Vì sao nữ giới vẫn yếu thế trên phim Hàn

Phim Hàn tôn vinh tình yêu nhưng chỉ với những cô gái 'đặc biệt, không giống tất cả người phụ nữ khác'. Bên cạnh đó, nữ tính luôn bị hạ thấp trong một xã hội gia trưởng.

Phim Hàn tôn vinh tình yêu nhưng chỉ với những cô gái “đặc biệt, không giống tất cả người phụ nữ khác”. Bên cạnh đó, nữ tính luôn bị hạ thấp trong một xã hội gia trưởng.

“Tôi là người bị đâm vào dạ dày cũng không thèm chớp mắt. Vậy mà lại căng thẳng mỗi khi cô đứng trước mặt. Tôi thấy phiền khi mình trở thành thằng ngốc nhưng lại mong chờ được gặp cô. Tôi sợ cô lắm. Cô nên biết điều đó. Rằng cô là ai”.

Đó là lời nhân vật anh Goo (Son Seok Koo thủ vai) đáp lại khẩn cầu hãy “sùng bái”, truyền cho Yeom Mi Jeong (Kim Ji Won thủ vai) sức mạnh để có thể nói và làm những điều mình muốn trong bộ phim đang được chú ý My Liberation Notes.

Mi Jeong được xây dựng là cô gái hướng nội nhưng khao khát hạnh phúc và tự do một cách lạ lùng. Với anh Goo, nữ chính mang đến cho anh những cảm xúc đặc biệt.

Đây là cách tình yêu được xây dựng trong phần lớn bộ phim lãng mạn Hàn Quốc: nữ chính đặc biệt, “không giống những cô gái khác” nên mới được nam chính yêu, theo Study Breaks.

Sự lãng mạn độc hại

Feminism In India lưu ý K-drama (phim truyền hình Hàn Quốc) bắt nguồn từ đất nước có xã hội gia trưởng ăn sâu bám rễ. Điều này phản ánh rõ ràng trong nhiều định kiến tiêu cực về phụ nữ vẫn còn tồn tại qua các bộ phim truyền hình.

Đối với người mới quan tâm đến K-drama, các bộ phim gần đây được coi là tiến bộ khi mô tả những phụ nữ độc lập và đàn ông “nam tính mềm” phi truyền thống.

Mặc dù vậy, một số dường như có sự xen lẫn giữa lãng mạn và lạm dụng.

Bộ phim đình đám Boys Over Flowers (2009) là ví dụ rõ ràng của nam tính độc hại. Cốt truyện điển hình là chàng trai giàu có phải lòng cô gái nghèo.

Nam chính Goo Jun Pyo, công tử nhà giàu và ngạo mạn, bắt nạt nữ sinh mới chuyển vào trường Geum Jan Di. Khi nữ chính phản kháng, anh chàng bị thu hút vì cô “không giống những cô gái khác” mà mình từng gặp.

Dần dần, Goo tìm mọi cách để giành được Geum. Từ việc bắt cóc để biến cô thành “thiếu nữ” đến cưỡng hôn, nam chính làm tất cả trừ việc yêu cầu sự đồng ý của đối phương.

Mặc dù được yêu thích, Boys Over Flowers là ví dụ điển hình của nam tính độc hại trong phim Hàn. Ảnh: Naver.

Cuối cùng, giống như những bộ phim lãng mạn khác, cặp đôi yêu nhau. Một ngày đẹp trời, Goo từ bỏ tình yêu mà không đưa ra lời giải thích nào với bạn gái. Nam chính kiểm soát đến mức anh tin rằng bản thân có quyền quyết định ai được phép hẹn hò với nữ chính, nếu không phải là mình.

Mặc dù đã phát hành cách đây một thập kỷ, bộ phim vẫn được nhiều khán giả yêu thích, chủ yếu là nữ giới 16-25 tuổi. Các cô gái mơ mộng về những “oppa” này, trong khi sự phân biệt giới tính được gán nhãn “lãng mạn”.

Trong các bộ phim cổ trang, đặc biệt là thể loại lãng mạn, sự lạm dụng rất thường thấy. Tuy nhiên, âm nhạc và kỹ thuật quay phim hấp dẫn cố gắng biến tất cả thành câu chuyện ngôn tình.

Việc nam chính kéo tay, ép vào tường, xông vào nhà, cưỡng hôn hoặc ra lệnh cho nữ chính được coi là “bình thường”.

Đôi khi, hành vi độc hại được biện minh bằng câu chuyện đau thương trong quá khứ khiến người đàn ông thực hiện những hành vi không thể chấp nhận.

Nam chính thể hiện rằng phụ nữ là tài sản của mình và anh ta muốn làm gì thì làm. Qua đó, sự ghen tuông và tính chiếm hữu được lãng mạn hóa.

Tiêu chuẩn về nam tính độc hại trong K-drama không nên bị gạt sang một bên như vấn đề văn hóa. Bởi lẽ, chúng đang dạy các cô gái trên toàn thế giới rằng sự lạm dụng là lãng mạn - một bài học có thể gây ra nhiều hậu quả xấu.

Cảnh cưỡng hôn trong phim Our Gab Soon từng được truyền thông Hàn đưa vào danh sách những màn “lãng mạn bạo lực” nhất màn ảnh năm 2016. Ảnh: Nate.

Hạ thấp tính nữ

Nếu nam giới thường được mô tả có tính chiếm hữu cao, phụ nữ trong phim Hàn xuất hiện với sự thiếu quyết đoán, vụng về và không tự tin đưa ra quyết định của mình.

Theo She The People, dù cốt truyện có hiện đại đến đâu, ngay khi trở thành người yêu của nam chính, nữ chính bị hạ thấp đến mức mọi vấn đề của cô đều có một giải pháp: người đàn ông.

Ngay cả nhân vật nữ mạnh mẽ và độc lập cũng có xu hướng phục tùng khi người đàn ông bước vào cuộc đời mình.

Ví dụ, trong My Love From the Star (2013), tính cách kiêu căng và ngạo mạn của nữ chính Cheon Song Yi bắt đầu trở nên yếu mềm khi cô chia tay với nam chính Do Min Joon. Cheon nhốt mình trong phòng, không chịu ăn uống, không màng đến thói quen chải chuốt và trở nên mất phương hướng.

Cuối cùng, Do quyết định làm hòa và đặt nụ hôn lên môi Cheon. Cùng với đó, tất cả sự tức giận của nữ chính đối với thái độ thờ ơ đột ngột của đối phương trước đó hoàn toàn biến mất và được tha thứ, theo Life is not a Kdrama.

Cá tính của nhân vật Cheon Song Yi dần biến mất khi cô vướng vào chuyện tình cảm với nam chính Do Min Joon. Ảnh: Naver.

Bên cạnh đó, điều thường thấy là sự thay đổi ngoại hình của nhân vật nữ. Những bộ phim truyền hình có ý định bất chấp khuôn mẫu nữ quyền cuối cùng lại “cải tạo” người phụ nữ để khiến cô ấy trông “vừa mắt”, ví như She Was Pretty (2015).

Ngoài ra, các nhân vật nữ được nhào nặn theo cách chấp nhận hành vi xấu tính và ngược đãi của đàn ông để thay đổi anh ta thành người tốt hơn. Bản chất không lành mạnh của mối quan hệ kiểu này được chứng minh trong vài tập cuối, khi nhân vật nam trở thành người “hiền lành” nhờ tình yêu của người phụ nữ.

Tuy nhiên, điều đáng mừng là những bộ phim truyền hình tiến bộ như Itaewon Class Start-Up (2020) đã tạo ra nhóm phụ nữ riêng biệt dẫn đầu về mọi mặt.

Bình đẳng giới đã mang lại sự cân bằng trong các bộ phim truyền hình Hàn Quốc thời đại mới khi tập trung vào nữ chính mạnh mẽ và độc lập - những người không chờ đợi “hoàng tử” hay “hiệp sĩ” đến cứu vớt cuộc đời họ.

Nhân vật Jo Yi Seo trong Itaewon Class được cho là mẫu phụ nữ tiến bộ trong phim Hàn. Ảnh: JTBC.

Câu chuyện nữ chính đảm nhận trách nhiệm, hỗ trợ những người phụ nữ khác được thể hiện trong Search: WWW (2019). Trước đó, trong bộ phim Weightlifting Fairy (2016), nữ chính là vận động viên điền kinh Kim Bok Joo cũng không trải qua quá trình chuyển đổi “nữ tính” sau khi tình cờ gặp nam chính. Sau này, anh cũng không dùng đến bất kỳ sự ép buộc hay mệnh lệnh nào để “thể hiện chủ quyền” với cô.

Theo Feminism In India, điều quan trọng là nhận thức được tác động của các giá trị giới được phim Hàn ủng hộ và nỗ lực xóa bỏ sự độc hại về sự bất bình đẳng nam nữ. Điều này đảm bảo rằng khán giả không tiếp cận nội dung mà không ý thức về những vấn đề văn hóa nằm trong đó.

Thiên Nhi

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/vi-sao-nu-gioi-van-yeu-the-tren-phim-han-post1321148.html