Vì sao 'những trò lố trên mạng' có sức hút?

Theo chuyên gia về xã hội, việc chấp nhận những “hiện tượng mạng” chỉ là do thị hiếu nhất thời. Nếu không có L.R, “Công chúa Thủy Tề” T.S hay K.S… thì sẽ lại có những trường hợp khác để thỏa mãn nhu cầu giải trí của khán giả. Tuy nhiên, sự tồn tại của những trường hợp “phản giá trị” này không tồn tại được lâu. Những gì là “ảo”, là “nhố nhăng, kệch cỡm” thì sớm muộn cũng bị đào thải.

“Công chúa Thủy Tề” Tùng Sơn

Khi càng ngày, các nhân vật được cho là “lố bịch” như L.R, K.S… hay gần đây nhất là T.S với nickname “Công chúa Thủy Tề”… lại nổi tiếng nhờ các trò không giống ai, bất chấp những lời chỉ trích, một câu hỏi được đặt ra: mạng xã hội đang dung túng cho họ?

Những “trò lố” gây sốt

“Hot face” là cụm từ cư dân mạng sử dụng nhằm chỉ những gương mặt nổi trội trên mạng xã hội. Những người này đa phần tuổi đời còn trẻ nhưng lại sở hữu “quyền năng thực sự” của người nổi tiếng, không thua gì các ca sĩ, diễn viên: Kiếm hàng chục triệu, có khi hàng trăm triệu đồng mỗi tháng, luôn có “fan” săn đón, ăn diện...

Mới đây, cộng đồng mạng được phen xôn xao với những hình ảnh, thông tin về nhân vật T.S với nickname Công chúa Thủy Tề. Không chỉ gây chú ý với biệt danh mỹ miều, nhân vật này còn gây “sốc” với trang phục “kinh dị”.

Hình ảnh quen thuộc của anh này là mặc váy, tóc giả và trang điểm lòe loẹt với cách tạo dáng… khó đỡ. Càng bị phản đối, anh ta và ekip càng tung ra các clip khóc thương nhớ người yêu vật vã trên mạng.

Trò lố của T.S tiếp tục khi anh ta đăng ký cuộc thi hát và thể hiện giọng ca được cho là “thảm họa âm nhạc”. Dẫu bị bóc mẽ là cố tình tạo chiêu trò nhưng clip phần trình diễn của T.S vẫn thu hút gần 4 triệu người xem.

Với phát ngôn “càng chửi chúng tôi càng thích”, T.S đã đạt được mục đích của mình. Anh ta có người quản lý trang cá nhân, được mời tham dự sự kiện và kiếm tiền không nhỏ.

Hết “Công chúa Thủy tề” T.S với lối ăn mặc gây giật mình, lại đến “Thánh nữ” khoe thân trên mạng xã hội để nổi tiếng.

Còn “Thánh chửi” Dương Minh Tuyền nổi tiếng trên thế giới mạng với số lượng người theo dõi facebook lên tới 700 ngàn người mới đây đã bị bắt. Thường xuyên làm clip với mục đích “giao lưu, học hỏi, lên án cái xấu, cái ác”, như dòng giới thiệu từ đầu mỗi clip, nhưng nhiều clip của Tuyền có nội dung, hình ảnh phản cảm. Thanh niên này cởi trần, khoe hình xăm kín người, kiểu tóc lạ, tay cầm dao, mã tấu, thậm chí những viên đạn... với những lời lẽ đe dọa thô thiển…

Chiêu trò này của Tuyền được cho là cũng chỉ nhằm gây chú ý để… bán bia. Trước đây anh ta làm nghề đầu bếp, sau mở quán bia và bán lợn quay. Để mọi người biết đến mình và biết đến quán mình nhiều hơn, anh ta đã làm khá nhiều clip với mục đích nổi tiếng để bán bia.

Tuyền được cho là có mối quan hệ với một số ca sĩ nổi tiếng. Tuy làm nghề không liên quan đến showbiz, nhưng anh ta sử dụng thành thạo các chiêu trò “câu like” từ những clip gây sốc của mình.

Có thể nói, Facebook là mạng ảo, nhưng con người lại thật, và mới đây nhất hậu quả đã xảy ra đối với một cô bé học sinh cấp 2, khi đưa ra lời thách, “đủ 1000 like sẽ đốt trường”. Trường thì chưa đốt nhưng cô bé đã bị bỏng khá nặng vì xăng bén vào người. Và cô bé thú nhận, nếu không đốt như đã hứa thì cô bé sẽ bị nhiều người trên mạng dọa “đánh chết”.

Trường hợp của Dương Minh Tuyền cũng không phải là hiếm. Từ facebook ảo bước ra đời thật chỉ là tích tắc và thực tế, có những lời nói, hành động trong thế giới ảo tạm thời được chấp nhận (khi người ta không ai biết bạn là ai), nhưng nếu bạn vẫn áp dụng tư duy ảo trong cuộc sống đời thường, thì rất có thể một ngày, bạn sẽ phải trả giá đắt.

Ý kiến chuyên gia

Theo PGS TS xã hội Trịnh Hòa Bình, sở dĩ xuất hiện và tồn tại những trường hợp nổi tiếng “từ trên trời rơi xuống” như Lệ Rơi, Công chúa Thủy Tề, “Thánh chửi”… là vì thị hiếu lệch lạc của bộ phận giới trẻ. Nhưng điều đó cũng nảy sinh dựa trên thực trạng sự nhàm chán, nghèo nàn và xơ cứng của lĩnh vực giải trí.

“Vì nhàm chán, cư dân mạng mới cố gắng kiếm tìm hình ảnh độc đáo để gây chú ý. Bên cạnh đó có chiều hướng ngược lại, sự dị biệt, nhố nhăng, ngớ ngẩn cũng… nổi tiếng. Nó cũng thể hiện màu sắc đa cực trong cộng đồng.

Những người làm nghệ thuật chắc chắn không chấp nhận những “giá trị” mà Lệ Rơi, hay Công chúa Thủy Tề đem lại. Nhưng ngược lại khả năng kiếm tiền của Lệ Rơi, Công chúa Thủy Tề lại không hề kém hơn những người có giọng hát thực sự.

Tại sao “hiện tượng” ấy sống được? Vì công chúng, đặc biệt là quần chúng giới trẻ đã cảm thấy bão hòa, thừa mứa, chán chường với những sân khấu, với những hình thức diễn xướng có tính chất truyền thống và căn bản”.

PGS.TS Trịnh Hòa Bình cũng cho rằng, việc chấp nhận những “hiện tượng mạng” chỉ là do thị hiếu nhất thời. Nếu không có Lệ Rơi, Công chúa Thủy Tề hay Kenny Sang… thì sẽ lại có những trường hợp khác để thỏa mãn nhu cầu giải trí của khán giả.

“Thánh chửi” Dương Minh Tuyền

Tuy nhiên, sự tồn tại của những trường hợp “phản giá trị” này không tồn tại được lâu. Những gì là ảo, là “nhố nhăng, kệch cỡm” thì sớm muộn cũng bị đào thải.

Lý giải về thực trạng này, TS Văn học Đoàn Hương chia sẻ: “Thế giới cũng dùng Facebook, cũng dùng mạng còn ghê gớm hơn mình nhưng họ không lấy đó làm điều xấu. Vấn đề của các bạn trẻ Việt hiện nay là nghiện Facebook, dành quá nhiều thời gian cho Facebook…”.

Bà bày tỏ: “Mạng xã hội có hai mặt. Mặt tích cực của nó là tạo ra một cộng đồng rất lớn trên toàn thế giới để cho chúng ta có thể quan hệ, biết được suy tư, tình cảm của con người, của nhân loại. Một mặt tích cực nữa là nó giúp chúng ta tập trung những người trẻ lại về một phong trào, chẳng hạn phong trào tình nguyện, phong trào hy sinh, phong trào thiện nguyện nào đó, tập trung rất nhanh.

Thứ ba là nó giúp con người giải đáp những thắc mắc mà bản thân một mình anh không tìm thấy, anh có thể tìm thấy những người bạn ở đó. Nhưng bên cạnh đó thì nó lại có rất nhiều hệ lụy, vì nó là một thế giới ảo cho nên nó dễ cho người hay ảo tưởng về mình”.

Theo bà: ““Anh hùng bàn phím” có những người nghĩ mình nổi tiếng vì mình đã trở thành một người được Facebook hô hào, vì thế mới có những hiện tượng như Bà Tưng, Lệ Rơi, Công chúa Thủy Tề... Tưởng là nổi tiếng nhưng đó thực sự là hiện tượng tai tiếng. Con người thực sự không ai sống bằng thế giới ảo được mà chúng ta phải sống trong thế giới thật, phải giúp đỡ những con người thật”.

TS Đoàn Hương cho rằng: “Muốn thay đổi điều đó thì quan trọng chính là văn hóa ứng xử. Con người ta phải có ứng xử đúng mực với cuộc sống. Cái này chúng ta phải giáo dục cho thanh niên hôm nay. Hai là vấn đề học tập. Thứ ba, đó là học ngoại ngữ, nếu không học ngoại ngữ chúng ta là người câm điếc trên thế giới. Thứ tư là vấn đề văn hóa đọc và thứ năm là vấn đề rèn luyện thể lực. Đấy là 5 vấn đề ứng xử với bản thân mình.

Nếu không có sức khỏe thì tất cả ước mơ của anh sẽ trở thành gạch lát âm phủ. 5 vấn đề ấy tôi cho là văn hóa. Một khi người ta đã đầu tư vào 5 vấn đề thì sẽ chẳng có thời giờ lướt Facebook và mạng nhiều nữa, trừ khi người ta nghiên cứu hoặc trả lời bạn bè”.

Dương Minh Tuyền được biết đến với biệt danh là “thánh chửi”, bởi Tuyền thường tự quay các Clip chửi nhau với nhiều lời lẽ khiếm nhã, sau đó đăng tải lên mạng xã hội Facebook. Dương Minh Tuyền thường xuất hiện trong các Clip với hình ảnh nhiều hình xăm trên người, khoe tiền và chửi bới.

Ngày 8/10, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP.Bắc Ninh đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đồng thời ra lệnh bắt tạm giam bị can, khám xét nơi ở đối với Dương Minh Tuyền về hành vi “Gây rối trật tự công cộng”.

Theo kết quả điều tra ban đầu, khoảng 22h ngày 7/10, Dương Minh Tuyền cùng với Nguyễn Mạnh Hùng (39 tuổi, ngụ TP.Bắc Ninh) đi hát với nhóm bạn tại một quán karaoke ở phường Võ Cường (TP.Bắc Ninh).

Trong quá trình hát, Tuyền phát sinh mâu thuẫn với nhân viên phục vụ tại quán. Tuyền đã giằng, ném chiếc điện thoại di động của chị này xuống sàn phòng hát. Thấy vậy, Nguyễn Mạnh Hùng nhặt điện thoại lên đưa cho nhân viên và cãi nhau với Tuyền. Trong lúc nóng giận, Tuyền và Hùng xô xát với nhau.

Ngay sau đó, Tuyền đã về nơi ở của mình lấy 1 khẩu súng 2 nòng; 1 túi xách bên trong có 1 quả lựu đạn và 1 dây có 30 lỗ đựng đạn, rồi đi bộ về phía phố Nhà Chung (TP.Bắc Ninh). Trên đường đi, Tuyền vừa chửi bới, vừa nổ súng.

Khi đi đến ngã 3 phố Nhà Chung, Tuyền giơ súng lên trời bắn 3 phát. Lúc này, người dân đã xông vào giằng súng, dây đựng dạn và túi xách đựng 1 quả lựu đạn rồi khuyên Tuyền về nhà.

Tuy nhiên, ít phút sau, nam thanh niên này quay trở lại với 1 chiếc dao quắm trên tay, tiếp tục chửi bới và tìm Nguyễn Mạnh Hùng để đánh. Tiếp nhận thông tin, Công an thành phố Bắc Ninh đã đến hiện trường khống chế Tuyền, giải quyết vụ việc.

Mới đây, CQĐT cho biết đã khởi tố thêm tội danh “Hủy hoại tài sản” đối với Dương Minh Tuyền do đã có hành vi đập vỡ điện thoại của nhân viên quán karaoke.

Cảnh sát đang làm rõ hành vi chửi trên mạng Facebook của Dương Minh Tuyền để xem xét xử lý.

Nguyễn Mỹ

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/rubic-cuoc-song/vi-sao-nhung-tro-lo-tren-mang-co-suc-hut-304106.html