gây khan hiếm cung giả tạo, đồng thời tung tin đồn gây nên các "cơn sốt vàng" làm cho người dân tập trung đi mua vàng.

Khi giá vàng trong nước cao hơn giá vàng thế giới, ngay lập tức xuất hiện tình trạng thu gom ngoại tệ trên thị trường tự do để nhập lậu vàng nguyên liệu, sản xuất vàng miếng từ nguồn vàng nhập lậu, từ đó gây ảnh hưởng bất lợi tới tỷ giá, thị trường ngoại tệ, đẩy mặt bằng giá hàng hóa nhập khẩu lên cao làm gia tăng lạm phát trong nền kinh tế và gây bất ổn kinh tế vĩ mô.

Ngoài ra, do bất cập của việc cho phép các tổ chức tín dụng huy động và cho vay vốn bằng vàng và chuyển đổi vàng thành tiền theo Quyết định 432/2000/QĐ-NHNN đã dẫn đến tình trạng vàng hóa trong nền kinh tế, vàng miếng dần dần trở thành phương tiện thanh toán, gây khó khăn cho quản lý của nhà điều hành. Chính vì vậy, việc ban hành quy định cụ thể về hoạt động sản xuất và kinh doanh vàng là rất cần thiết.

Theo Nghị định 24/2012/NĐ-CP, quyền sở hữu vàng hợp pháp của tổ chức, cá nhân được công nhận và bảo vệ theo quy định của pháp luật. Ngân hàng Nhà nước được giao là cơ quan thay mặt Chính phủ thống nhất quản lý các hoạt động kinh doanh vàng theo quy định và Nhà nước sẽ độc quyền sản xuất vàng miếng, xuất khẩu vàng nguyên liệu và nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng; cấp giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu cho doanh nghiệp theo quy định và cấp giấy phép xuất khẩu vàng nguyên liệu cho doanh nghiệp có giấy phép khai thác vàng theo quy định. Hoạt động mua, bán vàng miếng của các tổ chức, cá nhân chỉ được thực hiện tại các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp được Ngân hàng Nhà nước cấp giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng.

Nhằm khắc phục những lỗ hổng pháp lý của giai đoạn trước, Nghị định số 24/2012/NĐ-CP ngày 3/4/2012 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng và Thông tư số 16/2012/TT-NHNN ngày 25/5/2012 hướng dẫn một số điều của Nghị định 24 đã được ban hành với chủ trương chuyển quan hệ “huy động, cho vay vốn bằng vàng” sang quan hệ “mua, bán vàng”; đồng thời hướng tới mục tiêu quản lý thị trường vàng đi kèm với quản lý các biến số kinh tế vĩ mô như tỷ giá và lạm phát.

Tuân theo định hướng tăng cường quản lý hiệu quả thị trường vàng miếng từ Nghị định 24/2012, trong năm 2012-2013, Chính phủ tiếp tục ban hành các văn bản quản lý thị trường vàng nhằm triển khai đồng bộ các giải pháp quản lý thị trường vàng như: xây dựng lộ trình chấm dứt huy động và cho vay vốn bằng vàng của các tổ chức tín dụng, giám sát chặt chẽ, xử lý các vấn đề phát sinh nhằm đẩy nhanh quá trình chấm dứt huy động và cho vay vốn bằng vàng theo đó các tổ chức tín dụng phải tất toán trạng thái vàng trước ngày 30/6/2013.

Nhìn chung, các chính sách được ban hành trong thời gian qua đã có tác động tích cực đến thị trường nhằm đạt được mục tiêu bình ổn thị trường và chống vàng hóa nền kinh tế, huy động nguồn lực vàng trong dân chúng phục vụ sản xuất. Thị trường đã có những biểu hiện tích cực, theo đó giá vàng trong nước khá ổn định và hạn chế được sự mua bán vàng ồ ạt mỗi khi giá vàng có biến động vẫn thường thấy trong dân cư ở những thời kỳ trước, giá vàng trong nước thể hiện chủ yếu qua vàng SJC đã giảm xuống và ổn định sau khi Nghị định 24 được ban hành.

Cần sửa đổi Nghị định để đáp ứng thị trường

Không thể phủ nhận, Nghị định 24 ra đời đã phát huy hiệu quả tốt, đem lại trật tự và sự ổn định thị trường vàng. Tuy nhiên, diễn biến thị trường vàng hiện nay với kiểu “một mình một chợ” đã đặt ra yêu cầu cần thiết phải sửa đổi nghị định này để phù hợp hơn với thực tế theo hướng tránh “tiền tệ hóa” vàng SJC.

Có thể cho nhiều doanh nghiệp tham gia vào quá trình sản xuất vàng miếng để đáp ứng nhu cầu của người dân. (Ảnh minh họa: BT)

Vì vậy, cần có sự thay đổi về phương thức quản lý, sửa đổi Nghị định số 24, không nhất thiết phải độc quyền Nhà nước về một thương hiệu vàng. Có thể cho nhiều doanh nghiệp tham gia vào quá trình sản xuất vàng miếng để đáp ứng nhu cầu của người dân, nguồn cung được tự do được cạnh tranh bình đẳng thì sẽ không còn tình trạng khan hiếm nữa. Cùng với đó cần có liên thông giữa thị trường trong nước và quốc tế

Tại cuộc họp Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia ngày 28/3, Phó thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu rà soát pháp lý, các cơ chế, chính sách liên quan đến thị trường vàng để phát triển minh bạch, lành mạnh, hiệu quả, bền vững trước đề xuất bỏ độc quyền vàng miếng SJC. Phó thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổng hợp đầy đủ các ý kiến, hoàn thiện báo cáo, đề xuất các giải pháp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Tại cuộc họp, các thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia đánh giá công tác quản lý thị trường cơ bản đã đạt được các mục tiêu đề ra tại Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng. Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường có nhiều thay đổi, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và các Bộ, ngành chức năng cần nghiên cứu, rà soát để điều chỉnh chính sách cho phù hợp với tình hình mới.

Một số chuyên gia cho rằng cần nghiên cứu và đánh giá kỹ lưỡng việc bỏ cơ chế nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, thực hiện cấp phép sản xuất vàng miếng cho một số doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện; xem xét, điều chỉnh hoạt động sản xuất, kinh doanh mua, bán vàng trang sức mỹ nghệ thành hoạt động kinh doanh thông thường.

Đặc biệt, do vàng là một loại hàng hóa đặc biệt, vừa có tính chất tiền tệ, vừa có tính chất hàng hóa, trong đó vàng miếng có tính chất tiền tệ cao nên Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục tập trung quản lý vàng miếng, tránh ảnh hưởng đến mục tiêu điều hành chính sách tỷ giá, chính sách tiền tệ.

Bảo Thoa

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/vi-sao-sjc-duoc-chon-de-san-xuat-vang-mieng-168281.html