Vì sao phân luồng học sinh sau trung học cơ sở luôn gặp khó?

Nhiều khi, công việc phân luồng học sinh còn để xảy ra những tai tiếng khi phụ huynh cho rằng nhà trường 'động viên' học sinh không nên thi tuyển sinh 10.

Nhiều năm dạy và ôn thi học sinh lớp 9 thi vào tuyển 10, chúng tôi nhận thấy việc phân luồng cho học sinh sau khi hoàn thành chương trình Trung học cơ sở luôn gặp khó khăn. Nhiều học sinh biết rằng thi tuyển sinh 10 sẽ rớt nhưng bản thân các em và phụ huynh vẫn đăng ký thi tuyển sinh 10.

Việc thi tuyển 10 ở gần hết các địa phương hiện nay đang khá áp lực và căng thẳng. Chỉ có một số ít trường thuộc khu vực có điều kiện khó khăn mới thi tuyển dễ dàng vì tỉ lệ chọi ít. Còn lại, nếu học sinh không có năng lực và đầu tư nghiêm túc rất khó đậu vào lớp 10 công lập.

Tuy nhiên, nhìn từ thực tế hằng năm, mỗi lớp, mỗi trường Trung học cơ sở chỉ lèo tèo vài em không đăng ký thi tuyển 10. Đa phần, học sinh sẽ đăng ký ôn thi và làm hồ sơ để thi tuyển chứ không chịu chọn hướng đi khác- dù biết học lực của mình rất khó để cạnh tranh 1 suất vào lớp 10 công lập trên địa bàn.

Học sinh các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh lắng nghe chia sẻ của chuyên gia tại ngày hội tư vấn tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp. (Ảnh: Phạm Linh)

Công tác phân luồng học sinh sau khi tốt nghiệp Trung học cơ sở hiện nay đang gặp khó

Ngày 14/5/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 522/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025”.

Quyết định số 522/QĐ-TTg đã hướng dẫn rất rõ về đối tượng phân luồng và mục tiêu cụ thể được đặt ra đến năm 2025 có ít nhất 40% học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp; đối với các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn đạt ít nhất 30%.

Trong các nhà trường, công tác phân luồng, hướng nghiệp luôn được chú trọng để tuyên truyền đến học sinh, phụ huynh và mỗi năm các địa phương khi ban hành Kế hoạch tổ chức thi tuyển sinh 10 cũng đã nói rất cụ thể tỉ lệ tuyển sinh đầu vào lớp 10 công lập.

Đa phần, các địa phương chỉ tuyển dao động khoảng trên dưới 70% số lượng học sinh tốt nghiệp Trung học cơ sở để tuyển vào lớp 10 công lập sau khi tổ chức thi (xét tuyển) vào lớp 10.

Điều này cũng đồng nghĩa cứ 10 em đăng ký thi tuyển vào lớp 10 công lập sẽ có 3 em rớt, phải lựa chọn hướng đi khác nhưng những học sinh có năng lực học tập không tốt vẫn muốn đăng ký thi tuyển 10 với suy nghĩ đậu thì học, không đậu thì thôi.

Trong khi, việc đăng ký thi tuyển 10 sẽ tốn thêm rất nhiều tiền bạc của phụ huynh, thời gian ôn thi của học sinh. Vì các em không chỉ học thêm với thầy cô đối với các môn thi tuyển sinh 10 mà còn sẽ học thêm tại nhà trường với chi phí học tập không hề thấp.

Tốn tiền, tốn thời gian và biết rõ năng lực học tập của mình không tốt, sẽ khó đậu vào lớp 10 công lập thế nhưng học sinh vẫn đăng ký thi tuyển sinh 10- đó là một thực trạng đã và đang tồn tại ở các trường Trung học cơ sở khi bước vào giai đoạn làm hồ sơ tuyển sinh 10.

Với kế hoạch tuyển sinh vào lớp 10 công lập chỉ dao động trên dưới 70% số lượng học sinh đã tốt nghiệp Trung học cơ sở nên về cơ bản số lượng học sinh tham dự thi tuyển sinh 10 vào các trường Trung học phổ thông ở các địa phương sẽ có tỉ lệ rớt khá nhiều.

Cũng chính vì thế, ngay từ khi ban hành kế hoạch, các sở Giáo dục và Đào tạo đã định hướng phân luồng cho học sinh vào các trường nghề; Trung tâm Giáo dục Thường xuyên; các trường ngoài công lập.

Bên cạnh đó, các trường nghề; Trung tâm Giáo dục Thường xuyên trên địa bàn cũng thường kết hợp với trường Trung học cơ sở tổ chức tư vấn nghề nghiệp tại trường; tổ chức cho học sinh đi tham quan các mô hình đào tạo nghề để học sinh có những định hướng cần thiết.

Đối với nhà trường Trung học cơ sở thì tổ chức sinh hoạt trên lớp, dưới cờ, họp phụ huynh để tuyên truyền, báo cáo tình hình và kết quả học tập của học sinh cho phụ huynh biết nhằm định hướng cho học sinh có lực học không tốt sẽ lựa chọn một hướng đi khác nhằm giảm tải áp lực thi tuyển 10 và cũng là cách hạn chế tốn kém tiền bạc cho phụ huynh, thời gian cho học sinh.

Tuy nhiên, kết quả phân luồng cho học sinh sau khi tốt nghiệp Trung học cơ sở những năm vừa qua chưa mang lại hiệu quả thiết thực. Nhiều khi, công việc phân luồng học sinh còn để xảy ra những tai tiếng khi phụ huynh cho rằng nhà trường “động viên” học sinh không nên thi tuyển sinh 10.

Vì thế, áp lực thi tuyển sinh 10 ngày một lớn, chi phí của phụ huynh cho con thi tuyển sinh 10 ngày một cao vì phải đầu tư cho con học thêm nhiều môn học. Và, số lượng thí sinh rớt sau mỗi kỳ thi cũng nhiều hơn. Cuối cùng, nhiều học sinh vẫn phải quay về học ở các trường nghề hoặc tại các Trung tâm Giáo dục Thường xuyên của huyện, của tỉnh.

Để công tác phân luồng học sinh Trung học cơ sở đạt hiệu quả

Dù người viết bài biết rằng trong thời địa hiện nay, kinh tế của các gia đình đã đủ đầy hơn trước đây rất nhiều. Bên cạnh đó, việc kế hoạch hóa gia đình những năm qua được thực hiện khá tốt nên mỗi gia đình cũng chỉ có từ 1-2 đứa con.

Cha mẹ nào cũng muốn con học hành thành tài và bớt đi vất vả trong tương lai nên gia đình nào cũng chú trọng đầu tư cho con mình học tập trong điều kiện tốt nhất có thể. Vì thế, khi nghe nhà trường định hướng trong việc thi tuyển 10 thì nhiều phụ huynh có con học chưa tốt thường ít khi hài lòng.

Họ muốn con mình tham gia kỳ thi- đây cũng là một nguyện vọng chính đáng và cũng không có văn bản nào hướng dẫn không cho học sinh thi tuyển sinh 10 khi các em đủ điều kiện tham dự kỳ thi. Bởi, đó là quyền lợi chính đáng của học sinh và mong muốn của phụ huynh.

Tuy nhiên, nhìn từ thực tế thị trường lao động những năm vừa qua cho thấy chúng ta đang có sự mất cân đối khi nhiều ngành “thừa thầy” nhưng lại đang “thiếu thợ” có tay nghề cao. Nhiều cử nhân ra trường không có việc làm lại phải quay lại học nghề hoặc làm những công việc phổ thông. Từ đó, gây ra những lãng phí cho xã hội và đặc biệt là phụ huynh và bản thân các em học sinh.

Vì thế, muốn phân luồng học sinh sau khi tốt nghiệp Trung học cơ sở tốt thì việc đầu tiên sẽ thuộc về trách nhiệm của các trường Trung học cơ sở. Nhà trường cần đánh giá đúng năng lực học tập của học trò bằng cách cho điểm đúng, không chạy theo bệnh thành tích.

Nhưng, muốn nhà trường không chạy theo bệnh thành tích thì cấp trên cũng cần thay đổi quan điểm chỉ đạo khi giao chỉ tiêu và đánh giá đúng năng lực của từng nhà trường. Nếu trường nào tỉ lệ tuyển sinh 10 đậu thấp nhưng điểm tổng kết năm học có tỉ lệ điểm giỏi quá nhiều thì cần có biện pháp xử lý.

Bên cạnh đó, các cấp quản lý cũng cần giám sát, quản lý chặt chẽ việc dạy thêm hiện nay của giáo viên bộ môn trong các nhà trường. Công tác ra đề, duyệt đề kiểm tra định kỳ hằng năm cần được đầu tư có chiều sâu hơn để tránh tình trạng trường chưa tiến hành kiểm tra mà đề đã được giải ở các lớp học thêm.

Đặc biệt, sau mỗi học kỳ, nhất là ở lớp 9, khi tiến hành họp phụ huynh, nhà trường chủ động báo cáo tình hình học tập của học sinh cho phụ huynh biết và có những định hướng, phân luồng hợp lý để tuyên truyền đến phụ huynh nhằm giúp phụ huynh có những định hướng cần thiết cho con em mình.

Một khi nhà trường làm tốt công tác tuyên truyền, phụ huynh hiểu được học lực của con em mình, học sinh nhìn thấy khả năng thực sự của mình thì công tác phân luồng học sinh sau khi tốt nghiệp Trung học cơ sở mới đạt được hiệu quả.

Nếu không, vẫn như hiện nay: công tác phân luồng làm chưa đến nơi, đến chốn, chưa đồng bộ giữa các lớp, các trường; bệnh thành tích vẫn con; nạn dạy thêm, học thêm khó kiểm soát được thì việc phân luồng học sinh sẽ vẫn giậm chân tại chỗ, khó cải thiện được.

Kỳ thi tuyển sinh 10 vẫn luôn áp lực, căng thẳng, tốn kém cho phụ huynh và ngân sách nhà nước và học sinh có học lực không tốt sẽ vẫn rớt bình thường vì đầu vào tuyển sinh 10 đã được các địa phương khống chế tỉ lệ phần trăm từ khi chưa diễn ra kỳ thi.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

NHẬT DUY

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/vi-sao-phan-luong-hoc-sinh-sau-trung-hoc-co-so-luon-gap-kho-post241272.gd