Vì sao phải vào Đại học?

Bạn biết câu trả lời, nhưng khó diễn đạt, và dù biết rằng đại học không phải con đường duy nhất, nhưng bạn cũng mang tâm lý của mọi người, đặt nặng chuyện thi cử.

Câu trả lời phổ biến nhất của hầu hết các bạn trẻ hiện nay đó là: “Vào Đại học mới có tương lai, vào Đại học mới có thể đổi đời, Đại học là cánh cửa dẫn đến thành công”. Mỗi chặng đường đều có một mục tiêu. Chẳng hạn như khi học lớp 5, ba mẹ muốn bạn vào một trường cấp 2 chất lượng, môi trường tốt, không cần phân biệt bán công hay dân lập. Xong lớp 9, gia đình muốn bạn phải đậu một trường phổ thông công lập để nở mặt nở mày với hàng xóm, bạn bè. Tốt nghiệp cấp 3, bạn đã trưởng thành và cần có tương lai, có hoài bão. 18 tuổi đã đánh dấu một cột mốc quan trọng trong cuộc đời, rằng bạn đã đủ chín chắn để tự quyết định đời mình, tự bước chân đi mà không có sự dìu dắt của ba mẹ. Sự kỳ vọng của mọi người dành cho bạn lớn dần, và bạn buộc phải vạch ra một con đường riêng, trên con đường đó phải có hình ảnh cổng trường Đại học. “Học, học nữa, học mãi”. Câu nói đó đã được bạn khắc cốt ghi tâm từ rất lâu, và cũng là một lý do khác cho vấn đề “phải vào đại học”. Việc học luôn phải khổ luyện, kiến thức nhân loại ngày một nhiều dần, nếu không bắt kịp sẽ lạc hậu, sẽ chẳng thể cống hiến cho đời. Đại học — đối với mọi người — được xem là trình độ “tối thiểu” để mọi người có chỗ đứng trong xã hội. Xong Đại học, bạn mới có đủ trình độ ở một ngành nhất định, và thật sự tương lai của bạn mở ra, tỏa sáng từ đó. Chẳng trách tại sao, từ già đến trẻ, từ một bác sĩ cho đến một người nông dân, đều gật gù: “Đậu Đại học thì mới tiến xa được…” Khi xưa, ba mẹ ta không đủ điều kiện, gia cảnh khó khăn nên dang dở chuyện học hành. Khát khao được bước vào ngưỡng cửa Đại học, đối với họ, mãnh liệt hơn bao giờ hết. Nhưng họ không còn cơ hội nữa, khi kiến thức phai nhạt theo thời gian, qua bao bươn chải khổ nhọc. Họ đành kỳ vọng vào con cháu của mình. Từ đó mới có chuyện, ba mẹ phán “Đại học là con đường duy nhất”, và các bạn trẻ nghe theo, nhủ thầm: “Phải rồi, chỉ cần vào Đại học, vào Đại học là tương lai sáng ngời…” Thực tế, mọi người đều biết “Đại học chẳng phải con đường duy nhất”, khi Bill Gates trở thành ông chủ tập đoàn Microsoft hùng mạnh mà vẫn chưa có tấm bằng cử nhân, hay tổng giám đốc các công ty, xí nghiệp nổi tiếng đều trải qua tuổi thơ lận đận khi việc học trì trệ. Họ vẫn thành tài nhờ vào tài năng, bản lĩnh và sự cố gắng. Nhưng, trong xã hội, mấy ai làm được như vậy? Do đó, tư tưởng “Đại học là duy nhất” vẫn tồn tại ngày này tháng nọ trong suy nghĩ mỗi người. Họ không có chí hướng, không dám dấn thân trong đam mê, thụ động chọn một ngành mà theo họ, “sau này sẽ thành đạt”. Biết bao sinh viên tốt nghiệp ra trường, cầm mảnh bằng Đại học trong nuối tiếc: “Giá như mình học ngành A, đừng học ngành B, giá như mình chịu học ngành mình thích, giá như…” Câu hỏi “Vì sao phải vào Đại học?” đã có lời đáp. Nhưng, ta vẫn tin rằng, với các bạn teen năng động hiện nay, ắt hẳn sẽ có tư tưởng “rộng rãi” hơn so với thời trước, biết lượng sức, biết chọn ngành phù hợp, không còn đặt nặng chuyện “vào được Đại học hay không”. Nhiều con đường có ánh hào quang rực rỡ vẫn đang đợi bạn… Và trên những con đường ấy, nếu chỉ có những ngôi trường Đại học, mà chẳng hề tồn tại lòng đam mê, sự quyết tâm cùng khả năng thiên bẩm, thì chắc chắn, bạn chẳng thể nào tìm ra ánh sáng cuối con đường. Twinkle®

Nguồn Mực Tím: http://muctim.com.vn/vietnam/the-gioi-tuoi-moi-lon/lam-bao-cung-mto/2009/8-18/31795/